Ngày 1.10, Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh lớn nhất từ trước đến nay mừng quốc khánh nước này. Có khoảng 15.000 binh lính, 160 máy bay và 600 thiết bị vũ khí tham gia cuộc duyệt binh, trong đó đa số là vũ khí mới, từ tên lửa đạn đạo đến máy bay không người lái.
|
Đáng chú ý có tên lửa đạn đạo tầm xa lần đầu xuất hiện DF-41 (tầm bắn 14.000 km, có thể bắn đến Mỹ trong 30 phút), tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 (bắn xa 2.500 km) mang thiết bị bay bội siêu thanh, tên lửa hành trình siêu âm tầm xa CJ-100 (hay DF-100)...
Defense News cho hay Trung Quốc đã thử nghiệm thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) và tên lửa đẩy DF-17 từ năm 2014. DF-17 mang HGV là loại đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động, trong khi nhiều nước vẫn còn đang phát triển HGV tương tự.
|
Với tên lửa hành trình siêu âm CJ-100, có rất ít thông tin về loại này. Theo AP, CJ-100 xuất hiện lần đầu tại lễ duyệt binh với các dàn phóng đặt trên xe tải, và có tin cho rằng CJ-100 được phát triển từ dòng tên lửa hành trình CJ-10 vốn có tầm bắn 1.500 km.
Tân Hoa xã chỉ nói ngắn gọn rằng CJ-100 là loại tên lửa “có tầm bắn xa, độ chính xác cao và là loại mới nhất”.
Thông tin mạng của Trung Quốc cho hay CJ-100 có tốc độ gấp 3 - 5 lần vận tốc âm thanh (3.700 - 6.100 km/giờ), dùng để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố và cả dưới lòng đất, cũng như có thể dùng diệt các tàu chiến cỡ lớn. Báo SCMP của Hồng Kông ngày 1.10 cho hay CJ-100 đã đi vào trực chiến, dùng để tiêu diệt mục tiêu tàu chiến cỡ lớn, có tầm bắn từ 2.000 - 3.000 km.
|
Tuy nhiên, ông Alexei Leonkov, chuyên gia quân sự, tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc (Nga) nói với trang tin vz.ru rằng ông nghi ngờ về tầm bắn của CJ-100.
“CJ-100 là tên lửa tầm xa, tuy nhiên Trung Quốc không cho thấy động cơ của loại tên lửa này như thế nào, nên khó mà đánh giá được tầm bắn của nó”, ông Leonkov nói.
“Ngoài ra, tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc không có công nghệ để tạo ra loại động cơ ở cấp độ này. Ngay cả xe tự hành của Trung Quốc chạy trên Mặt trăng cũng phải lắp đặt thiết bị hạt nhân của Nga. Do đó rất có thể, đây là một loại tên lửa tương tự tên lửa Kalibr của Nga hoặc Tomahawk của Mỹ. Trung Quốc lần đầu tiên chế tạo ra những tên lửa như vậy”, ông Leonkov bình luận.
|
Ông Leonkov nhận xét những tiến bộ công nghệ đã khiến quân đội Trung Quốc đạt được trình độ của quân đội Nga và Mỹ. “Tuy nhiên nói về trình độ sản xuất và tỉ lệ giữa giá cả và chất lượng thì vũ khí Nga là không có đối thủ, ngay cả Mỹ cũng phải thừa nhận”, ông Leonkov nói.
Ông Leonkov nói thêm, ngành công nghiệp quân sự của Nga và Trung Quốc phát triển không nhằm chạy đua vũ trang, trong khi ngành công nghiệp quân sự của Mỹ dẫn đầu thế giới về cung ứng và buôn bán vũ khí. Ông cũng chê chất lượng vũ khí Mỹ: “Quân đội Mỹ có rất nhiều loại vũ khí, nhưng chất lượng thì kém. Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã thất bại khi không ngăn chặn được cuộc tấn công bằng tên lửa vào nhà máy lọc dầu ở Ả Rập Xê Út vừa qua”.
|
|
Còn giới chức quân sự Nga khẳng định Kalibr là hệ thống tên lửa hành trình hiện đại nhất và uy lực nhất của Nga hiện tại, khiến Mỹ phải kiêng dè.
Kalibr được đưa vào phục vụ từ cuối những năm 2010, tầm bắn xa tối đa đến 2.600 km. Lần đầu tiên Kalibr tham chiến là vào ngày 7.10.2015, các tàu tên lửa của Hải đội Caspi (Nga) từ biển Caspi phóng tổng cộng 26 tên lửa Kalibr vào các vị trí của phiến quân IS trên đất Syria, cách đó hơn 1.500 km. Sau đó tên lửa Kalibr còn được các tàu chiến, tàu ngầm Nga từ Địa Trung Hải bắn vào quân IS ở Syria.
|
|
Hệ thống Kalibr gồm 2 loại tên lửa, một loại dùng diệt tàu chiến (3M-54, tốc độ 3.700 km/giờ) và một loại dùng diệt mục tiêu trong đất liền (3M-14, tốc độ cận siêu âm). Hệ thống Kalibr hiện được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm, và dự kiến sẽ có phiên bản phóng từ đất liền.
|
Hệ thống Kalibr xuất khẩu có tên là Klub, trang bị cho các tàu ngầm Kilo loại xuất khẩu, tầm bắn của tên lửa tối đa 300 km.
Bình luận (0)