Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây vẫn thầm lặng nương tựa, che chở cho nhau như những cánh rừng ngập mặn bám sâu vào lòng đất để chống chọi với giông gió. Âm thầm và bền bỉ qua tháng năm, ông Nguyễn Văn Chớ (64 tuổi, ở thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ) đã sống, làm việc và cống hiến vì bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Điểm tựa cho những phận đời khốn khó
Ở thị trấn Cần Thạnh, trung tâm của H.Cần Giờ, cái tên ông Nguyễn Văn Chớ đã chẳng còn xa lạ với người nghèo khó và những gia đình lâm vào cảnh tang thương.
Từ năm 2008, khi thành lập nhóm thiện nguyện Hỗ trợ mai táng và chăm lo cho người nghèo, ông Chớ đã trở thành điểm tựa cho những phận đời khốn khó. Trong những năm tháng ấy, ông và 24 thành viên của nhóm đã làm những công việc không thể nào tả xiết, vừa ấm áp nghĩa tình, vừa nặng nhọc, lại vừa tê tái…
Cái nghề của ông không màu sắc, không ồn ào, cứ thế âm thầm, bền bỉ. Nghe tin bệnh nhân nào trong vùng cần chuyển viện lên tuyến trên, bất kể ngày hay đêm, ông và đồng đội đều có mặt ngay. Nhóm thiện nguyện hoạt động 24/7, đến nay đã hỗ trợ miễn phí hơn 500 ca chuyển viện.
Ông tâm sự với chúng tôi, trên mảnh đất Cần Giờ xa xôi không có nhiều xe cứu thương miễn phí để hỗ trợ bệnh nhân. Đường đến bệnh viện thì xa, bệnh tình lại cấp bách, cơ hội sống của bệnh nhân đôi khi chỉ còn đếm bằng giây. Nghĩ vậy, ông cùng gia đình, bạn bè và các tình nguyện viên trong nhóm đã gom góp tiền để mua 2 chiếc xe cứu thương.
Ông và đồng đội còn là người lo mai táng cho những gia đình không may rơi vào cảnh tang tóc. Ông đứng ra lo liệu hậu sự chính, từ việc hỗ trợ áo quan đến việc tìm đất, chôn cất cho người đã mất. Từ khi thành lập nhóm đến nay, ông và đồng đội đã giúp đỡ chu toàn 60 áo quan, 6 mảnh đất chôn cất cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Chúng tôi hỏi, vì sao ông lại chọn công việc lo hậu sự cho bệnh nhân đã mất, ông không vội trả lời. Giọng trầm lắng, ông nói đó là “lẽ đời”. "Lẽ đời", đối với ông không phải là một điều gì đó cao siêu. Cuộc sống có sinh, có tử, có người đến, cũng có người đi. Người ta sống với nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và khi mất đi, cũng phải có người lo liệu để họ ra đi bình yên.
“Có người sống khổ sở, chết đi lại không nơi chôn cất tử tế. Nếu chỉ vì quá khó khăn mà không tổ chức tang lễ trọn vẹn thì họ sẽ ra đi rất cô đơn. Chúng tôi làm vậy, chỉ mong có thể an ủi họ phần nào, giúp họ được yên nghỉ”, ông Chớ lặng lẽ, nói rồi lại trầm tư, nhìn về một hướng xa xăm.
Có những ca bệnh không may qua đời, họ là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn lên TP.HCM làm ăn, ông và các anh em trong nhóm đều hỗ trợ đưa họ về quê nhà và tổ chức lễ tang tươm tất.
Những đồng đội hết lòng vì bệnh nhân
Kể cho chúng tôi nghe về những đồng đội của mình, người đàn ông ấy không thể che giấu cảm xúc trong đôi mắt. Ông nói, chính anh em trong nhóm mới là những người đáng trân quý nhất.
Ông tâm sự rằng, mảnh đất Cần Giờ dẫu có biển xanh, rừng ngập mặn nhưng để kiếm sống ở đây thì không phải là điều dễ dàng. Phần lớn các thành viên trong nhóm đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ làm đủ nghề để mưu sinh, từ chạy xe ôm, phụ thợ hồ đến buôn bán nhỏ lẻ.. Ấy vậy mà, mỗi khi nghe tin có người bệnh cần giúp đỡ, họ lại gạt hết lo toan riêng để cùng nhau góp sức.
“Điều làm tôi xúc động nhất là họ chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình. Họ luôn hết lòng vì bệnh nhân. Tháng nào làm dư được đôi ba trăm, họ lại đưa tôi, bảo ‘chú cầm để gom góp mua thêm áo quan’. Họ không giàu, nhưng lại có cái tình, mà cái tình ấy thì lớn lắm”.
Không chỉ giúp đỡ bệnh nhân, nhóm còn chăm lo cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm đã hỗ trợ thường xuyên cho 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 50 triệu đồng mỗi năm. Đến mùa thi chuyển cấp, nhóm lại hỗ trợ cho hàng trăm học sinh với số tiền hơn 50 triệu đồng…
Hơn ai hết, ông Chớ hiểu rằng, để duy trì hoạt động của nhóm thiện nguyện thì kinh phí là điều không thể thiếu. Từ khi thành lập đến nay, nhóm chưa bao giờ vận động, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Để duy trì kinh phí hoạt động của nhóm, người đàn ông ấy đã xoay sở rất nhiều nghề. Đến nay, được sự động viên từ gia đình, bạn bè, ông đã buôn bán thêm quan tài. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh này, ông đều dành hết cho những bệnh nhân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ở độ tuổi 64, ông Chớ vẫn miệt mài với công việc thiện nguyện của mình. Ông nói, bản thân chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì sau lưng ông còn có gia đình: “Tôi vô cùng hạnh phúc vì được vợ con ủng hộ hết mình. Vợ tôi không chỉ thấu hiểu mà còn luôn động viên, tiếp thêm cho tôi nguồn động lực lớn lao. Những lúc tôi xoay sở chi phí để lo cho bệnh nhân, chính vợ con tôi và bạn bè thân thiết của tôi đã hỗ trợ rất nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Chớ được Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tuyên dương là “Người tốt, việc thiện - Chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái” giai đoạn 2022 - 2024.
Theo ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái” thu hút được sự tham gia tích cực của các cá nhân, tập thể. Từ đó, thúc đẩy cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
“Các cá nhân, tổ chức được tuyên dương là những tấm gương đóng góp trên các lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM như cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe; sơ cấp cứu ban đầu; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo”, ông Sơn cho biết.
Bình luận (0)