Phải sửa lại chương trình nếu môn sử từ lựa chọn thành bắt buộc

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/05/2022 07:15 GMT+7

Chương trình môn lịch sử ở cấp THPT được xây dựng theo hướng phân hóa, chuyên sâu nên nếu chuyển thành môn học “bắt buộc”, đại trà sẽ không thể chỉ thay đổi từ ngữ mà phải xây dựng lại chương trình, sách giáo khoa.

Cùng với đề xuất đưa môn lịch sử trở thành môn học “lựa chọn bắt buộc” ở cấp THPT, việc Bộ GD-ĐT nói sẽ “cân nhắc” để trình cấp có thẩm quyền khiến dư luận băn khoăn nếu thay đổi dẫn tới việc phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 10 từ năm sau, dự kiến lịch sử là môn tự chọn trong nhóm môn khoa học xã hội

NHẬT THỊNH

Không thể “bê” chương trình chuyên sâu sang đại trà

Môn lịch sử (bao gồm cả Việt Nam và thế giới) đã hoàn chỉnh và có hệ thống, được dạy ở giai đoạn THCS. Nếu sắp tới, lịch sử trở thành môn “lựa chọn bắt buộc” ở cấp THPT, nghĩa là tổ hợp nào cũng có môn này thì nó sẽ trở thành môn học bắt buộc dưới một tên gọi “lắt léo” khác. Việc dạy học bắt buộc là đại trà nên không thể “bê nguyên” chương trình của môn học lựa chọn theo hướng phân hóa sâu sang dạy cho tất cả học sinh (HS) được.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được phê duyệt và đang được coi là “pháp lệnh” trong tổ chức dạy học, ở cấp THPT nêu rõ: “Môn lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới”.

Các chủ đề lịch sử ở cấp THPT sẽ chuyên sâu và khó hơn, không thể dạy đại trà. Nếu ép học sinh sẽ gây phản tác dụng và tạo ra hậu quả còn nặng nề hơn giai đoạn trước

PGS VŨ QUANG HIỂN Khoa Lịch sử, Trường Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng chỉ ra rằng khi học xong cấp THCS, HS đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi. Ở cấp THPT, chương trình môn lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những HS có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử, Trường Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, phát biểu: “Mỗi giai đoạn của chương trình mới có mục tiêu riêng, hướng đến các nhóm HS có tố chất, khả năng khác nhau. Các chủ đề lịch sử ở cấp THPT sẽ chuyên sâu và khó hơn, không thể dạy đại trà. Nếu ép HS sẽ gây phản tác dụng và tạo ra hậu quả còn nặng nề hơn giai đoạn trước”.

GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), đồng thời cũng đang tham gia biên soạn SGK môn lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng: cái gọi là “lựa chọn” thì phải hiểu rằng ở THPT, HS bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho mình. Lúc đó hướng vào đại học gồm những lĩnh vực thiên về xã hội nhân văn thì họ sẽ chọn khối liên quan đến xã hội nhân văn, trong đó có lịch sử. Bởi vì chương trình lịch sử ở THPT đã thiên về các chuyên đề, sâu hơn là thông sử. Nó không phải là những kiến thức cơ bản nữa mà bắt đầu kiến thức chuyên sâu. Cũng giống như những môn lý, hóa, lúc đó HS bắt đầu đi sâu vào lĩnh vực của khoa học tự nhiên.

Ảnh hưởng đến các phương án nhà trường đã xây dựng

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 2 năm, theo lộ trình còn khoảng 2 tháng nữa vào năm học mới là chính thức thực hiện với lớp 10. Đến giai đoạn hiện nay, các trường THPT đã hoàn tất việc xây dựng các tổ hợp môn, phương án tổ chức, tập huấn giáo viên và bắt đầu tuyển sinh lớp 10 với định hướng nghề nghiệp như mục tiêu của chương trình đã đưa ra.

Vì vậy, nếu thay đổi môn lịch sử từ tự chọn trở thành bắt buộc thì sẽ ảnh hưởng đến các phương án, các chiến lược nhà trường đã xây dựng, chuẩn bị. Việc điều chỉnh từ lựa chọn sang bắt buộc sẽ làm tăng số môn bắt buộc từ 7 thành 8 môn, tức cơ cấu số tiết trong chương trình sẽ thay đổi, cơ cấu và định hướng chương trình có thể bị phá vỡ, ảnh hưởng đến lộ trình chương trình đã thực hiện ở bậc tiểu học, THCS.

Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Bích Thanh (ghi)

“Chúng ta hiểu như thế để thấy rằng không phải dạy lịch sử một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 mới là coi trọng. Chúng ta đang thiết kế theo hướng có một giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu, giải quyết ở THCS, còn THPT là nâng cao, chuyên sâu thì lúc đó từ “lựa chọn” - phải tôn trọng nguyện vọng của người học”, GS Vũ Minh Giang nói.

Bà Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đồng thời cũng trực tiếp dạy học môn lịch sử, cũng nêu nhận xét: chương trình môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất khác trước đây, không bám theo thông sử mà thiết kế theo chủ đề, trong đó có những chủ đề trước đây bà được học ở bậc đại học chuyên về sư phạm lịch sử. “Cách xây dựng như thế này không phù hợp với chương trình đại trà”, bà Thành cho biết.

Phải sửa chương trình, sách giáo khoa từ lớp 6

Một chuyên gia giáo dục phổ thông cho rằng đặt vấn đề sửa chương trình môn lịch sử ở thời điểm này cũng không khả thi vì nếu môn lịch sử thành bắt buộc tới tận cấp THPT thì ít nhất phải sửa chương trình môn học này từ lớp 6 chứ không phải chỉ sửa từ lớp 10.

Nhầm lẫn giữa giáo dục lòng yêu nước với giảng dạy kiến thức sử

Chúng ta đang có sự nhầm lẫn suy nghĩ giữa giáo dục lịch sử dân tộc, giáo dục lòng yêu nước với giảng dạy kiến thức lịch sử trong nhà trường. Vì thế mới có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không học lịch sử ở bậc THPT, HS sẽ không hiểu về lịch sử dân tộc, thế giới và không có lòng yêu nước. Trong nhà trường, việc giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước, bảo vệ đất nước, không chỉ là nhiệm vụ của riêng môn lịch sử mà còn là nhiệm vụ chung trong nhà trường, của các hoạt động giáo dục.

Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Bích Thanh (ghi)

Khi ấy chương trình nội dung giáo dục lịch sử chỉ dừng ở mức cơ bản chứ không chuyên sâu như cách mà chương trình môn lịch sử ở cấp THPT đã ban hành. Hơn nữa, sửa chương trình sẽ bắt buộc việc phải sửa cả SGK. SGK lớp 6, 7, lớp 10 đã được phê duyệt, SGK lớp 8, 11 đang chờ thẩm định. Nếu sửa SGK thì hàng loạt SGK đã in ấn, phát hành sẽ phải thu hồi, người dân đã mua SGK sẽ chỉ dùng được 1 lần, phải bỏ đi.

Dạy học phân hóa ở cấp THPT là tất yếu

Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho HS tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó quy định: “Chương trình mới, SGK mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lý để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lý số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với HS. Ở cấp THPT, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho HS tự chọn”.

Coi chừng phá sản mục tiêu định hướng nghề nghiệp

Nếu bắt buộc phải thay đổi, các trường sẽ bỏ hết những phương án, kế hoạch đã chuẩn bị, nghiên cứu để thực hiện dựa trên điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trong thời gian qua. Và việc thay đổi, nếu có, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để không phá vỡ cấu trúc chương trình tổng thể, phá sản mục tiêu định hướng nghề nghiệp mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.

Lương Văn Định (Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM)

Bích Thanh (ghi)

Theo đó, Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), HS bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: vật lý, hóa học, sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: “Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng: “Một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số HS trong một trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo cá nhân HS”.

Theo GS Lê Anh Vinh, việc môn lịch sử không còn là môn học bắt buộc khi lên tới cấp THPT thực ra là điểm ưu việt trong phân bổ và thiết kế chương trình mới. Nếu lịch sử nói riêng và các môn tự chọn khác nói chung vẫn giữ nguyên là môn bắt buộc với thời lượng ít hơn như ở chương trình hiện hành, sẽ có một bộ phận HS có năng lực, thiên hướng và nhu cầu theo đuổi định hướng nghề nghiệp về một số lĩnh vực liên quan không có cơ hội được tiếp cận với mảng kiến thức phân hóa này. Với góc nhìn này, sẽ rất nhiều giáo viên mong muốn môn học của mình là môn tự chọn vì đó là một bước đi tiến bộ mang lại nhiều cơ hội cho cả HS và giáo viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.