Hiện nay, xe đạp điện, xe máy điện và ô tô điện ngày càng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mạng xã hội rộ lên nhiều thông tin cảnh báo về an toàn cháy nổ đối với xe điện, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội khiến 56 người tử vong. Ngày 20.9, Công an thành phố Hà Nội đã công bố nguyên nhân vụ cháy thảm khốc ở chung cư mini không bắt nguồn từ xe điện mà là từ 1 chiếc xe tay ga chạy xăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều luồng ý kiến tỏ ra e dè với xe điện.
Liệu có phải xe điện và phương tiện dễ cháy nổ và làm thế nào để sử dụng xe điện an toàn?
Phóng viên Báo Thanh Niên đã có buổi trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học Công nghệ và quản lý TP.HCM, Viện trưởng Viện Điện - điện tử - tin học EEI) để tìm hiểu vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho biết ắc quy có 2 dạng là ắc quy nước và ắc quy khô. Ắc quy dùng trong công nghiệp thông thường là dạng nước. Còn các loại xe đạp điện, xe máy điện, xe ô tô điện,… dùng ắc quy khô. Xe đạp điện, xe máy điện thường dùng 4 ắc quy từ 50 - 75 Ah, ô tô điện thường dùng 4 ắc quy từ 150 - 200 Ah.
Cũng như các thiết bị điện, ắc quy không phải là thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ mà chúng cũng chỉ là nạn nhân như các vật bị cháy khác.
Theo ông Phúc, sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua và liên tiếp những vụ hỏa hoạn trước đó, nhiều người tỏ ra lo lắng và quay lưng với xe điện. Đó là một hành động vội vàng, cảm tính và phi khoa học.
Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50% người dùng sử dụng xe điện và hướng tới 100% người dân sử dụng xe điện vào năm 2050. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, người dân cần cần nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và các quy tắc an toàn, đặc biệt là an toàn điện.
Bình luận (0)