Việc hàng ngàn người thiểu số ở Myanmar chạy tị nạn sang phía Trung Quốc đã chính thức làm cho xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Myanmar không còn đơn thuần là chuyện riêng của nước này nữa mà trở thành cả chuyện lớn trong mối quan hệ giữa hai nước. Nó nhạy cảm trong nội bộ Myanmar như thế nào thì cũng tương tự vậy đối với quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc.
Xung đột dai dẳng ở Myanmar từ khi lập quốc đến nay. Chính phủ hiện tại ở Myanmar do đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi nắm quyền, cũng đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình để chấm dứt xung đột nhưng cũng chưa thành công. Xung đột vũ trang tiếp diễn cho thấy cả đảng NLD và bà Suu Kyi hiện cũng vẫn chưa có được giải pháp phù hợp.
Giải pháp chính trị hòa bình chỉ có thể là hòa hợp và hòa giải dân tộc. Các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở Myanmar cũng như phía chính phủ không thiếu thiện chí hòa bình và mong muốn chấm dứt xung đột. Nhưng hòa giải và hòa hợp vẫn chưa đạt được bởi việc dàn xếp lợi ích giữa các bên chưa ổn thỏa. Việc này khó ổn thỏa bởi không chỉ phía chính phủ muốn giành về phần nhiều mà các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số cũng không chịu nhượng bộ lợi ích với nhau.
Cuộc xung đột riêng thôi vốn đã quá phức tạp và nan giải đối với chính phủ Myanmar, liên quan đến quan hệ bên ngoài nữa thì lại càng thêm nan giải và phức tạp. Vì thế, việc giải quyết cuộc xung đột này giờ phụ thuộc vào chính phủ Myanmar và vào mối quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc. Đảng NLD và cá nhân bà Suu Kyi vì thế bị thách thức nhiều nhất trong chuyện này về khả năng và bản lĩnh lãnh đạo đất nước.
tin liên quan
Hàng ngàn người Myanmar chạy nạn sang Trung QuốcGiao tranh dữ dội ở Myanmar đã khiến hàng ngàn người nước này tháo chạy sang Trung Quốc, buộc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát biên giới.
Bình luận (0)