Chuyên gia nhận định học sinh đang bị định hướng giáo dục kiểu ‘vội vàng, ngắn hạn’

08/04/2023 19:40 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng nền giáo dục Việt Nam đang đối mặt nhiều thử thách, vì thế phải thay đổi góc nhìn về ý nghĩa giảng dạy, cũng như cách mà người thầy có thể mang lại niềm vui cho chính mình và học sinh.

Những trăn trở

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, tiến sĩ Mira Seo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam (TP.HCM), nhìn nhận ngành giáo dục đã không thể trở về mô hình lớp học truyền thống sau những gián đoạn từ đại dịch. Chẳng hạn, ở khía cạnh giáo viên, các thầy cô đang gặp ít nhiều khó khăn lẫn thử thách trong hoạt động giảng dạy và tái kết nối với học trò, đồng nghiệp.

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Mira Seo nhìn nhận cả giáo viên lẫn học sinh đang gặp nhiều khó khăn thời điểm hậu đại dịch

NGỌC LONG

"Học sinh cũng thay đổi rất nhiều trong 2 năm Covid-19 vừa qua. Nhiều em, đặc biệt là trẻ nhỏ, đã trở nên lạc lõng sau thời gian dài phải học trực tuyến", tiến sĩ Mira chia sẻ tại hội thảo đào tạo thực hành dành cho giáo viên PEN 2023 tổ chức ở Trường ĐH Fulbright Việt Nam ngày 8.4.

Cũng liên quan đến môi trường trực tuyến, tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, sáng lập và điều hành Quỹ phát triển Giáo dục IEG (Hà Nội), cho rằng trong bối cảnh mạng xã hội đang "đảm nhiệm" nhiều công việc của người thầy, giáo viên phải cung cấp cho học sinh trục tư tưởng và khung tham chiếu để các em tự định vị bản thân, hình thành quyết định của riêng mình.

"Nhờ đó, các em có thể tự đứng vững trên đôi chân và tự tin bước đi cho dù thuộc thế hệ Gen Z hay Alpha. Mỗi người đi qua cuộc đời sẽ tiếp xúc với rất nhiều tư tưởng khác nhau và mạng xã hội chính là một "nồi lẩu" tư tưởng. Và nhà giáo chúng ta, tuy không thể thay đổi thế giới bên ngoài, nhưng hoàn toàn có thể điều chỉnh thế giới bên trong mỗi học sinh", tiến sĩ Hiếu trả lời phóng viên Báo Thanh Niên bên lề sự kiện.

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu có nhiều trăn trở với nền giáo dục Việt Nam

NGỌC LONG

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 3.

Buổi chia sẻ "Phản tư về căn tính của người làm nghề giáo" (Reflection on teacher’s identity) thu hút sự quan tâm của nhiều người

NGỌC LONG

Với kinh nghiệm giảng dạy hơn 5.000 học sinh, đào tạo hơn 25.000 giáo viên và tốt nghiệp nhiều trường danh tiếng thế giới như ĐH Oxford (Anh), ĐH Stanford (Mỹ), anh Hiếu cho biết anh có 2 niềm trăn trở lớn khi quay về Việt Nam hoạt động giáo dục. "Thứ nhất là nhà trường và thầy cô thường rất vội vàng. Vội dạy thật nhiều, vội mong học sinh đạt được thành tích nào đó. Điều này tuy không sai nhưng khiến tâm thế các em cũng hối hả theo, từ đó không thể tận hưởng quá trình học tập", tiến sĩ Hiếu nói.

Điểm lo ngại thứ 2, theo anh Hiếu, là những nhà giáo dục tập trung quá nhiều đến các mục tiêu ngắn hạn như điểm số, nguyện vọng trường học. Các mục tiêu đó tuy tốt nhưng có số lượng quá nhiều khiến người ta nhầm tưởng giá trị của giáo dục chỉ là chạy theo kiến thức, kỹ năng. "Chúng ta không thể biến học sinh thành 'cỗ máy học' mà phải bồi dưỡng sự tử tế, niềm tin lạc quan và cách đối nhân xử thế, từ đó xây dựng nên một con người sống có giá trị. Đây là những đức tính đôi khi môn học trên lớp chưa chắc dạy được cho các em", tiến sĩ Hiếu bộc bạch.

