Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc: 'Thức ăn nhanh Việt Nam có tầng sâu văn hóa'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/05/2019 09:16 GMT+7

Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, thức ăn nhanh Việt Nam rất ưu việt, cả về vị, về sự có lợi cho sức khỏe và nhất là có tầng sâu văn hóa.

  Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc     
Những cuộc liên hoan lớp ở bậc phổ thông với thức ăn nhanh ngoại vẫn diễn ra. Liệu sau này có bao giờ chúng sẽ át được phở, bún, bánh mì - những thức ăn nhanh Việt truyền thống không, thưa ông?
Lựa chọn như vậy nhiều khi vì phụ huynh thấy tiện và đưa vào hoặc vì nhãn hàng quản lý tốt. Chứ thức ăn nhanh Việt rất ưu việt so với các loại fast food nước ngoài. Bánh mì chẳng hạn, nó ưu việt hơn hẳn so với burger (bánh mì kẹp thịt), hay gà rán. Bánh mì Việt có đồ chua, rau thơm bên cạnh thịt nên khi ăn thì sẽ thấy cảm giác không bị ngán.
Ở VN, người Việt mình đa số đều nấu ăn được, nên họ ăn uống cũng yêu cầu khó hơn. Người ta có thể rẽ vào ăn thức ăn nhanh khi ra nước ngoài, ăn cho biết vị thôi, còn khi đã biết đó là đồ chiên rồi dầu mỡ nhiều, dần dần họ cũng hạn chế cho con cái ăn. Người Việt thực ra đã có thói quen ăn uống rất tốt cho sức khỏe, với nhiều rau. Ăn cơm kiểu Việt buộc phải có rau, có canh là vậy đó. Có nghĩa là mình ăn uống nhiều rau, tốt sức khỏe từ trước. Rau thơm mình cũng nhiều. Nên những thứ không nhiều rau, không tốt cho sức khỏe, quá béo, chỉ ăn lúc đầu thôi. Còn từ từ, cơ thể của người Việt cũng sẽ không quen với những món ăn nhanh chiên rán của thương hiệu nước ngoài. Dần dần chính cơ thể phản ứng và họ không ăn nữa. Nên yên tâm là chúng ta luôn thắng trong cuộc chiến fast food này.
Vậy khi quảng bá du lịch, chúng ta có nên sử dụng slogan VN bếp ăn nhanh của thế giới được không?
Được chứ. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý mấy việc. Một là, chúng ta đang bị người nước ngoài hình dung có ít món ăn. Những đầu bếp thế giới đến VN, hoặc đầu bếp Việt đi nấu ăn trên thế giới lại cứ dùng món cũ hoài. Họ cứ nói về phở, về bánh mì, chả giò. Toàn nói món cũ không. Nên bây giờ nhiều người hình dung về VN là ít món, không nấu được nhiều món.
Hai là người nước ngoài thích khám phá, nhưng họ rất sợ bẩn. Họ rất sợ quán ăn nhanh vỉa hè mà khăn giấy rớt tùm lum, trắng xóa. Họ vẫn thử nếm nhưng sẽ không quay lại.
Thứ ba, cũng cần chú ý cách quảng bá về món ăn đó ra thế giới. Chẳng hạn, tuy đó là fast food nhưng cách chế biến kỳ công và phải công phu mới ra được vậy. Tôi nói việc quảng bá phở đi. Nếu so sánh phở với một miếng bít tết, họ sẽ so sánh, có vài gam thịt bò, sao bán một tô phở bằng giá miếng bít tết? Nhưng nếu mình làm cho họ hiểu tô phở rất mất công; nước dùng phải hầm tới cả chục tiếng mới ra được thì họ sẽ chấp nhận tô phở mắc hơn. Tôi ám ảnh nhất có những đoạn phim quảng bá văn hóa, rồi nấu phở, nói phở có thể nấu bằng nồi áp suất, mà trên một kênh truyền hình quốc tế luôn. Trời ơi, đang là một món mà người ta phải mất công nấu thì giờ được quảng bá như vậy. Quảng bá như vậy là sai, ảnh hưởng tới văn hóa phở.
Anh đi giới thiệu ẩm thực Việt ở 60 nước trên thế giới. Khi nấu ăn ở nước ngoài, anh hay giới thiệu gì, có phải là fast food không?
Khi đi nước ngoài tôi cũng không nấu phở nhiều. Tôi không nấu món quen nữa, nấu món lạ không. Chẳng hạn như bánh canh, bún riêu. Ra nước ngoài thì bún riêu tôi không dùng cua đồng mà dùng tôm nấu. Vậy đó. Nhưng họ rất nể món Việt vì họ ngạc nhiên lắm. Họ nói ủa cái này cũng từ gạo mà sao lúc gọi phở, lúc là bún, lúc là bánh canh, bánh đa? Sợi các loại này sao khác nhau vậy? Tôi nói, mỗi vùng ở VN lại có thổ nhưỡng khác nhau, kiểu nấu khác nhau. VN nhiều món chứ không chỉ phở đâu.
Như vậy là nên quảng bá thức ăn nhanh Việt nhưng nói được độ sâu văn hóa của thức ăn phải không, thưa ông?
Đúng rồi. Những câu chuyện đó sẽ rất hay. Chẳng hạn, bánh mì Sài Gòn cũng có gốc từ bánh mì Pháp, pa tê Pháp nhưng người làm là người Việt. Họ sẽ không làm pa tê kiểu Pháp vì thiếu lá thơm ở châu Âu, nên họ dùng gia vị Việt, làm pa tê Việt xốp và mềm. Đó là tầng văn hóa mà mình cần nói. Nó khác hẳn luôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.