“Làm vua thua làm tỏi”
Tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với ngành công nghệ phần mềm năm 2009, giống bao người trẻ yêu quê hương xứ sở, Phạm Văn Công quay về đảo lập nghiệp với việc viết phần mềm và làm dịch vụ tin học.
Năm 2011, Công chuyển sang mua bán tỏi Lý Sơn. Những ngày tháng gắn kết với nông dân cháy da cháy thịt trên đất đảo, Công thấy có năm giá tỏi rất cao, nhưng có khi rớt xuống tận đáy - chỉ 60.000 đồng/kg tỏi khô và kéo dài nhiều tháng; trong khi đã có lúc tỏi Lý Sơn được ví như “vàng trắng” bởi chất lượng và giá trị, 20 kg tỏi Lý Sơn đổi 1 chỉ vàng. Thời ấy, người trồng tỏi ở Lý Sơn còn ví “làm vua thua làm tỏi”.
Nhưng thời đó xa rồi. Người trồng tỏi ở đảo cứ như chịu đựng “thân phận”, chẳng có cách nào khá hơn. Làm tỏi là cả một công trình đầy mồ hôi, lại phải lặn ngụp lấy cát sâu từ dưới biển, đất đỏ bazan và đặc biệt phải dùng thuốc bảo vệ thực vật chống chọi với sâu và dịch bệnh. Đó là chưa kể, tỏi trà trộn từ đâu về mang nhãn hiệu Lý Sơn phần nào đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Sự khó nhọc, giá tỏi thấp, sụt giảm thị phần là những gì người trồng tỏi gánh chịu theo từng năm tháng.
Công cho biết chỉ có con đường làm tỏi theo hướng tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ mới đạt được giá trị cao, nhưng như vậy thì đành chấp nhận rủi ro những năm đầu, mới mong chứng minh được tính khả thi, trong đó có cả mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
|
Thử nghiệm trồng tỏi hữu cơ…
Công đầu tư cả trăm triệu đồng, bắt tay trồng 1.000 m2 tỏi ở cánh đồng Trận Địa, thôn Đông, xã An Vĩnh (H.Lý Sơn). Ruộng tỏi này, anh Công bón phân hữu cơ đã ủ hoai gấp 3 lần so với canh tác tỏi thông thường, trong đó phần lớn là phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học nhằm thay thế hơn 50% phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Sang tháng 2.2017, anh thu hoạch được 500 kg tỏi tươi (khoảng 330 kg tỏi khô). Thời điểm đó, dù chỉ đạt khoảng 70% sản lượng trên cùng một diện tích so với tỏi trồng theo cách cũ, nhưng bù lại, tỏi có giá bán ra được 160.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với tỏi khô tại đảo.
Mùa tỏi thứ 2, anh Công trồng 3.000 m2 theo tiêu chuẩn “VietGAP, hướng tới hữu cơ”, sau khi tiến hành khử trùng đất bằng chế phẩm sinh học và cải tạo đất tại ruộng tỏi. Tại 2.000 m2 ruộng ở đồng Trận Địa và ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn), anh thu được 920 kg tỏi khô, tăng 1,4 lần so với vụ 2016 - 2017, giá bán 160.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với giá tỏi khô tại đảo Lý Sơn.
Còn 1.000 m2 tỏi tại đồng Rừng Nhợ, thôn Tây, xã An Hải, anh Công trồng thử nghiệm với 100% phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, anh Công tách 500 m2 trồng bền vững theo hướng tự nhiên, có phủ nhẹ cát trắng; 500 m2 còn lại thì cải tạo đất, bổ sung hơn 1 tấn phân hữu cơ và lá cây cho đất; không dùng cát biển phủ phần mặt, trồng cỏ đậu toàn bộ diện tích (nhằm tạo môi trường cho hệ vi sinh và côn trùng phát triển cân bằng, giữ ẩm và giúp đất tơi xốp, ẩm ướt tự nhiên quanh năm).
Anh cũng không dùng phân bón và thuốc hóa học, trồng cây làm hàng rào ngăn cách để tránh lây thuốc bảo vệ thực vật hóa học và các yếu tố khác từ bên ngoài; trồng cây thu hút và cây xua đuổi côn trùng như cây vạn thọ, cây rau mùi, hoa…
… Và qua 4 mùa tỏi sạch
Mới đây, anh Công bắt tay vào thu hoạch vụ tỏi “hữu cơ” năm thứ 4, kể từ khi làm thử nghiệm. Hôm ấy, trong hoàng hôn mênh mông vàng xứ đảo, chúng tôi gặp anh Công trên đồng tỏi, khi anh vội ôm những bó tỏi với củ no đầy, tròn chắc vừa thu hoạch để tránh cơn mưa chiều bất chợt. 4 mùa tỏi rồi, giờ anh Công mới cười thoải mái. Năm nay, tại 1.000 m2 ở đồng Rừng Nhợ, anh Công làm tiếp tục theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay sản lượng thu hoạch là 550 kg tỏi tươi/sào, tương đương với sản lượng tỏi Lý Sơn trồng theo cách cũ.
Anh Công chia sẻ, 3 mùa trước anh để cây cỏ mọc tự nhiên nên đất đã được phục hồi. Do vậy đến năm thứ 4, xem như đất đủ độ màu mỡ, việc sản xuất tỏi theo hữu cơ được thuận lợi. Đến hôm nay, anh Công rất tự tin để truyền đạt cho bà con trên đảo cách làm tỏi sạch. “Tâm nguyện từ ngày đầu của tôi là làm thành công và từng bước thay đổi dần tập quán canh tác sử dụng phân hóa học lâu nay của nông dân. Nay tạm cho là thành công nhưng cần có thêm tí thời gian để chứng minh hiệu quả”, anh Công nói.
Theo anh Công, cái mới nào cũng vậy, làm sao để những người nông dân hiểu được cách tạo độ ẩm, tạo dinh dưỡng để sản xuất tỏi sạch bằng cách sử dụng một lớp cát mỏng, hoặc không sử dụng cát. Rồi khi trồng tỏi xuống, lại để nguyên cỏ dại tạo độ che phủ nhằm giữ ẩm giúp tỏi phát triển.
“Làm sao để dân không hút cát từ biển, không lấy đất bazan từ lòng đất và núi, không phun hóa chất, không bón hóa học xuống đất, người ta không nghi ngờ và mua nhầm tỏi Lý Sơn. Đó là tâm nguyện của tôi. Nhiều năm qua tôi làm cũng từ tâm nguyện này”, anh Công trải lòng.
Bình luận (0)