Chuyện vùng đất Nga 'bị kẹp' giữa 2 nước khác

22/06/2022 20:15 GMT+7

Là một tỉnh của Nga nhưng Kaliningrad hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của đất nước. Đường bộ từ Nga đến tỉnh này bắt buộc phải qua Lithuania hoặc Ba Lan.

Căng thẳng giữa Lithuania (Litva) và Nga những ngày qua đã biến Kaliningrad trở thành tâm điểm chú ý, giữa lúc chiến sự ở Ukraine vẫn diễn ra ác liệt.

Lithuania, một nước nhỏ ở khu vực Baltic và là thành viên NATO, đã cấm vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad thông qua lãnh thổ nước này. Vilnius viện dẫn việc tuân thủ các lệnh trừng phạt Nga của EU cho quyết định của mình, song Moscow đã tức giận và đe dọa sẽ trả đũa.

Căng thẳng mới nhất làm gia tăng nguy cơ xung đột xung quanh Kaliningrad, một khu vực có vị trí đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược đối với Nga.

Lịch sử đặc biệt

Kaliningrad là vùng đất nằm bên bờ biển Baltic, giáp Lithuania về phía bắc và phía đông, trong khi giáp Ba Lan về phía nam. Trước Thế chiến II, đây là một thành phố của Đức với tên gọi Königsberg, nổi tiếng là nơi chứng kiến nghi lễ đăng cơ của các đời quân chủ Phổ, theo báo The Guardian.

Kaliningrad vốn là một vùng đất của người Đức

afp

Vùng đất này đã bị quân đội Liên Xô đánh chiếm từ Đức Quốc xã vào tháng 4.1945 và sau đó trở thành một phần lãnh thổ của Liên Xô theo kết quả của Hội nghị Potsdam. Năm 1946, vùng đất chính thức mang tên hiện nay để vinh danh ông Mikhail Kalinin, một nhà cách mạng Bolshevik. Người Đức bị đuổi khỏi khu vực và công dân Liên Xô đến định cư tại đây. Bà Lyudmila Putina, vợ cũ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sinh năm 1958 tại Kaliningrad.

Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô vào đầu những năm 1990 dẫn đến việc Kaliningrad tách rời khỏi phần còn lại của Nga, nằm lọt giữa Ba Lan và Lithuania - hai nước vừa là thành viên NATO vừa là thành viên EU. Đường bộ từ Nga đến Kaliningrad buộc phải đi qua một trong hai nước này.

Hiện tại, Kaliningrad có diện tích khoảng 15.100 km2 và dân số khoảng 1 triệu người, cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 1.300 km. Về mặt quản lý hành chính, đây là một tỉnh (oblast) của Nga, với trung tâm hành chính đặt tại thành phố cùng tên.

Lithuania mở rộng lệnh cấm với Kaliningrad, Mỹ ủng hộ, Nga phẫn nộ

Kaliningrad nhập lương thực từ các nước láng giềng EU nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào phần còn lại Nga về các mặt hàng khác. Hằng năm, hàng triệu tấn dầu, than cốc và than đá được chuyển đến Kaliningrad - chủ yếu bằng đường sắt - qua Lithuania. Khoảng 100 chuyến tàu của Nga đi qua Lithuania mỗi tháng, theo The Guardian.

Cảng Baltiysk ở Kaliningrad là cảng duy nhất của Nga ở biển Baltic không bị đóng băng quanh năm. Kaliningrad cũng là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Baltic thuộc quân đội Nga.

Trong nhiều thập kỷ, Kaliningrad là khu vực được quân sự hóa mạnh mẽ và đóng cửa với người nước ngoài, theo CNN. Song trong những năm gần đây, Kaliningrad đã trở thành điểm du lịch mới nổi và tỉnh này đã tổ chức một số trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018 ở Nga.

Nguy cơ xung đột

Ngoài việc giúp Nga tiếp cận Baltic, tầm quan trọng địa chiến lược của Kaliningrad còn gắn liền với một dải đất hẹp được gọi là "Hành lang Suwalki". Hành lang này ngăn cách Kaliningrad với Belarus - một đồng minh quan trọng của Nga, đồng thời nối liền lãnh thổ Ba Lan và Lithuania, trở thành kết nối trên bộ duy nhất giữa các nước Baltic với phần còn lại của EU. Nếu để mất kiểm soát ở đây, cả NATO và Nga đều bất lợi.

Vị trí Kaliningrad và hành lang Suwalki (Suwalki Gap)

openstreetmap

Năm 2002, EU và Moscow đã đạt được thỏa thuận về việc đi lại giữa Nga và Kaliningrad, trước khi Ba Lan và Lithuania gia nhập liên minh vào năm 2004. Khi các nước này gia nhập, Kaliningrad bị EU bao vây ba phía. Nga nói rằng thỏa thuận năm 2002 hiện đã bị vi phạm.

Vai trò của Kaliningrad càng trở nên quan trọng hơn đối với Nga sau khi Thụy Điển và Phần Lan quyết tâm gia nhập NATO. Hồi tháng 5, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nói việc hai nước Bắc Âu muốn gia nhập NATO có nghĩa là "sẽ không thể tiếp tục nói về tình trạng phi hạt nhân hóa dù thế nào đi nữa tại khu vực Baltic - sự cân bằng phải được khôi phục".

Từ lâu, Nga đã không thích sự hiện diện của các nước NATO xung quanh Kaliningrad. "Họ đã di chuyển cơ sở hạ tầng của NATO đến gần biên giới của chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với CNN vào năm 2015, sau thông tin rằng Nga đã chuyển tên lửa Iskander có khả năng hạt nhân đến Kaliningrad. "Và đây không phải là lãnh thổ của Mỹ".

Nga diễn tập phóng tên lửa hạt nhân tại Kaliningrad

Nga không thừa nhận họ có vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, nhưng vào năm 2018, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ kết luận rằng Nga đã hiện đại hóa đáng kể một boongke chứa vũ khí hạt nhân tại khu vực, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh.

Kể từ khi Nga đưa quân Ukraine, Lithuania đã thúc giục NATO tăng cường triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình. Vào tháng 4, Tổng thống Gitanas Nauseda nói rằng Tiểu đoàn Tăng cường Hiện diện Tiền phương của NATO nên được chuyển đổi để "ít nhất" có quy mô của một lữ đoàn, và kêu gọi củng cố phòng thủ ở Hành lang Suwalki.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.