Chuyện tử tế: Bánh mì 2.000, cơm 5.000 cho người nghèo phố núi

12/05/2021 10:12 GMT+7

Hơn 5 năm qua, nhiều cán bộ P.Thống Nhất (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thức dậy từ tờ mờ sáng để làm bánh mì bán với giá “siêu rẻ”, nhằm san sẻ khó khăn với những lao động nghèo trên địa bàn.

Tủ bánh mì 2.000

Cứ 3 giờ sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần, khi mọi gia đình đang trong giấc ngủ say thì nhiều cán bộ phường và các tổ dân phố thuộc P.Thống Nhất đã có mặt tại trụ sở phường trên đường Phan Bội Châu để chuẩn bị bánh mì “bán” cho người lao động nghèo.
Gọi là bán nhưng thực chất là cho, vì mỗi ổ bánh mì đầy đủ rau, thịt, chả, trứng chiên… chỉ có giá 2.000 đồng, trong khi ổ bánh tương tự giá thị trường từ 10.000 đồng trở lên. “Đây là giá tiền mang ý nghĩa tượng trưng để người lao động nghèo cảm thấy thoải mái, không phải ngại, mặc cảm khi đến mua”, bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND P.Thống Nhất, nói.
Theo bà Ngọc, việc làm tủ bánh mì 2.000 đã được cán bộ phường, các bí thư, tổ trưởng dân phố… thực hiện từ năm 2016 đến nay, mỗi lần bán ít nhất 300 ổ bánh mì, như một hành động chia sẻ một phần khó khăn với người lao động nghèo. Lúc đầu, các cán bộ phường cùng góp tiền mua nguyên liệu, sau đó một số người hảo tâm tham gia ủng hộ để duy trì hoạt động tủ bánh mì. Bà Ngọc cho biết việc triển khai bán bánh mì từ sáng sớm nhằm không làm ảnh hưởng đến công việc của cán bộ, viên chức trong giờ hành chính. Hơn thế, thời gian đó có nhiều lao động nghèo như người bán vé số, xe ôm, lao công… đã đi làm, cần ăn sáng.

Vui vì làm việc thiện

Bà Phạm Thị Hoàng Trang, Chủ tịch HĐND P.Thống Nhất, nói thêm: “Hôm nào chuẩn bị bán bánh mì thì anh em cán bộ phường nhắn nhau tranh thủ ngủ sớm hơn để không ảnh hưởng tới sức khỏe. Chồng con tôi cũng ủng hộ tôi tham gia tủ bánh mì 2.000 này. Anh em cũng vậy, nếu gia đình không ủng hộ mà đi lúc 3 giờ sáng khó lắm. Chúng tôi cũng thấy vui, ý nghĩa khi đã góp phần nhỏ sức mình làm cho xã hội tốt lên”.
Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố 7, P.Thống Nhất, cho biết với tinh thần ai rảnh thì đến làm, giúp bà con chứ không gượng gạo, ép buộc nên không khí ở tủ bánh mì 2.000 lúc nào cũng vui vẻ; khi ít thì 6 - 7 người, nhiều thì 10 người cùng chung tay làm bánh. Cũng theo ông Minh, lúc đầu triển khai tủ bánh mì khá khó khăn, cán bộ phường phải mang nồi, chảo theo để làm. Sau này, một số nhà hảo tâm biết đến, hỗ trợ nên đỡ vất vả hơn.
Ngoài tủ bánh mì 2.000, UBND P.Thống Nhất còn thực hiện chương trình đĩa cơm 5.000 (mỗi đĩa cơm chỉ có giá bán 5.000 đồng) vào trưa thứ bảy hằng tuần. Đĩa cơm 5.000 được triển khai gần 6 năm qua với 250 suất cơm/tuần tại địa chỉ 96 Quang Trung, TP.Buôn Ma Thuột. Bà Trịnh Như Ngọc cho rằng đĩa cơm này cũng là một hình thức bán tượng trưng với giá “siêu rẻ” để hỗ trợ người lao động nghèo. Ngoài những người đến tận nơi để ăn, cán bộ phường còn dành 60 suất cơm/tuần để trao tận nhà cho một số người mù, tàn tật, không thể đi lại trên địa bàn. 
Nhiều người dân hết sức cảm kích khi nhận món quà thiện nguyện (bánh mì 2.000, đĩa cơm 5.000) từ những cán bộ, nhân viên P.Thống Nhất. Bà Nguyễn Thị Thành (71 tuổi, trú P.Thống Nhất) nói: “Con tôi ở trong trung tâm bảo trợ xã hội, tôi neo đơn, ở nhờ nhà đứa em gái. Cán bộ phường nói chỉ san sẻ với chúng tôi, không giúp được gì nhưng tôi thấy giúp được nhiều lắm. Đâu phải chỉ đĩa cơm, ổ bánh mì, đó còn là sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương với những hoàn cảnh như chúng tôi”. Còn bà Nguyễn Thị Liêm (65 tuổi) bộc bạch: “Tôi ở nhà thuê, bán vé số; hoàn cảnh khó khăn nên cứ sáng thứ ba và thứ năm là ghé ăn bánh mì 2.000 đồng tại phường. Bánh mì ngon, mỗi lần tôi chỉ mua 1 ổ để nhường phần cho những người khác. Tôi thấy tủ bánh mì này rất có ý nghĩa, chia sẻ phần nào khó khăn với người nghèo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.