Chuyện người em vợ của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo

08/11/2022 14:00 GMT+7

Nhà tình báo nổi tiếng Phạm Ngọc Thảo đã được đông đảo công chúng biết đến với tư cách là nguyên mẫu của nhân vật huyền thoại Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa.

Tuy nhiên, những người thân của nhà tình báo anh hùng thì vẫn còn những bí ẩn thú vị mà nhiều người chưa biết đến, trong số đó có một người là em vợ của nhà tình báo hiện đang sống lặng lẽ một mình ở một miền quê xứ Nghệ.

Ông Phạm Chư (bìa phải) chụp ảnh cùng với hai người chị ruột và hai người cháu (thứ 2 từ trái sang là bà Phạm Thị Nhiệm, vợ của anh hùng Phạm Ngọc Thảo)

TGCC

Người đàn ông có hoàn cảnh đặc biệt

Tên ông là Phạm Chư, sinh năm 1936. Cha của ông là cụ Phạm Thâm, đậu Cử nhân năm 1909, từng là Huấn đạo ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ Phạm Thân có nhiều người con và ông Phạm Chư là người con thứ mười một. Trong số nhiều người anh, người chị tài giỏi của ông thì nổi tiếng hơn cả là người anh Phạm Thiều và người chị Phạm Thị Nhiệm (vợ của anh hùng Phạm Ngọc Thảo).

Ông Phạm Thiều (1904 - 1986) là một giáo sư, nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà ngoại giao và chính trị Việt Nam. Ông còn có bút danh Triệu Lực, Miễn Trai.

Hiện nay, người anh trai Phạm Thiều này của ông đã được đặt tên cho các con đường ở quận 7, TP.HCM và tại quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.

Còn người chị Phạm Thị Nhiệm của ông cũng là một nữ trí thức tiêu biểu tham gia kháng chiến ở Nam bộ. Kết hôn với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo năm 1949. Cuộc đời bà Nhiệm rời xa quê hương, xa cha mẹ và xa anh em ruột từ khi trưởng thành cho đến những năm sau giải phóng mới có dịp về thăm quê, thăm người thân.

Ông Phạm Chư lớn lên khi cha đã mất và gia cảnh sa sút nên không được học cao như các anh chị. Tuy nhiên, ông vẫn là một người ham học hỏi và đã từng đỗ đầu vào trường Nguyễn Xuân Ôn (một trong hai trường trung học đầu tiên của xứ Nghệ). Sau năm 1954, ông vào hợp tác xã và làm một nông dân thực thụ cho đến khi không còn lao động đồng áng được nữa.

Khi các anh chị và em út đi xa, ông ở nhà vừa lao động sản xuất vừa phụng dưỡng mẹ già cho đến khi mẹ mất năm 1983. Mặc dù lao động cật lực nhưng ngôi nhà mẹ con ông ở vẫn là một ngôi nhà tranh vách đất nằm khuất bóng trong làng Tràng Thân của xã Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An).

Năm 1982, chị ruột của ông là bà Phạm Thị Nhiệm về nước và được đích thân Tổng bí thư Lê Duẩn tiếp đón. Được nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng quan tâm hỏi han về gia đình, thân nhân và được bày tỏ nguyện vọng. Chị ông đã nói với Tổng bí thư Lê Duẩn: “Để em về xem mẹ và em trai sống như thế nào thì mới đề xuất nguyện vọng với Đảng và Nhà nước”.

Về thăm quê, bà Phạm Thị Nhiệm thấy mẹ và em trai đang sống trong một căn nhà tồi tàn quá bà đã tỏ ý với Tổng bí thư Lê Duẩn là muốn được xây cho mẹ và em một căn nhà. Sau đó, tỉnh ủy Nghệ An đã nhận được chỉ thị là xây cho mẹ vợ người anh anh hùng Phạm Ngọc Thảo một căn nhà và đó là căn nhà mà hiện nay ông đang ở.

Không vợ, không con. Từ ngày mẹ mất đến nay, ông Phạm Chư đã sống một mình gần trọn 40 năm. Anh chị em và các cháu chỉ thỉnh thoảng mới về thăm. Nguồn sống của ông phần lớn phụ thuộc vào khả năng lao động của mình.

