Chuyện tử tế: Dạy sử miễn phí bằng âm nhạc

04/05/2020 07:47 GMT+7

20 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đã được ông Văn Đình Thanh (71 tuổi, cựu chiến binh xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) truyền đạt kiến thức về lịch sử dân tộc thông qua âm nhạc.

Đến với lớp học đặc biệt này, điều làm cho học sinh cảm thấy thích thú là vừa được học vừa được hát. Mỗi buổi học, khi tiếng đàn mandolin của thầy giáo - cựu chiến binh Văn Đình Thanh vang lên thì hàng chục học sinh miệt vườn đồng thanh hát. Không khí lớp học luôn rộn rã, vui tươi.
Ông Thanh cho biết: “Sau khi xuất ngũ, tôi làm nhân viên cho một công ty, năm 1993 thì về hưu, và đến năm 2000 tôi cùng một số cựu chiến binh, cán bộ về hưu mở câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Nhận thấy nhiều cháu nhỏ ở quê chưa hiểu rõ về lịch sử dân tộc nên tôi quyết định mở lớp học tại nhà. Mong muốn của tôi là góp phần cùng ngành giáo dục giúp các em có đầy đủ kiến thức về quá trình dựng nước, giữ nước của cha ông, qua đó củng cố lòng yêu nước và tự hào dân tộc”.
Tận dụng khu đất trống bên hiên nhà, ông Thanh bỏ tiền túi mua bảng, in bài hát và đi vận động trẻ em trong xóm đến sinh hoạt, học tập. Ông còn dành số tiền lương hưu ít ỏi làm một phòng đọc sách nhỏ trong nhà với nhiều đầu sách thiếu nhi, lịch sử, văn hóa… để các em đến đọc, nâng cao hiểu biết.
Để học sinh không nhàm chán và dễ tiếp thu kiến thức, ông Thanh chịu khó dành thời gian nghiên cứu để phổ nhạc cho những câu chữ chứa đựng nội dung về các giai đoạn lịch sử, từ đó thu hút ngày càng nhiều trẻ đến học. Lớp học diễn ra chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Số lượng học sinh trong lớp thường dao động từ 20 - 30 em, có em chỉ 4 - 5 tuổi, lớn nhất trên 10 tuổi. Không chỉ trẻ em địa phương mà nhiều phụ huynh ở các xã lân cận cũng đưa con đến xin học.
Chuyện tử tế: Dạy sử miễn phí bằng âm nhạc1
Việc học được ông Thanh tích hợp đầy đủ qua các bài hát theo từng giai đoạn lịch sử. Sau khi cho các trò hát, ông bắt đầu giảng giải chi tiết về nội dung bài. Đặc biệt, ông còn dạy theo chủ đề, tháng nào có sự kiện, mốc lịch sử quan trọng thì ông chú trọng dạy theo chủ đề của tháng đó. Ngoài ra, vào dịp lễ ông đều dành thời gian tổ chức cho các em vui chơi sinh hoạt, giao lưu với trường học, Đoàn thanh niên, thăm di tích lịch sử địa phương để linh động trong việc vừa học vừa chơi, nhằm tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Suốt 20 năm dạy học như vậy, ông Thanh đã mang tâm huyết của mình “truyền lửa” cho nhiều lứa học trò. “Giờ đây, nhiều em đã thành tài, trở thành quân nhân, giáo viên… Điều đó khiến tôi rất vui và có thêm động lực để tiếp tục với công việc này”, ông Thanh trải lòng.
Chị Đặng Lệ Trinh (30 tuổi), người trong vùng, chia sẻ: “Nhờ thầy Thanh mà trẻ em miệt vườn có thêm nhiều kiến thức lịch sử qua từng lời dạy, câu hát. Việc thầy giảng dạy miễn phí suốt 20 năm cho bao thế hệ học sinh khiến tôi vô cùng cảm kích”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.