Chuyện tình kỳ diệu…

Đình Tuyển
Đình Tuyển
28/10/2018 08:11 GMT+7

Một chàng trai bại liệt và một cô gái bại não gặp nhau, yêu thương, chia sẻ, cùng khóc, cùng cười như hai mảnh ghép không thể tách rời.

Để rồi cuộc đời cũng cho họ một thứ trọn vẹn, đó là đứa con gái xinh đẹp, lành lặn như bao người.
Chuyện tình của Nguyễn Văn Trước (28 tuổi) và Huỳnh Thị Kiều Thanh (23 tuổi) ở ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung, Đồng Tháp khiến bao người xúc động và cũng đầy ngưỡng mộ. Cuộc đời của Trước và Thanh là chuỗi ngày khốn khó nhưng sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương chân thành đã khỏa lấp mọi khiếm khuyết, bất hạnh.
Hai mảnh khuyết thành tròn
Anh Trước có khuôn mặt sáng, mũi thẳng, mái tóc bồng bềnh lãng tử. Có lẽ nếu cơ thể lành lặn, Trước đã là “soái ca” của nhiều thôn nữ vùng đất Vĩnh Thới, Lai Vung. Bà Bùi Thị Phê (59 tuổi, mẹ anh Trước) kể 23 năm trước, tai họa bỗng ập xuống gia đình bà. Lên 5 tuổi, Trước bị sốt bại liệt và di chứng của đợt sốt khiến chân tay cậu bé teo dần.
“Nhìn con bò lết dưới đất, vợ chồng tôi đau đớn chỉ biết khóc. Đưa con đi khắp nơi trị bệnh, nhưng càng đi càng buồn”, bà Phê kể. Trước lớn lên mà không thể đi đứng như bạn cùng trang lứa, không thể đeo đuổi giấc mơ tới trường. “Cũng may bản tính nó giống cha cần cù, chịu thương chịu khó, bị vậy nhưng luôn muốn tự lập. Một lần đi Đà Lạt về, nó xin cho đi theo những người bán cước, bàn chải đánh răng, tăm xỉa răng rồi vào nghề luôn từ đó”, bà Phê nói thêm.
Ngồi ngặt nghẹo khó khăn trên chiếc xe lăn, cuộc đời của chị Huỳnh Thị Kiều Thanh còn khổ cực hơn. Cô gái có gương mặt sáng tươi, luôn nở nụ cười nhưng sâu trong đáy mắt là nỗi buồn vô tận. Cuộc đời chị là chuỗi ngày chồng chất bất hạnh. Chị bị chứng bệnh bại não từ bé, lại bị tim bẩm sinh, hen suyễn, đôi chân không cử động được, tay cũng yếu ớt, ngồi xe lăn còn rất vất vả. Mọi sinh hoạt của chị gần như phải nhờ người khác giúp đỡ.

Phía trước không biết sẽ thế nào, nhưng thay vì buồn mình cứ cúi mặt nhìn xuống để thấy nhiều người còn khổ hơn. Họ đủ đầy nhưng đâu có hạnh phúc như mình

