Chuyên gia nông nghiệp đề xuất 'bắt mạch' sức khỏe đất

18/10/2024 19:40 GMT+7

Nhiều chuyên gia khoa học ngành nông nghiệp đề xuất Bộ NN-PTNT thành lập ban điều hành triển khai thực hiện Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 18.10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ NN-PTNT ban hành ngày 11.10 vừa qua.

Chuyên gia nông nghiệp đề xuất 'bắt mạch' sức khỏe đất- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chủ trì hội nghị triển khai đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

ẢNH: H.P

Đất nông nghiệp suy thoái do lạm dụng phân bón

Dẫn số liệu từ Bộ TN-MT, các chuyên gia cho rằng, cập nhật đến năm 2021, cả nước có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu ha là đất sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, đất bị suy thoái, nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh, ảnh hưởng nặng nề nhất, tập trung ở các khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.

Bà Trần Thị Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT, cho rằng nguyên nhân khiến đất trồng trọt bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm.

Ngoài ra, nông dân lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp; tập quán canh tác độc canh lấy đi chất lượng dinh dưỡng của đất.

Cũng theo bà Hòa, ở các vùng canh tác cây ăn quả chỉ chú trọng tới NPK dẫn tới đất bị mất cân bằng dinh dưỡng; không cho đất nghỉ. Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu, thông tin dự báo thị trường chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới chất lượng đất bị suy thoái. Trong đó, điển hình như Đồng bằng sông Hồng có hệ số sử dụng đất cao; Tây nguyên thâm canh cây công nghiệp… làm độ PH trong đất cao hơn nhiều lần so với chỉ số tự nhiên.

Chuyên gia nông nghiệp đề xuất 'bắt mạch' sức khỏe đất- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, thông tin về hiện trạng chất lượng đất bị thoái hóa, suy giảm

ẢNH: H.P

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực xã hội. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án là hành động rất kịp thời, cấp bách.

Trong Quyết định số 1748 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung nâng cao sức khỏe đất và cây trồng; phân bón chỉ là một yếu tố đầu vào.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bộ, để triển khai đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng. Trong đó, phải xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón.

"Chúng tôi đề nghị phải thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án, tổ chức các hội thảo chuyên đề định kỳ về các vấn đề liên quan tới sức khỏe của đất và cây trồng; cần thống nhất hệ thống phân loại đất; xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón. Đào tạo cho khuyến nông viên về nội dung này", ông Bộ kiến nghị.

Sức khỏe đất đang là vấn đề được thế giới quan tâm

Chia sẻ tại hội nghị, ông Vũ Thắng, Phó trưởng phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật Bộ NN-PTNT, cho rằng cần xây dựng bộ chỉ tiêu và phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất về vật lý, hóa học và sinh học theo các loại đất chính và cây trồng chủ lực. Các chỉ tiêu này được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái, sức khỏe đất đang là vấn đề được Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Tại Việt Nam, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đề nghị ban soạn thảo đề án cần có lộ trình cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng tới từng địa phương trong thực hiện các nội dung của đề án.

Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật đánh giá kỹ từng loại đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá từng loại đất sẽ phù hợp với cây trồng nào, để định hướng, thay đổi tập quán canh tác.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung ghi nhận ý kiến của các chuyên gia khoa học trong ngành nông nghiệp về nâng tầm đề án để trình Chính phủ ký ban hành. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ về việc thành lập ban chỉ đạo triển khai đề án.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.