CHUNG MỘT TẤM LÒNG
Sơ Phạm Nguyễn Minh Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, cho biết trường do linh mục Nguyễn Văn Việt thành lập năm 1994 và xây dựng trên diện tích 2 ha. Việc xây trường nhằm chăm lo các em học sinh khuyết tật, giáo dục ngôn ngữ, định hướng nghề nghiệp để các em hòa nhập cộng đồng.
Học sinh của trường đều là trẻ em khuyết tật, khiếm khuyết về nghe nói, trí tuệ chậm phát triển, tự kỷ, mắc hội chứng down, rối loạn tăng động giảm chú ý. Giáo viên của trường có trình độ đại học, cao đẳng với nhiều năm kinh nghiệm về công tác chuyên môn và tâm lý học sinh khuyết tật. Hiện trường có 11 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có một số lớp dành cho những em chậm phát triển, tự kỷ, khiếm thính.
Ngoài dạy văn hóa, trường còn hướng nghiệp cho các em với các nghề may, thêu, làm khung tranh, tranh đính đá, hội họa. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: viết chữ đẹp, thi nấu ăn, chơi trò chơi dân gian… để các em tự tin, vui thích hơn khi đến trường.
Sơ Hiếu cho biết các em nhỏ ở đây tiếp thu kiến thức rất chậm và hiểu biết rất hạn chế. Với chương trình tiểu học, học sinh bình thường chỉ học 5 năm, còn các em của trường, nhất là các em khuyết tật nghe, nói phải học từ 10 - 11 năm; còn những em tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ thì thời gian không thể dự tính được. Do đó, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, dạy kiến thức lặp đi lặp lại nhiều lần để các em nhớ và tiếp thu tốt hơn.
NƠI ƯƠM MẦM ƯỚC MƠ
Đến nay, trường đã dạy dỗ, cưu mang gần 1.000 trẻ em khuyết tật. Những nỗ lực của nhà trường mang lại thành quả đáng ghi nhận. Nhiều học sinh sau khi học xong đã có thể tìm được việc làm phù hợp khả năng, có thể tự lập và không phải phụ thuộc nhiều vào gia đình. Điều này không chỉ giúp các em có cuộc sống tốt hơn mà còn tạo niềm tin và hy vọng cho các bậc phụ huynh.
"Nhiều học sinh khuyết tật khi ra trường đã tìm được việc làm ổn định để tự lo cho bản thân và gia đình. Một số em đang làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang)… với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, có em trên 10 triệu đồng/tháng. Điều này khích lệ tinh thần của giáo viên, cán bộ nhà trường rất nhiều", sơ Hiếu kể.
Em Nguyễn Văn An (17 tuổi) chậm phát triển, bị cha mẹ bỏ rơi khi mới 4 tuổi. An được công an địa phương gửi đến Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm học và được các thầy cô nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến nay. Em xem các sơ như mẹ và luôn ngoan ngoãn, cố gắng học tập để không phụ lòng các sơ cưu mang, nuôi dưỡng.
Ông Diệp Quốc Phong, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Hòn Đất, cho biết Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm là ngôi trường đặc biệt của các trường đặc biệt, đặc biệt từ giáo viên, cơ sở vật chất cho đến học sinh. Thời gian qua, giáo viên, cán bộ nhà trường rất tích cực trong công tác giảng dạy, chăm sóc những em kém may mắn, góp phần giúp các em có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
"Trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm không chỉ là nơi dạy học, mà còn là ngôi nhà, nơi nương tựa cho những số phận kém may mắn. Dù tương lai còn nhiều thách thức, nhưng với tình yêu thương và sự đồng lòng của cộng đồng, ngôi trường sẽ tiếp tục là nơi ươm mầm hy vọng và trao cho các em cơ hội được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Diệp Quốc Phong chia sẻ.
Bình luận (0)