Bà Sylvie Briand nhận xét tình hình gây quan ngại vì số ca H5N1 ở chim chóc, gia cầm và động vật có vú đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Chuyên gia này cũng kêu gọi các nước cảnh giác và cho biết WHO đang rà soát lại cách đánh giá nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu trước những diễn biến mới nhất.
Theo tờ Khmer Times, Bộ Y tế Campuchia ngày 24.2 đã phát hiện người thứ hai nhiễm H5N1 ở nước này sau khi một bé gái 11 tuổi ở tỉnh Prey Veng tử vong hôm 22.2 do cúm gia cầm. Ca bệnh mới nhất là một người đàn ông 49 tuổi, cha của bé gái trên. Người đàn ông này không có triệu chứng đáng kể. Campuchia đang xét nghiệm 11 người khác đã tiếp xúc gần với bé gái, trong đó 4 người đang có triệu chứng.
TP.HCM KIỂM SOÁT CHẶT NGƯỜI NHẬP CẢNH ĐỂ PHÒNG DỊCH
Ngày 25.2, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai phòng chống dịch bệnh cúm A (H5N1). Cụ thể, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai các biện pháp giám sát chặt người nhập cảnh đi (đến, ở) từ vùng có dịch cúm A (H5N1) và phối hợp các trạm kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào VN qua cửa khẩu. Giám sát, phát hiện sớm các trường hợp, chùm ca bệnh ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur để xác định nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng. Truyền thông đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh cúm gia cầm tại cửa khẩu và tại cộng đồng.
HCDC làm đầu mối phối hợp Chi cục Chăn nuôi và thú y tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức. HCDC tổ chức tập huấn cho các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức về công tác giám sát và phòng chống dịch cúm A (H5N1) tại cộng đồng.
Sở Y tế giao các trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp phòng y tế tham mưu UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A (H5N1) theo chỉ đạo của UBND TP.HCM và hướng dẫn của các sở, ngành liên quan. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi đến, ở từ vùng dịch, đồng thời báo cáo ngay về HCDC triển khai các biện pháp kịp thời. Quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện các biện pháp truyền thông phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo thực hiện nghiêm "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người" theo quy định của của Bộ Y tế. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong. Báo cáo khẩn về HCDC để được điều tra dịch tễ, lấy mẫu giám sát kịp thời.
Giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A (H5N1). Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước đó, ngày 24.2, Viện Pasteur TP.HCM có công văn gửi khẩn 20 tỉnh phía nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do vi rút cúm A (H5N1).
TP.HCM chỉ đạo khẩn phòng chống bệnh cúm A:H5N1
H5N1 là một phân nhóm vi rút cúm A (Influenza A virus), lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.
Những dấu hiệu cơ bản của bệnh cúm A (H5N1) là: sốt cao liên tục trên 38 độ C; rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc; đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho thường, ho khan, ho có đờm. Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng trở nên trầm trọng. Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi, đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.
Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
(Nguồn: Bộ Y tế)
Bình luận (0)