Chuyện ông Trần Kiên: Dũng khí của người làm công tác kiểm tra Đảng

19/10/2018 11:31 GMT+7

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng, tôi muốn kể lại vài câu chuyện về ông Trần Kiên (1920 - 2004), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Trong đời mình, ông Trần Kiên đã giữ nhiều chức vụ, đã đảm đương nhiều trọng trách. Nhưng vì sao tôi chỉ muốn gọi ông là một người du kích, một lão du kích ? Đúng rằng ông đã từng là du kích Ba Tơ, cũng đúng rằng ông đã lăn lộn qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ ở những địa bàn ác liệt, những nơi mà ông thường xuyên phải sống và chiến đấu theo kiểu du kích, như những người du kích. Nhưng gọi ông là “lão du kích” vì ông luôn hiện trước chúng tôi, hiện trong tâm tưởng tôi như một người du kích, ngay khi cuộc chiến tranh đã qua rất lâu rồi.
Khi đã vào tuổi tám mươi, ông Trần Kiên rủ mấy anh em chúng tôi đi về vùng chiến khu xưa, nơi ông từng chiến đấu trong đội quân du kích Ba Tơ. Phải thấy khi ông đứng giữa vùng rừng ngày xưa là nơi luyện quân, phải nhìn thấy ông tay cầm con rựa đi phăm phăm chặt cây rẽ lối, mới cảm nhận được hết con người du kích trong ông. Đã có quá nhiều giai thoại về ông Trần Kiên, nhưng là người từng qua Trường Sơn ngày đánh Mỹ, tôi cứ nhớ mãi chuyện những người lính kể cho nhau về một cái lệnh đặc biệt của ông Kiên, yêu cầu những người đi qua các binh trạm mỗi khi đào sắn (củ mì ) để ăn, thì sau đó phải chặt những thân cây mì trồng lại, để những người qua sau có lương thực những khi đói lòng. Tôi nghĩ, nếu một người không có tâm hồn và cách tính toán của một người du kích từng quá quen những gian khổ, sẽ không bao giờ nghĩ ra được một cái lệnh như vậy.
Suốt đời ông Trần Kiên chỉ gói tròn một tâm niệm: làm sao để những người lính bình thường có thể sống và chiến đấu tốt nhất trong điều kiện có thể, làm sao để mỗi người dân bình thường có được những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần bình thường để họ có thể sống như những con người bình thường. Không có những tư duy theo kiểu “vĩ mô “ nhưng vô bổ, suốt đời ông Trần Kiên luôn suy nghĩ những điều cụ thể, luôn làm những việc cụ thể nhưng có ích cho dân. Tấm lòng đối với nhân dân của ông là một hằng số, cũng như tư tưởng nhân dân là một hằng số trong ông, trong khi những điều khác có thể chỉ là những biến số.
Có lần, trong lúc vui chuyện, ông Kiên kể tôi nghe, thời ông làm bí thư tỉnh Đắk Lắk, ông đã huy động nhiều đoàn xe tải về TP.HCM để chở… rác thải, mang về Đắk Lắk bón cho cà phê ở những nông trường cà phê, bắt đầu từ đó gây dựng nên vùng chuyên canh cà phê Đắk Lắk nổi tiếng như sau này ta biết. Những việc làm theo kiểu “Ngu Công dời núi" ấy đã khiến ông Kiên “được” nhiều giai thoại, mà cũng làm cho ông phải “chịu" nhiều giai thoại. Những lần gặp ông, mỗi khi chúng tôi nhắc lại những giai thoại về ông, lão du kích Trần Kiên chỉ mỉm cười hiền lành. Ông không coi đó là cái gì quá đáng để phải quan tâm. Ông không phải người sống vì những giai thoại. Cả đời ông, ông chỉ sống để làm được bất cứ cái gì có lợi cho dân, để những người dân nghèo đỡ khổ. Từ những thí nghiệm “ba tầng sinh thái” đến những mơ ước làm sao truyền kỹ thuật canh tác và chăn nuôi một cách khoa học và có hiệu quả cho bà con các dân tộc thiểu số, những người đã chịu vô vàn hy sinh để nuôi cách mạng từ những ngày gian khổ, ông Kiên đều cài trong mỗi việc dù nhỏ của mình một tình yêu lớn, tình yêu nhân dân, yêu những người dân nghèo khổ. Trước ngày qua đời không lâu, ông Kiên đã nhiều lần đi Tây nguyên, nhiều lần về tận những buôn làng để gặp gỡ đồng bào các dân tộc. Phải thấy cảnh ông Trần Kiên ngồi giữa những người dân nghèo, mới hiểu vì sao ông được những người dân bình thường coi ông là người của họ.