Mặc dù phải chật vật kiếm sống nhưng ông vẫn ham học hỏi và tích cực viết bài cộng tác cho một số tờ báo. Hai trong số nhiều bài báo mà ông còn nhớ là bài viết góp ý về nghệ thuật viết truyện cực ngắn đăng tạp chí Thế Giới Mới được nhà văn Nguyễn Quang Sáng đánh giá cao và bài viết tìm hiểu về nhà khoa học Albert Einstein nhân một trăm năm thuyết tương đối ra đời.

Chính người chị ruột của ông, bà Phạm Thị Nhiệm đã từng nói với người em của mình trong một lần về thăm quê: “Do không có điều kiện để học hành lên cao, nếu có điều kiện thì em cũng đã là giáo sư tiến sĩ hoặc chí ít cũng là tiến sĩ”.

Ngôi nhà do Đảng và nhà nước xây tặng mẹ vợ của anh hùng Phạm Ngọc Thảo năm 1982 (ở xóm Tràng Thân, xã Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An).

TGCC

"Keo kiệt” với chính mình, hào phóng với cộng đồng

Nguồn thu nhập chính hiện nay của ông Phạm Chư là từ số tiền ít ỏi dành cho người cao tuổi của nhà nước hàng tháng nhưng ông vẫn không thấy thiếu. Đơn giản là vì ông không có nhu cầu gì nhiều. Thuốc thang thì đã có bảo hiểm y tế mà ông thì lại ít ốm đau bệnh tật. Hằng ngày, ông chỉ ăn vài bữa từ một trong các “món”: mì tôm, cháo, rau và không mấy ông khi ăn thịt cá. Ngày tết, người ta thường mâm cao cỗ đầy còn ông thì lại mua toàn rau và chỉ một ít cá thịt làm một mâm cúng gia tiên. Vì vậy, số tiền mà các anh chị em và các cháu cho ông mỗi dịp về thăm, ông đều dùng để làm việc nghĩa cho cộng đồng. Hai việc làm tiêu biểu của ông trong thời gian gần đây được nhiều người biết đến là công trình vườn hoa của xóm Tràng Thân trị giá 37 triệu đồng và số tiền ông góp vào quỹ khuyến học của xóm trị giá 20 triệu đồng.

Số tiền xây dựng vườn hoa của xóm là đến từ chính số tiền mà chị ruột của ông, bà Phạm Thị Nhiệm cho ông trước đó. Đó là lần về thăm quê năm 1995, bà Phạm Thị Nhiệm cho em trai 20 triệu đồng. Ông Chư nhận số tiền rồi đem gửi ngân hàng. Khi đó, ông còn khỏe nên mọi chi tiêu từ lao động của ông cũng thoải mái cho ông sống một mình.

Vườn hoa do ông xây tặng cộng đồng xóm Tràng Thân (xã Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An)

TGCC

Năm 2015, nhận thấy khu đất trước nhà văn hóa xóm Tràng Thân là một bãi đất hoang có nhiều cây cỏ dại. Ông bèn đề xuất với ban chỉ huy xóm là xây một vườn hoa làm nơi sinh hoạt, giải trí cho bà con lối xóm. Khi xây xong và nghiệm thu hết 37 triệu đồng, ông đã rút hết tiền tiết kiệm gửi ngân hàng được gần 40 triệu để thanh toán cho công trình.

Tháng hai năm sau (năm 2016), cô Phạm Thị Mỹ Quý là con ruột của anh hùng Phạm Ngọc Thảo và bà Phạm thị Nhiệm về thăm quê có ghé thăm người cậu ruột của mình. Được người cháu này cho 20 triệu đồng, ông Phạm Chư đã trích mỗi năm 3 - 4 triệu đồng trong vòng 6 năm (2016 - 2022) vào quỹ khuyến học của xóm.

Dự định của ông Phạm Chư là nếu còn sống thêm được 3 năm nữa và nếu có đủ 10 triệu đồng, ông sẽ đóng góp hai năm đầu mỗi năm 3 triệu và năm thứ ba 4 triệu đồng vào quỹ khuyến học của xóm Tràng Thân quê hương ông.

''Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc''.

Câu nói của nhà nhà văn Nga I-li-a Ê ren-bua mà ông tâm đắc cũng là phương châm sống của đời ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.