Đi tìm căn tính "người lái đò"

Trước thực trạng hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022, anh Hiếu cho rằng trong môi trường học đường hiện tại, cả nhà trường lẫn học sinh đều đang ít nhiều cảm thấy mệt mỏi. "Xã hội là sản phẩm của giáo dục còn giáo dục thì phản ánh xã hội. Vì thế, sau Covid-19, những mất mát, lo âu lẫn mong đợi của con trẻ và phụ huynh đều quay về đè nặng lên vai giáo viên và yêu cầu họ phải giải quyết", tiến sĩ Hiếu lý giải.

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng giáo viên có 3 căn tính phải tìm thấy để tìm được hạnh phúc trong công việc giảng dạy

NGỌC LONG

Để tìm được niềm vui, hạnh phúc khi đứng lớp và xa hơn nữa là sáng tạo phương pháp giảng dạy chất lượng, theo chuyên gia giáo dục, một trong những điều cần lưu tâm là người làm nghề giáo phải xác định được căn tính (identity) của chính mình.

"Đầu tiên, người dạy là người đồng học, tức học cùng người học và xem nhau như bạn bè. Người dạy cũng là người chữa lành. Mỗi học sinh đến với chúng ta đều có những câu chuyện với gia đình, bạn bè hay hoài bão, nỗi sợ. Nếu chỉ dạy cho xong giáo án mà không kết nối, thay đổi tâm hồn bên trong, việc học với các em sẽ ngày càng áp lực. Cuối cùng, người dạy là người bắt đầu. Phải có tinh thần cởi mở tìm đến tri thức, sẵn sàng học lại thay vì nghĩ biết thế này là được, dạy bao nhiêu đó là đủ", anh Hiếu chia sẻ.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển với ngày càng nhiều công cụ và phương pháp dạy học mới ra đời, đi cùng đó chương trình giáo dục phổ thông cũng đổi mới, để người thầy có thể thật sự chạm đến học sinh, tiến sĩ Hiếu cho rằng có thể nhìn nhận mối quan hệ giữa giáo viên và người học không còn là thầy với trò mà là con người với con người.

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 5.

Thầy cô trao đổi giải pháp cho những vấn đề giáo dục được đặt ra

NGỌC LONG

Chuyên gia nhận định nền giáo dục Việt Nam đang 'vội vàng và ngắn hạn' - Ảnh 6.

Sự kiện quy tụ gần 300 giáo viên tham dự trực tiếp tại TP.HCM và Hà Nội

NGỌC LONG

"Khi đó, không chỉ dừng lại ở suy nghĩ 'tôi sẽ dạy anh chị kiến thức này', chúng ta sẽ hy vọng người còn lại hiểu thêm về mình, cùng vượt qua khó khăn và trao nhau những giá trị tốt đẹp. Điều này tạo ra sự đồng cảm lẫn yêu thương, trở thành nền tảng kết nối vững chắc nhất có thể, vượt lên hết thảy những biến chuyển", anh Hiếu đúc kết.

Chương trình hội thảo đào tạo thực hành dành cho giáo viên Pioneering Educator Network (mạng lưới các nhà giáo dục tiên phong, viết tắt PEN) được đồng khởi xướng bởi Quỹ phát triển Giáo dục IEG và Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Năm 2023, hội thảo PEN thu hút gần 300 thầy cô từ 40 tỉnh thành tham dự trực tiếp, và khoảng 500 giáo viên tham dự trực tuyến ở TP.HCM và Hà Nội. Và qua 4 mùa tổ chức, hội thảo PEN đã quy tụ nhà giáo từ 140 cơ sở giáo dục ở 61 tỉnh thành Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.