Còn đây là câu chuyện ông Trần Kiên kể cho tôi nghe, khi tôi được đạo diễn phim tài liệu Đoàn Huy Giao mời viết kịch bản cho một bộ phim về ông. Chuyện này ít người biết, vì ông Kiên chỉ tâm sự, không muốn nói rộng ra. Bây giờ ông đã mất, tôi nghĩ có thể nói ra được. Khi ngồi chuyện trò với ông Kiên, trong nhiều chuyện ông kể, có một chuyện lúc đầu khiến tôi ngạc nhiên.
Ông Trần Kiên nói: “Anh có biết, khi làm ở Ủy ban Kiểm tra, tôi đã từng bị người ta theo dõi không?” Tôi ngạc nhiên: “Ai dám theo dõi ông ?” Ông Kiên cười: “Vậy mà có đấy. Trong một lần đi công tác qua phà sông Gianh ở Quảng Bình, tôi biết có người theo dõi mình.” Tôi lại ngạc nhiên: “Làm sao ông biết ?” Ông Trần Kiên chậm rãi: “Tôi đã từng hoạt động bí mật, nên tôi có thói quen khi đi đường, thỉnh thoảng quay nhìn lại phía sau mình xem có 'đuôi' nào bám không. Vậy nên biết.”
Tôi đã hiểu. Chuyện thật, và nghiêm trọng, chứ không phải chuyện đùa. Nhưng tính tôi lại hay đùa, nên tôi nói: “Thì ông chuyên theo dõi người ta, nên chuyện người ta theo dõi ông cũng là chuyện bình thường mà.”
Đúng như thế. Thời ông Trần Kiên làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Đảng, đã có nhiều vụ việc lớn đến tay ông. Vào thời điểm ông bị “theo dõi”, có một số vụ phá rừng khá lớn xảy ra ở bắc miền Trung. Nếu ông Trần Kiên “bị theo dõi” ở bến phà sông Gianh, phải chăng là nhằm vào vụ ấy ? Ông Kiên không nói rõ, nhưng tôi đoán vậy. Chính vì ông Trần Kiên đã kiên quyết không để ‘chìm xuồng” một vụ nào, nên chuyện theo dõi mới xảy ra. Những vụ điều tra không khoan nhượng của ông Trần Kiên và Ban kiểm tra Đảng hồi ấy đã khiến bao người biết ơn, bao người ủng hộ, nhưng chắc chắn, cũng làm không ít người khó chịu, thậm chí căm ghét. Ông Trần Kiên đã hành xử như một người hoạt động cách mạng trong sáng, và ông chấp nhận cả những hiểm nguy có thể xảy đến với mình.
Những người hoạt động cách mạng bí mật thời trước, họ buộc phải có những kỹ năng đối phó với sự theo dõi của kẻ địch. Điều đó cũng bình thường. Nhưng khi một người như ông Trần Kiên phải sử dụng kỹ năng đặc biệt ấy để đối phó khi đang là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, thì ta phải thấy sự khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nếu làm việc trong lĩnh vực này.
Câu chuyện ông Trần Kiên khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, nhân kỷ niệm 70 năm ngành Kiểm tra Đảng (16.10.1948-16.10.2018).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.