Nhà văn Sơn Tùng nổi tiếng với tác phẩm Búp sen xanh viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ, ra đời năm 1982 được tái bản tới 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nhiều lần đến nhà riêng thăm ông, một căn hộ trước đây chỉ có 9 m2 ở khu Văn Chương (Hà Nội), lần nào cũng thấy ông bên bàn viết, bên giá sách, mà giá sách của ông chiếm gần hết gian phòng. Lần đến thăm ông trước khi ông mất (2021), thấy ông nằm bất động, ngồi bên ông là bà Mai - một y tá đã tình nguyện đến với ông khi ông bị thương nặng từ chiến trường trở về nằm ở trạm quân y cách đây gần ba mươi năm rồi trở thành vợ ông - và người con trai Bùi Sơn Định, hằng ngày cùng với mẹ Mai chăm sóc bố.
Nhà văn Sơn Tùng |
Từ Khôi |
Câu chuyện với Bùi Sơn Định bắt đầu từ làng Kim (Hoa Lũy, Diễn Châu, Nghệ An ) nơi nhà văn Sơn Tùng sinh ra và lớn lên. Có lẽ ở nước mình đây là ngôi làng duy nhất từng có một hương ước là cấm đạo Thiên Chúa lẫn đạo Phật. Nhà nào muốn thờ đạo Phật thì chỉ được thờ trong nhà. Muốn thờ đạo Thiên Chúa phải ra khỏi làng. Làng chỉ thờ đạo Khổng. Chính quyền thuộc Pháp thời đó đã cấm người làng Hoa Lũy đến các khoa thi, bởi vậy ông nội của nhà văn Sơn Tùng là Bùi Văn Tài lẫn thân phụ nhà văn là Bùi Phú dù học hành giỏi giang trong “Rừng nho bể thánh” cũng chỉ là những nhà nho ở nhà dạy học hay làm nghề đi biển và đi biển mà trở thành “hải sư” như ông Bùi Văn Tài quả là ít có.
“Bố em là người cả đời ham đọc sách, cả đời tự học mà thành người hiểu nhiều, biết rộng nên ông dạy các con, các cháu, nghèo đến mấy, khổ đến mấy cũng phải học, bát chữ phải luôn đầy hơn bát cơm, học chữ và học nghĩa sau từng con chữ… Ông luôn quan niệm rằng học là để làm người hiểu biết, làm người lương thiện, làm người có ích, sống nhân ái, bao dung, cương trực và luôn biết sẻ chia chứ không phải học để có cái bằng mà ra làm ông này bà khác nhằm vinh thân, phì gia… Ông ghét nhất là thói tham lam, ông dạy chúng em khi gắp thức ăn không được sấp tay, phải ngửa tay, ngửa tay là gắp miếng ăn vừa phải, rõ ràng, sấp tay là tham… Ông thường nói với các con rằng ở đời nhục nhất là miếng ăn, quá khẩu thành tà. Cả đời ông luôn sống ngay thẳng, trong sạch, sống không chỉ vì mình. Ông dạy các con bằng chính tấm gương của cuộc đời mình…”, Định nói.
Định cho biết: “Bà ngoại em vốn quê gốc ở Vụ Bản, Nam Định nhưng mẹ em (bà Trịnh Thị Minh, sinh năm 1926, mất năm 1976) được sinh ra ở thị trấn cầu Dát, trong một dòng họ nhiều người đỗ đạt cao. Dưỡng phụ của mẹ em là Phan Hoàng Nghi được vua phong hàm Bát Phẩm Văn Giai. Thời trước rất giàu có. Bố em, rồi sau này là chúng em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách sống, cách nuôi nấng, dạy dỗ bên nội lẫn bên ngoại, là luôn thấm nhuần câu nói “bát chữ phải đầy hơn bát cơm”. Bát chữ mà các cụ dạy không phải là chỉ là học cái chữ, mà ý sâu xa là ở đời phải cố gắng để làm người có học, có hiểu biết, có văn hóa…”.
Tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng |
NXB Kim Đồng |
Có một kỷ niệm mà Bùi Sơn Định không bao giờ quên. “Lần đó, sau khi học xong nghề lái xe, em về thăm bố. Bố em đang ngồi viết, em đến bên thưa với bố là con đã học xong, đã nhận bằng lái… Bố em bảo ngồi xuống, rồi ông dặn: ‘Bố chỉ nói với con cái đạo lý này thôi để con luôn nhớ mà răn mình: người xưa thường nói rằng của làm ra thì để trong nhà… là ý nói của cải có nhiều hay ít cũng không nên khoe khoang, giàu không ai biết, đói chẳng ai hay. Của người ta biếu, người ta cho phải để ngoài sân là muốn nói hằng ngày luôn nhắc nhở mình không quên ơn những người đã giúp mình lúc khó khăn, hoạn nạn, là mình phải luôn cố gắng bằng anh, bằng chị. Còn của phù vân thì nhất thiết phải để ngoài ngõ vì đó là thứ của cải không làm mà có, như tham nhũng chẳng hạn thì chỉ là thứ phù vân, đừng bao giờ ôm vào mình vì không sớm thì muộn cũng sẽ mất…
Dạo đó nhà bố em còn ở ngõ Thụy Khuê, căn nhà lá lợp giấy dầu. Bố vừa dặn dò em xong thì thấy bác Văn Cao (nhạc sĩ) đến, dựng cái xe đạp cũ ở bờ tường căn nhà trước mặt, rồi đi vào…”, Bùi Sơn Định kể.
Tôi được biết, một dạo có đồng chí lãnh đạo cao cấp đến thăm ông, thấy cả gia đình ông ở trong một căn phòng có 9 m2 rất chật chội, khi ra về đồng chí đó đã chỉ thị cho cấp dưới cấp cho ông một căn nhà rộng hơn ở phố Liễu Giai, nhưng ông không nhận. Rồi người ta xây nhà tình nghĩa phân cho ông vì ông là thương binh nặng, ông cũng từ chối. Ông bảo mình có nhà rồi, tuy chật nhưng còn hơn bao nhiêu người chưa có nhà, còn ăn bờ ở bụi, hãy dành những căn nhà đó cho những người chưa có mét vuông nhà nào cả!
Bao năm nhà cửa chật chội, ông vẫn làm việc hăng say, để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Năm 2011 ông được phong Anh hùng Lao động. Có lẽ Sơn Tùng là nhà văn duy nhất ở Việt Nam được phong anh hùng lúc còn sống. Ông là một nhà văn, một nhà báo, một cán bộ Đoàn, một nhân cách mà tôi rất kính trọng.
Bình luận (0)