Huỳnh Thị Kiều Thanh

Không được như anh Trước, chị Thanh lớn lên không biết mẹ mình là ai, chỉ nghe kể rằng mẹ bỏ nhà đi từ lúc chị mới 5 tháng tuổi. Lên 10 tuổi, “bão tố” lại quét qua gia đình chị khi bạo bệnh đã cướp mất người cha. Cô bé bại não mồ côi, khốn khổ phải sống lay lắt trong chùa, rồi phiêu dạt vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh An Giang.
Duyên phận đẩy đưa, chính tại trung tâm này, qua người bạn giới thiệu, chị Thanh và anh Trước gặp nhau rồi đem lòng yêu thương. Hai con người không lành lặn, đồng cảm, sẻ chia, cùng khóc, cùng cười như hai mảnh khuyết ghép lại thành tròn.
Nhìn xuống vẫn thấy đời hạnh phúc
Chị Thanh kể, năm 2014, ra khỏi trung tâm bảo trợ, chị theo anh Trước lên TP.HCM kiếm sống. Cả hai rong ruổi khắp nơi bán hàng rong, kẹo kéo, kẹo xốp. “Hai đứa nghĩ đơn giản lắm, cứ yêu nhau thì theo nhau đi khắp nơi thôi. Hộp cơm chia đôi, đêm ngủ công viên vậy mà không buồn. Cho đến lúc mang bầu rồi mới thấy lo, cuộc sống phía trước không biết thế nào”, chị Thanh nói.
Mang thai được 4 tháng, chị Thanh được anh Trước dẫn về Lai Vung ra mắt gia đình. “Tôi và ổng rụng rời khi thấy con nhỏ. Tôi rầy thằng Trước, phải chi mày kiếm nhỏ nào dị tật ngất ngưởng nhưng đi tới lui, giặt quần áo được. Đằng này, nó nằm một chỗ thì lo làm sao”, bà Phê kể. Nhưng rồi giận hóa thành thương khi cha mẹ anh biết hoàn cảnh của chị.
Điều kỳ diệu đã đến khi kết quả siêu âm thai nhi trong bụng chị Thanh hoàn toàn lành lặn. Nhưng rồi thai nhi càng lớn, sức khỏe chị càng yếu, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. “Bác sĩ nói việc sinh con có thể nguy hiểm đến tính mạng, kêu tôi bỏ thai đi nhưng thà chết tôi cũng phải sinh con ra”, chị Thanh nói. Những tháng cuối thai kỳ của chị Thanh là chuỗi ngày sống trong lo âu, vất vả của gia đình anh Trước.
Hôm chị Thanh chuyển dạ sinh, bác sĩ mời anh Trước vào phòng và giải thích về cuộc vượt cạn “một mất, một còn”. Anh Trước bảo chưa bao giờ anh cảm thấy sợ như thời khắc đó. Sau nhiều giờ căng thẳng, hạnh phúc trọn vẹn cũng đã đến. Một bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh ra đời. Anh Trước tủm tỉm cười, lết đi dọc bên hành lang bệnh viện, đến phòng sơ sinh nhìn con gái. Tiếng khóc của con hòa cùng tiếng nấc nghẹn hạnh phúc của đôi vợ chồng tật nguyền.
Bé gái được đặt tên Ánh Tuyết, có nước da trắng tươi giống mẹ. Giờ bé đã hơn 3 tuổi, xinh xắn, lanh lẹ, chạy nhảy khắp xóm. “Lúc trước tôi ước có thể gặp mẹ một lần để hỏi, vì sao mẹ bỏ con đi. Cũng nhờ sinh con rồi, tôi cảm thấy nhẹ lòng, không còn cảm thấy giận mẹ nữa”, chị Thanh nói.
Còn anh Trước, từ khi có con lại càng cần cù chịu khó, rảo khắp các quán nhậu, hát mua vui và bán từng cây kẹo kiếm tiền nuôi gia đình. Ở Lai Vung, hằng ngày anh đều rời nhà từ 4 giờ chiều, vượt 50 km xuống TP.Vĩnh Long bán kẹo kéo tới 11 - 12 giờ đêm mới về nhà. Những ngày mưu sinh xa xứ, gửi con cho cha mẹ, hai vợ chồng anh rong ruổi khắp nơi. Sau mỗi buổi đi bán kẹo, anh lại về chăm sóc vợ, đút cho vợ từng muỗng cơm. Vài tháng ở Cà Mau lại về Sa Đéc, qua Vĩnh Long, lên Sài Gòn... Nhớ con thì về Lai Vung.
Chị Thanh kể, có những đêm mưa gió trở trời, lạnh lẽo, những đêm xe hỏng hóc giữa đường, anh Trước nằm chờ tới sáng mới có người giúp, chị Thanh ở phòng trọ co quắp chờ chồng. Thấm thía nhọc nhằn, khốn khổ, nhưng cả hai vẫn không chút bi quan. “Phía trước không biết sẽ thế nào, nhưng thay vì buồn mình cứ cúi mặt nhìn xuống để thấy nhiều người còn khổ hơn. Họ đủ đầy nhưng đâu có hạnh phúc như mình”, chị Thanh tâm sự.
Nhìn con gái cười khúc khích, vui đùa vờn quanh chiếc xe lăn của mẹ, anh Trước nói: “Với tôi vậy là hạnh phúc rồi, chẳng mong gì hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.