Tháng 4.2022, khi dư luận ồn ào môn lịch sử thành môn học lựa chọn ở cấp THPT, GS Phạm Hồng Tung bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng: khi hoàn thành cơ bản việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, nhân dân cũng như trình dự thảo xin ý kiến các ban, bộ ngành, trong đó có Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các sở GD-ĐT… Các đơn vị đã phản hồi bằng công văn chính thức, hiện còn lưu tại Bộ GD-ĐT đồng thuận về chương trình.
Học sinh lớp 10 tại TP.HCM trong giờ học môn sử chiều 17.5 |
NHẬT THỊNH |
Theo GS Tung, trong tất cả các ý kiến đóng góp, không có ý kiến nào phản đối việc đưa môn lịch sử thành môn học lựa chọn ở chương trình THPT. Cuối tháng 12.2018, Bộ GD-ĐT phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới. “Do đó, tôi rất ngạc nhiên khi thấy có một số giáo viên dạy lịch sử, có cả những người là phó giáo sư, tiến sĩ khi được hỏi ý kiến thì không đóng góp nhưng sau khi chương trình được phê duyệt đến nay 3 năm lại đấu tranh vì Bộ GD-ĐT bỏ môn lịch sử”, GS Tung nói.
Tuy nhiên, đến ngày 16.5, khi PV Thanh Niên đề nghị GS Phạm Hồng Tung đưa ra quan điểm của mình, với tư cách chủ biên chương trình môn lịch sử, trước ý kiến cho rằng sẽ đưa môn lịch sử trở thành môn học “lựa chọn bắt buộc” ở cấp THPT, GS Tung cho rằng, đến thời điểm này ông “chưa thể nói gì” vì còn đang họp, tiếp thu các ý kiến.
Trong khi đó, những ngày gần đây Bộ GD-ĐT liên tục có các cuộc họp về môn lịch sử.
Sáng 12.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và môn lịch sử bậc trung học phổ thông trong chương trình này. Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Hội đồng thẩm định chương trình môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết luận buổi làm việc, bộ trưởng nhấn mạnh: các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Được biết, những ngày gần đây, Bộ GD-ĐT liên tục có những cuộc họp xin ý kiến góp ý về việc tổ chức dạy học môn lịch sử ra sao ở cấp THPT. Đến thời điểm này, một đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Bộ vẫn trong quá trình tiếp thu ý kiến, chưa chốt phương án nào cụ thể để trình “các cấp có thẩm quyền” như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng phát biểu trước đó.
Ngày 22.5 tới, trong phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một trong những nội dung chính là báo cáo chuyên đề việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với riêng môn học lịch sử.
Bình luận (0)