Vượt qua Covid-19, vải thiều lên đường sang Nhật Bản

Thái Trọng
Thái Trọng
20/06/2020 16:47 GMT+7

Sau khi kiểm tra và "gật đầu" với dây chuyền chế biến, ngày 18.6, chuyên gia Nhật Bản đã tiếp tục giám sát quy trình xử lý quả vải trước khi xuất khẩu những lô vải thiều tươi đầu tiên của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sang thị trường Nhật Bản.

Ngày 18.6 tại Bắc Giang, ông Takayama Shigeaki (chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản) phối hợp cùng với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT giám sát quá trình sơ chế, đóng gói, khử trùng... lô vải thiều đầu tiên đi thị trường Nhật Bản.

Ông Takayama Shigeaki trao đổi cùng chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT giám sát quá trình sơ chế, đóng gói, khử trùng... lô vải thiều đầu tiên đi thị trường Nhật Bản.

Thái Trọng

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Thái Trọng

Qua kiểm tra các trang thiết bị, dây chuyền đóng gói, bảo quản quả vải thiều, ông Takayama Shigeaki đánh giá các quy trình, nội dung hai nước Việt Nam và Nhật Bản cam kết đều đầy đủ, đúng theo thông số mà phía Nhật yêu cầu. Chỉ tiêu các yêu cầu về thời gian xử lý, áp suất đều khớp. Đáng nói là hệ thống thiết bị khử trùng được chuyên gia Nhật Bản kiểm tra lần này đều được phía Việt Nam tự thiết kế, sản xuất.
Theo đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - cho biết: “Đây là hệ thống hoàn toàn do người Việt thiết kế và có nhiều điểm đặc biệt, ví dụ chúng tôi có hệ thống đảo khí tuần hoàn, cái này chuyên gia Nhật thấy lạ nhưng qua kiểm tra ông đánh giá rất cao về kĩ thuật, công nghệ và chất lượng quả vải sau khi được chế biến.”

Hai bên trao đổi về những thông số kĩ thuật và đặc điểm dây chuyền chế biến Made in Vietnam.

Thái Trọng

 Thái Trọng

Chuẩn bị vải thiều cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đã chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.

Thái Trọng

Gần 5 tấn vải thiều đầu tiên đi Nhật được xử lý hôm nay được chuyên gia Nhật Bản xác nhận kết quả đạt chuẩn. Phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng tự tin cho rằng, hệ thống này đảm bảo cho quả vải đi bằng cả đường biển và đường hàng không đều đảm bảo giữ được độ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.
Là một trong những đại diện của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu - cũng có mặt trong đoàn công tác: "Cái nổi trội nhất của quả vải ở Việt Nam là có vị vừa chua vừa ngọt rất hợp với khẩu vị được yêu thích của người Nhật Bản. Lần này là lần đầu tiên quả vải Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi với vai trò là những cầu nối sẽ cố gắng hết sức để có thể mang đến nước bạn những quả vải chất lượng nhất."  
Các doanh nghiệp cho biết, ngay sau ngày kiểm tra, 1 tấn vải đầu tiên sẽ đi Nhật bằng đường hàng không. Ngày tiếp theo gần 4 tấn vải đi bằng đường biển và từ tuần sau sẽ có 2 chuyến mỗi tuần. Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.