Chuyện nhỏ mà... khó

15/11/2015 15:06 GMT+7

Người ta nói chuyện “nàng dâu mẹ chồng”, người ta cũng nói “cảnh làm dâu” để ngầm ý rằng mẹ chồng bao giờ cũng khó, còn nàng dâu thì bao giờ cũng “khổ”.

Người ta nói chuyện “nàng dâu mẹ chồng”, người ta cũng nói “cảnh làm dâu” để ngầm ý rằng mẹ chồng bao giờ cũng khó, còn nàng dâu thì bao giờ cũng “khổ”. 

Thực ra, trong sinh hoạt hằng ngày, có những chuyện rất nhỏ mà nguy cơ lại tạo nên mâu thuẫn lớn nếu không được điều chỉnh... 
Chuyện nhỏ mà... khóMinh họa: Văn Nguyễn
 Có cậu con trai duy nhất mà mãi 35 tuổi mới lấy vợ, nên bà Chiêm quý con dâu lắm. Bà nghĩ ngay từ đầu, rằng trước đây mình cũng đã chịu cảnh làm dâu, thì nay sẽ cố gắng không làm khó dễ con dâu. Thời buổi hiện đại, bà càng không muốn mình là người cổ hủ. Chuyện lớn đã không có gì phiền lòng, thì chuyện nhỏ chẳng nên chấp nhặt. Ngọc - con dâu bà Chiêm hay ríu ran trò chuyện với mẹ rằng cô rất thích ở cùng ba mẹ chồng, cô thích được mẹ chồng coi như con gái. Bà Chiêm dành riêng cho vợ chồng con trai một tầng ba trong nhà để làm phòng ngủ, làm việc và tập thể dục, hai ông bà ở tầng hai. Chuyện ăn uống trong nhà, bà vẫn nấu nướng, con trai con dâu thích ăn khi nào thì tùy, không nhất thiết ngồi cùng ba mẹ. Bà cảm thông cảnh các con đi làm giờ giấc không cố định, xe cộ kẹt đường kẹt sá khó mà đảm bảo những quy tắc mà khi ở chung người ta hay đặt ra…
Quan điểm là vậy, thế nhưng trong khi Ngọc vui vẻ vô tư cho rằng mình sướng khi có mẹ chồng thoải mái, không bắt ne bắt nẹt như bà Chiêm thì bà lại thấy những khó chịu phát sinh. Như chuyện Ngọc về nhà, không cần biết ba mẹ đã ăn chưa, thấy món ngon trên bàn là cô sà vào nhón nhón bốc bốc, có khi hồn nhiên tự lấy phần ăn cho mình, ăn ngon lành trước cả nhà, không quên tấm tắc khen mẹ nấu ngon tuyệt vời. Hay chuyện phòng ở của cô lúc nào cũng bề bộn, thỉnh thoảng bà Chiêm lên đó thấy nào là đồ ăn thức uống, ly tách pha cà phê, sữa... cáu khô quên rửa, vỏ hộp, vỏ trái cây vứt lung tung, quần áo chăn mền thì mỗi chỗ một đống. Bà nhận thấy trừ khi con trai bà dọn, còn Ngọc chẳng bao giờ nhúng tay. Một lần, khi con trai bà kêu ca cằn nhằn vợ, bà nghe Ngọc vô tư: “Chăn mền thì đằng nào tối mình ngủ chẳng dãi ra, gấp lại làm gì”, rồi “Một tuần dọn một lần là đủ rồi, đâu có chuột gián gì đâu mà anh sợ bẩn. Với lại bố mẹ cũng có lên đây đâu...”.
Ở với các con, ông bà luôn có ý thức giúp đỡ thêm cho con vì biết con đi làm bận rộn. Buổi sáng, ông thường nhận nhiệm vụ giặt đồ. Thế nhưng có lần bà ái ngại khi cùng ông soạn đồ cho vào máy giặt. Đồ lót, đồ riêng tư của con dâu cũng vứt lẫn vào đấy “nguyên vẹn”. Góp ý khéo một đôi lần thì cô nhớ một đôi lần, rồi lại quên vì “con bận quá, bao nhiêu việc phải nhớ, chuyện cỏn con đó dễ bị... quên”.
Có một chuyện mà bà Chiêm nghĩ cần phải nhắc con dâu, nhưng bà đắn đo mãi chưa nói. Đấy là việc Ngọc thường hay “khỏa thân”, mặc mỗi đồ lót đi đi lại lại trên tầng lầu của vợ chồng cô. Bà không phân tích sở thích đó của con dâu, nhưng thật khó xử khi hai ông bà ở cùng nhà thỉnh thoảng lại phải nhìn thấy cảnh đó. Có lần ông định lên lầu bốn phơi đồ, nhưng lại lật đật đi xuống vì gặp… con dâu. Rồi có lần bà cần lên trên lầu, đi qua phòng con cũng... hết hồn thoái lui. Bà nói nhỏ với con trai để anh nhắc vợ, thì nghe Ngọc nói với chồng: “Anh nói với bố mẹ, khi em ở nhà thì... đừng lên lầu là được mà”. Bà chỉ biết thở dài. Ở nhà mình mà phải canh chừng như thế vì sở thích “mát mẻ” của con dâu.
Những chuyện nhỏ, nói ra sợ thành người khó tính, mà không nói, càng sống chung nó lại càng tích tụ thành nỗi bực mình cho ông bà. Có lẽ chính con trai bà nên là người “điều chỉnh” vợ, để tránh làm ba mẹ phiền lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.