Ông Đỗ Thanh Hưng, Phó bí thư xã, cho biết một trong những chuyển biến rõ nét nhất của phong trào xây dựng nông thôn mới ở Trung Hưng là việc người dân đồng thuận xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Trước kia, trong xã hầu hết là cầu ván, cầu cây tạm bợ. Đến năm 2010, phong trào bắc cầu làm đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã nở rộ, nhờ vậy mà hiện nay hầu như nơi nào đường sá cũng khang trang, bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày.
Trong số đó có nhiều cây cầu bê tông kiên cố như cầu Trung Hưng 1, Trung Hưng 2, cầu Rạch Ruộng, cầu 3/2... kinh phí mỗi cầu từ vài trăm triệu đến gần 2 tỉ đồng. Đặc biệt, người trực tiếp thi công là những nông dân tay lấm chân bùn.
|
Xã Trung Hưng hiện cũng có ban từ thiện chuyên bắc cầu, làm đường, xây nhà tình thương, hiến máu nhân đạo. Ngoài ra còn có đội xe cấp cứu từ thiện gồm 4 chiếc... Hiện xã cũng chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm phụ trách một lĩnh vực. Tiêu biểu nhất là nhóm bắc cầu và làm đường, mỗi nhóm có từ vài ba chục đến 50 tình nguyện viên, trong số đó người có tay nghề chiếm khoảng 1/3. Tính tới nay, Trung Hưng đã bắc trên 300 cây cầu lớn, nhỏ.
Một trong những người tham gia làm cầu lâu năm và có uy tín là ông Đoàn Văn Niên (72 tuổi, ngụ ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng). Bản thân ông đã trực tiếp thực hiện 40 cây cầu bê tông. Tuy là một nông dân, chưa hề học qua trường lớp nhưng nhờ trải nghiệm nhiều năm, lại được sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia xây dựng cầu đường nên ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau khi khảo sát thực tế, ông có thể tự chiết tính vật tư, phân chia từng hạng mục công trình, thuê thiết bị máy móc rồi nhờ kỹ sư vẽ thiết kế, khi nào hoàn chỉnh mới bắt đầu thực hiện. Anh em trong nhóm ở xã thường gọi ông là “kỹ sư” cầu đường.
Ông Niên cho biết ông tham gia làm từ thiện trên 30 năm qua, nay tuy tuổi cao nhưng vẫn còn “đủ sức để đi tiếp”. Hơn nữa, việc bắc cầu “đã ngấm vào máu thịt”, mỗi lần làm xong một công trình lòng ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc. “Kỷ niệm vui nhất trong đời tôi là tất cả anh chị em trong nhóm đều hăng hái, chung sức chung lòng, không ai vì lợi ích riêng tư. Mỗi lần khánh thành cầu, nhóm thi công ai nấy cũng đều nở một nụ cười mãn nguyện và tự hào. Tôi nguyện với lòng sẽ tiếp tục con đường thiện nguyện này cho tới ngày không còn sức lao động nữa mới thôi”, ông Niên chia sẻ.
Ngoài ông Niên còn có nhiều “kỹ sư tay ngang” khác cũng góp phần vào việc hoàn thành các công trình. Cụ thể như các ông Nguyễn Văn Bảy, Cao Văn Rết, Cao Văn Đực... cũng là những người có nhiều công lao to lớn đối với hoạt động cầu đường. Ông Cao Văn Cảnh (55 tuổi), người phụ trách về tài chánh, bộc bạch: “Mặc dù gia đình chỉ đủ ăn nhưng việc bắc cầu làm đường là một hành động tích phước nên ba anh em tôi mỗi người góp vô 10 triệu đồng để thực hiện cây cầu đầu Kinh 15”.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã tặng bằng khen cho nhân dân và cán bộ xã Trung Hưng.
Bình luận (0)