Chuyện giữ rừng ở... TP.HCM

15/05/2022 15:47 GMT+7

Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu sinh học thiết yếu bảo vệ TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới .

Trong 20 năm qua, chính quyền và người dân địa phương cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và bảo vệ diện tích rừng. Tuy nhiên, Cần Giờ vẫn mất 144 ha diện tích rừng che phủ.

Hiện nay, có 155 gia đình tham gia công tác giữ rừng phòng hộ. Trong đó, có 55 gia đình cán bộ giữ rừng có con em trong độ tuổi đi học. Công việc này buộc người dân phải sống và làm việc sâu trong rừng nên các vấn đề sinh hoạt và đi lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Công Lệ (49 tuổi) đã gắn bó với nghề giữ rừng hơn 20 năm

Gia Thanh

Bà Trần Thị Hóa (49 tuổi) và chồng gắn bó với rừng ngập mặn 26 năm nay. Đất rừng này cũng là mẹ chồng bà để lại sau khi tuổi cao sức yếu. Vợ chồng bà có 4 đứa con, hai trai, hai gái. Con cái lớn hết rồi, có đứa đã lập gia đình còn đứa út đang học lớp 7.

“Công việc giữ rừng này thì 3 tháng, nhà nước trả 18 triệu. Thu nhập ổn định nên cuộc sống tốt hơn xưa. Điện là năng lượng mặt trời. Mùa mưa nước xài không hết. Mùa nắng thì hơi thiếu, ghe lại đổi nước thì 100.000 đồng/khối. Hồi trước thì khổ, mấy năm lại đây thì được nhà nước, các mạnh thường quân hỗ trợ bồn trữ nước, chi phí nên cuộc sống khoẻ hơn. Khổ mình nói khổ, khoẻ mình nói khoẻ à”, bà Hoá cười nói.

Cuộc sống của những người giữ rừng đã có nhiều cải thiện so với thời gian trước

Gia Thanh

Cũng nằm trong số hộ dân có con đang đi học, bà Võ Thị Gái (49 tuổi) đã tạm gác công việc ở rừng để đến Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Cần Giờ. Vợ chồng bà hiện đang giữ hơn 50 mẫu rừng ngập mặn, với thu nhập hơn hơn 10 triệu đồng/quý. Bà có 3 người con, con trai lớn đã đi làm và 2 đứa còn lại đang tuổi ăn học.

Vì đặc thù công việc, chồng bà ở trong rừng thỉnh thoảng mới về, còn bà chạy tới lui hai nơi. “Sáng thì tôi chạy vào mang cơm nước cho ông xã, chiều chạy về bán mấy đồ hải sản bắt được. Đi bằng vỏ lãi không à, vì ở tận sâu trong rừng. Trong đó nhà tôi có ruộng muối nữa. Nhưng mấy năm nay ông xã bị bệnh tim nên cho người ta mướn”, bà Gái chia sẻ.

Hơn 500 cây xanh được trồng xuống trong dự án hỗ trợ Cần Giờ của AWS

Gia Thanh

Những cây xanh trồng xuống sẽ được ban quản lý chăm sóc và bảo vệ

Gia Thanh

Cuộc sống của những người giữ rừng phòng hộ cách đây nhiều năm khó khăn trăm bề. Nhưng giờ đây, diện mạo của cuộc sống giữa rừng đã có nhiều thay đổi. Những mái nhà lá tạm bợ được thay thế bằng nhà xây sạch sẽ, rộng rãi và an toàn hơn. Mạnh thường quân và chính quyền địa phương hỗ trợ các bồn chứa để trữ nước mưa tới mùa nắng hạn.

“Ông già đã giữ rừng từ lâu rồi. Sau này, ông già nghỉ hưu mới sang lại cho ông xã. Vợ chồng gắn bó với rừng cũng từ ngày ấy đến nay hơn chục năm rồi. Con cái sau này nó có suy nghĩ riêng của mình. Nó có khả năng giữ rừng phòng hộ thì tôi giao cho nó, còn không già rồi thì tôi giao lại cho nhà nước. Tôi cũng muốn con cái đi đó đi đây cho biết với người ta. Nhưng mình cũng cắt nghĩa với tụi nó, giữ rừng phòng hộ là cái nghiệp mà cha mẹ, ông bà đã gắn bó. Mình muốn giữ gìn màu xanh cho quê hương”, bà Gái tâm sự.

55 hộ dân giữ rừng phòng hộ tại H.Cần Giờ (TP.HCM) đã nhận tiền hỗ trợ và quà tặng từ công ty Amazon Web Service (AWS) trong dự án hỗ trợ rừng ngập mặn Cần Giờ năm 2022. Hơn 500 cây xanh cũng đã được đoàn công ty AWS và những người giữ rừng trồng xuống. Những cây xanh này sẽ được ban quan lý rừng phòng hộ coi sóc và bảo vệ trong thời gian tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.