Lời hứa “sẽ làm mẹ tự hào”
Mùa hè năm 1997, Trung đến Mỹ du học ngành kinh tế giữa lúc gia đình bất ngờ phá sản, lâm cảnh nợ nần. Toàn bộ tài sản của bố mẹ dành dụm được trong 20 năm phải bán sạch để trả nợ, kể cả ngôi nhà đang ở. Mọi thứ diễn ra quá nhanh trong thời gian chờ được cấp thị thực nên Trung không kịp xoay xở.
Trung luôn khắc sâu trong tim hình ảnh người mẹ nhòe nước mắt ngày anh lên đường. Ngày ấy, Trung ôm mẹ và nói với sự quả quyết: “Con sẽ cố gắng hết sức để trở về với thành công và làm cho mẹ tự hào”.
Johnny Đỗ cùng tác giả bức tranh bán đấu giá hỗ trợ tổ chức trung thu cho trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19 do Chi đoàn Báo Thanh Niên tổ chức |
NVCC |
Những ngày đầu đến San Jose (bang California, Mỹ), Trung ở nhờ nhà một người họ hàng và học tiếng Anh ở Trường Golden Gate trong 2 học kỳ (3 tháng) với học phí đã được trả trước. Chuỗi ngày sau khi hết thời hạn học tiếng Anh, không có tiền học tiếp, cùng lúc người họ hàng không cho tiếp tục ở nhờ thật sự khó khăn với Trung. Thật may mắn khi có một người khác cho Trung đến ở cùng tại TP.Tacoma (bang Washington) rồi anh xin được vào học nghề thợ kim hoàn trong 6 tháng ở một cửa hàng nữ trang. Sau đó, anh vừa đi học tại một trường cao đẳng công vừa đi làm thợ kim hoàn bán thời gian. Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã giành được sự tin tưởng của ông chủ nhờ chăm chỉ, cầu tiến và tay nghề xuất sắc. Đây là thời gian Trung học được rất nhiều kỹ năng tư vấn trong nghề làm trang sức, rồi nhanh chóng được làm việc cho các nhà thầu lớn. “Mùa Giáng sinh, có ngày tôi làm việc 20 - 22 giờ liên tục trong vài ngày. Sau mùa cao điểm, tôi nhận được 2.000 USD tiền mặt để gửi về quê nhà”, Trung kể với giọng bồi hồi.
Chỉ sau 3 năm đến Mỹ, từ tay trắng, Johnny Đỗ trở thành ông chủ của một công ty kim hoàn |
Từ băng ghế trong nhà để xe đến công ty kim hoàn nổi tiếng
Sau 2 năm, Trung bắt đầu khởi sự kinh doanh riêng. Những ngày đầu còn khó khăn, Công ty JD & Co của anh có “trụ sở” là một băng ghế trong nhà để xe của một căn hộ ở TP.Lakewood (bang Washington).
Từng bước, JD & Co ngày càng phát triển, chuyển đến vị trí mới để xây dựng nhà máy của riêng mình. Hiện tại, công ty của Trung đã có khoảng 100 nhân viên cùng nhiều đối tác lớn ở khắp nước Mỹ và nhiều nước khác. Trong đó có các tên tuổi như: thương hiệu trang sức Fred Meyer (có cửa hàng ở Oregon, Washington, Idaho, Alaska), nhà cung cấp kim cương Brilliant Earth, Blue Nile…
Liên tiếp 4 năm qua, công ty của Trung được trao giải thưởng “Best of Tacoma” ở hạng mục trang sức. Câu chuyện về những ngày đầu đến Mỹ năm nào của anh giờ được kể lại bằng sự bùi ngùi xen lẫn tự hào. Chỉ có ý chí và nghị lực rất mạnh mẽ mới giúp người đàn ông ngoài 40 tuổi này ròng rã tự dệt nên giấc mơ nơi xứ người. Anh lần lượt đón mẹ và các anh chị em của mình sang Mỹ, cùng nhau làm việc chăm chỉ để tất cả đều thành đạt.
Mùa hè vừa qua, sau 25 năm xa xứ, các anh em của Trung mới được lần đầu họp mặt đầy đủ ở Pleiku (Gia Lai). Đó cũng là lúc anh thực hiện lời hứa “con sẽ thành công trở về và làm cho mẹ tự hào”.
Bình luận (0)