Chuyện về mạng lưới đường sắt của gián điệp Liên Xô

02/08/2021 09:30 GMT+7

Sâu trong khu rừng xanh mướt ở miền Trung nước Đức là một mạng lưới đường sắt độc đáo khi các đoàn tàu hơi nước đến nay vẫn còn hoạt động, sau nhiều năm từng trải qua bom đạn, biến động chính trị, Chiến tranh lạnh…

Mới đây, CNN đăng bài hé lộ thêm nhiều tình tiết liên quan tuyến đường sắt trên, vốn vẫn còn hoạt động đến nay. Theo đó, Công ty đường sắt khổ hẹp Harz (thường được viết tắt HSB) là một trong số ít doanh nghiệp trên thế giới đến nay vẫn vận hành quanh năm mạng lưới tàu chạy bằng hơi nước trên cao nguyên Harz. Mạng lưới gồm 3 tuyến: Brocken, Harz và Thung lũng Selke. Trong đó, tuyến đường sắt lên đỉnh núi Brocken mở cửa vào ngày 27.3.1899, đến nay vẫn là một điểm thu hút khách du lịch.
Đa số hành khách sẽ leo lên đỉnh Brocken với độ cao 1.141 m. Từ đó, họ có thể chiêm ngưỡng phong cảnh tráng lệ và ghé thăm một trạm nghe lén có từ thời Liên Xô. Tuy vậy, mạng lưới tàu với chiều dài 140 km này không chỉ dành cho khách du lịch mà còn là một phần của mạng lưới giao thông trong khu vực và chuyên chở hơn 1 triệu hành khách mỗi năm.

Vị trí chiến lược

“Sự tồn tại của mạng lưới tàu này là một điều kỳ lạ trong lịch sử”, Tony Streeter, chuyên gia của HSB và là cựu biên tập viên của tạp chí về tàu hỏa hơi nước lớn nhất thế giới Steam Railway, nói với CNN.
Vị trí của đỉnh Brocken đã khiến nơi đây thành địa điểm lý tưởng để đặt trạm thời tiết và tháp truyền hình đầu tiên trên thế giới. Hai công trình này được hoàn thành vào năm 1936, thời điểm kỳ Olympic đầu tiên trên thế giới được phát sóng trực tiếp. Kỳ thế vận hội này được tổ chức tại Berlin dưới thời Adolf Hitler.
Sau Thế chiến 2, vị trí chiến lược của đỉnh Brocken trên ranh giới giữa Đông Đức và Tây Đức đã khiến nơi này có vai trò mới. Giai đoạn 1948 - 1959, ngọn núi mở cửa một phần cho khách du lịch. Tuy nhiên, từ tháng 8.1961, chính phủ Đông Đức phong tỏa và biến nơi đây thành khu vực quân sự. Tuyến tàu được giữ lại làm con đường tiếp tế cho quân đội và các nhân viên tình báo.
Chuyện về mạng lưới đường sắt của gián điệp Liên Xô1

Du khách lên đỉnh Brocken có thể ghé thăm trạm nghe lén có từ thời Liên Xô

Các cơ sở quân sự lớn đã được xây dựng trên và xung quanh đỉnh núi, bao gồm hai trạm nghe lén có mật danh Yenisei và Urian do tình báo quân đội Liên Xô và lực lượng an ninh Đông Đức vận hành thời Chiến tranh lạnh.

Tuyến đường gián điệp thời Chiến tranh lạnh

Từ các cơ sở này, Đông Đức có thể quan sát được một khu vực rộng lớn của Tây Đức. Nơi đây cũng bắt được phần lớn sóng vô tuyến của Tây Âu. Do đó, nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình báo và gián điệp thời Chiến tranh lạnh.
Giai đoạn từ năm 1949 - 1990, ranh giới ngăn cách Đông Đức và Tây Đức được dựng lên, cao nguyên Harz lúc này nằm ở tuyến đầu của Chiến tranh lạnh. Trong 45 năm sau Thế giới chiến 2, tuyến đường sắt này hầu như không được hiện đại hóa vì các hạn chế chính trị và thiếu kinh phí đầu tư. Tuy nhiên, do ô tô tư nhân không phổ biến ở Đông Đức, các chuyến tàu cũ vẫn quan trọng đối với việc đi lại và vận chuyển hàng hóa ở địa phương.
Cuối những năm 1980, nhà điều hành đường sắt Đông Đức Deutsche Reichsbahn dần thay thế đầu máy hơi nước bằng đầu máy diesel. Tuy nhiên, gần như ngay sau khi đầu máy diesel được đưa vào sử dụng, bức tường Berlin sụp đổ. Sự kiện này đã thay đổi thế giới và cả vai trò của mạng lưới đường sắt này.

Sự trở lại của tuyến đường sắt

Tháng 12.1989, người dân trong vùng đi bộ biểu tình để đòi lại tuyến đường sắt, bất chấp việc bị những bức tường rào do Liên Xô xây dựng ngăn lại. Từ năm 1990, các cơ sở quân sự trên đỉnh Brocken dần ngừng hoạt động. Người lính Nga cuối cùng rời Brocken vào tháng 3.1994. Trong thời gian đó, tuyến đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thiết bị, vật liệu và binh sĩ rời khỏi núi.
Tuyến đường sắt được cải tạo và các chuyến tàu du lịch bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 9.1991. Hai năm sau, khi Deutsche Reichsbahn chuẩn bị cho việc sáp nhập với đối tác Tây Đức, mạng lưới đường sắt này được tư nhân hóa dưới thương hiệu HSB. Mặc dù hoạt động như một công ty tư nhân, HSB thuộc sở hữu của cộng đồng và được các bang Sachsen-Anhalt và Thuringia hỗ trợ. Đến nay, các tuyến tàu lên đỉnh Brocken vẫn dùng đầu máy hơi nước, dù hầu hết các tuyến đường sắt khác của HSB dùng đầu máy diesel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.