Chuyện về xóm bè khốn khó ở... chợ nổi Cái Răng

25/09/2016 09:02 GMT+7

Khuất sau ghe xuồng tấp nập ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một xóm bè bồng bềnh và khốn khó. Cuộc sống cộng sinh giữa xóm bè với ghe thương hồ là “linh hồn” của chợ nổi lớn nhất miền Tây này...

4 giờ sáng, xóm bè ở chợ nổi Cái Răng rực ánh đèn từ nguồn điện câu đuôi. Ánh sáng phát ra từ những căn nhà bè bập bềnh, mấp mô theo sóng nước. Trên các bè, cư dân đang khẩn trương sửa soạn hàng hóa, trái cây, thức uống, đồ ăn để sẵn sàng đón những chuyến tàu chở du khách tham quan đầu tiên trong ngày.
Bấp bênh sóng nước
Hàng chục chiếc xuồng đầy ắp trái cây các loại như cam xoàng, mít tố nữ, xoài, chôm chôm, sầu riêng; đồ ăn sáng, nước uống từ những nhà bè nối đuôi nhau, len vào không khí sầm uất nơi hàng trăm chiếc ghe xuồng đang tấp nập chuyển hàng. Tiếng máy ghe, máy xuồng xình xịch, tiếng rao hàng, ngã giá của bạn hàng làm náo nhiệt cả khúc sông.
Bà Nguyễn Thị Kim Chưởng (52 tuổi), một người dân chợ nổi sinh sống bằng nghề bán nước giải khát, cho biết:“Từ 5 - 7 giờ sáng là lúc đông đúc nhất, bán không kịp thở. Tôi phải chạy vòng vòng liên tục, vừa bán cho mối mang vừa phải chạy bán cho khách du lịch”. Chồng bà Chưởng là ông Lý Hùng (52 tuổi) thì hùn vốn với hàng xóm đi bán trái cây. Ở chợ nổi Cái Răng, ông Lý Hùng còn nổi tiếng như một nghệ sĩ đường sông bởi ông có vẻ ngoài lãng tử và ngón nghề đờn ca tài tử rất mùi. “Vừa buôn bán trái cây, chiều ít khách thì xách đàn lên bờ chạy show cho các nhà hàng. Kể ra cũng kiếm sống lai rai, lo được tiền ăn, tiền tập bút cho con là mừng rồi”, ông Hùng nói.
Ông kể, quê ở TT.Bảy Ngàn (H.Châu Thành A, Hậu Giang). Cách đây hơn 25 năm, cuộc sống phiêu bạt đưa đẩy hai vợ chồng ra chợ nổi buôn bán nước giải khát rồi sau đó cắm sào tạm trú luôn. Hai vợ chồng có được 4 người con: 3 gái, 1 trai. Cô con gái lớn đi làm công nhân ở TP.HCM đã lấy chồng. Cô thứ ba học hết cấp 2 thì phải bỏ dở giấc mơ làm bác sĩ, nghỉ học để phụ gia đình và hiện cũng lên bờ lấy chồng sinh con.
“Ước mơ làm bác sĩ của nhỏ thứ ba giờ gửi lại cho nhỏ thứ tư và thằng út nên vợ chồng tôi ráng phải cày để lo cho con”, ông Hùng nói. Cách nay mấy tháng, ông Hùng được chọn làm nhân vật cho chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình VN. Trong chương trình, ông bày tỏ ước muốn có một cây đàn thùng và đã được toại nguyện khi chương trình tặng ông một cây đàn ưng ý. Nghe chồng nói đến cây đàn, bà Chưởng trầm ngâm nói: “Là ổng ước chứ là tui, chắc tui ước có 20 triệu sửa lại cái bè, để xập xệ quá mưa giông cũng ớn”.
Linh hồn của chợ nổi
Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, còn trang web Youramazingplaces cũng đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á... Chợ nổi Cái Răng được ví là bộ mặt du lịch của TP.Cần Thơ, cục nam châm hút du khách về vùng đất “gạo trắng nước trong” này.
Không riêng gì gia đình bà Chưởng, nhu cầu sửa sang lại bè và những chiếc ghe để mưu sinh là ước mơ của hầu hết các hộ dân ở xóm bè chợ nổi Cái Răng. Chị Nguyễn Thị Tú Trinh (35 tuổi), làm nghề bán nước, kể hôm trước có cán bộ khu vực xuống khảo sát nhu cầu vay vốn ưu đãi để sửa bè. Ai cũng mừng nhưng mới đây, cán bộ lại xuống và nói rằng dân khó vay tiền vì không thể hoàn tất hồ sơ với giấy tờ tạm trú hiện tại.
“Có neo ở đây vài chục năm thì người dân cũng chỉ được đăng ký giấy tạm trú 6 tháng/lần. Họ không chấp nhận giấy tạm trú này nên kêu mình muốn vay tiền phải lên bờ mướn nhà trọ, làm sổ tạm trú dài hạn. Thật phi lý nếu mướn nhà bỏ không để vay tiền sửa bè”, chị Trinh nói.
Những lần đi sâu vào xóm bè chợ nổi Cái Răng mới thấy cuộc sống của cư dân còn nhiều bấp bênh, đầy lo toan. Ngoài những cái bè cũ nát không có tiền sửa chữa còn là chuyện người dân không có nước sạch, phải sử dụng nước sông cho sinh hoạt, trong khi dòng nước ô nhiễm vì tình trạng vệ sinh kém. Dây điện ở xóm bè câu đuôi đan nhau như mạng nhện. Bấp bênh còn là sự thất học của trẻ con. Chị Đặng Thị Trang (44 tuổi), ở xóm bè, cho biết: “Con nít ở chợ nổi này đông lắm, nhưng hầu hết bỏ học ngang hông vì không có hộ khẩu, lấy gì học đến cấp 3”.
Hơn 2 tháng sau ngày UBND Q.Cái Răng, Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi và đón bằng công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cuộc sống người dân chợ nổi vẫn lặng lẽ, khó khăn vẫn đồng hành. Khác xa những hình ảnh chợ nổi Cái Răng được quảng bá, hay những dịp hội hè được sân khấu hóa, dàn dựng, thực tại của chợ nổi là những ước mơ giản dị của người dân cần vay vốn ưu đãi để sửa bè, phương tiện hay để làm ăn, đăng ký hộ khẩu, trẻ con cần đi học...
Dù TP.Cần Thơ đã thông qua một đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng với kinh phí 63 tỉ đồng nhưng người dân chợ nổi chưa biết sẽ được hưởng lợi điều gì. Nhiều hộ còn lo toan về một kịch bản họ phải di dời, nhường chỗ ở và sinh kế lại cho doanh nghiệp xã hội hóa tham gia kinh doanh. Nếu điều này xảy ra sẽ là một bi kịch thực sự như nhận định của một chuyên gia du lịch: “Cần Thơ đang lo chợ nổi Cái Răng mai một, mất đi tài nguyên du lịch đặc trưng của thành phố, nhưng lại quên mất để chợ nổi tồn tại thì cư dân ở đó phải sống được. Chính cư dân xóm bè cộng sinh cùng ghe xuồng thương hồ là linh hồn của chợ nổi chứ không phải ai khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.