Bé Thảo Tiên hiện 5 tuổi, sống ở TP.HCM, thường gọi là Ngọc. Đây là cái tên cô bé tự đặt cho mình vì "muốn mình trở thành một viên ngọc", chị Ngọc Dung (33 tuổi), mẹ bé, chia sẻ. Mới 5 tuổi nhưng Ngọc có thể nấu được hơn 50 món chay, mặn khác nhau nhờ sự hỗ trợ của mẹ.
Xem nấu ăn như một trò chơi
Bé Ngọc được mẹ tập vào bếp từ lúc 2 tuổi. Thời điểm đó, TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Chị Dung quyết định khai thác tối đa vườn rau của gia đình. Mỗi ngày, 2 mẹ con đều dành thời gian gieo trồng, chăm sóc cây cối. Người mẹ tranh thủ dạy con gái kiến thức về các loại cây, cách gieo hạt, cách đào, xới đất và chăm sóc... Đặc biệt, khi được nếm thử nhiều vị rau thơm, thảo mộc ngay trong vườn nhà, bé Ngọc cảm thấy hào hứng, thích thú việc làm vườn.
Cô bé 5 tuổi nấu được 50 món chay và mặn: Vào bếp từ lúc 2 tuổi
Sau khi thu hoạch một loại rau quả nào đó, hai mẹ con cùng vào bếp chế biến. Với quan điểm dạy con mọi lúc, mọi nơi và phải tự lập, nên các việc như nhặt, rửa rau chị Dung đều cho bé tập làm. "Thời gian đầu bé hay bỏ cuộc giữa chừng, nhưng để động viên con, mình thường biến việc bé đang làm thành một trò chơi như chơi đồ hàng. Dần dần con quen với việc đó và tự giác giúp đỡ khi mẹ vào bếp", chị Dung chia sẻ.
Bé Ngọc có xu hướng thích ăn thực vật, các loại rau, nấm hơn thịt cá. Gia đình chị Dung cũng ưu tiên ăn chay nhiều ngày trong tháng vì sở thích và nhu cầu về sức khỏe. Riêng bé Ngọc, khi đi học thì ăn theo chế độ chung của nhà trường. Về nhà, bé ưu tiên ăn tối đa thực phẩm có nguồn gốc thực vật, mỗi tháng có ít nhất 4 ngày ăn chay. Đó cũng là lý do khiến mọi thường thấy cô bé 5 tuổi hướng dẫn nấu các món chay.
Ngọc khá hoạt ngôn nên khi được mẹ quay video, bé "tự biên tự diễn" từ cách chào hỏi, hướng dẫn chế biến hay cảm nhận về món ăn. Ngọc còn xào nhân, rang và chà vỏ đậu phộng, nêm nếm gia vị...
Bài học cho tuổi thơ con thêm ý nghĩa
Chị Dung sẽ xử lý các việc liên quan đến dao, kéo, lửa, điện. Ngọc thường làm các món ít nguy hiểm như: salad, tẩm chiên, các món gỏi, cuốn… Vì rất đam mê nấm và rau thơm nên bé thích tự làm các món: nấm cuộn rau, rau xào tỏi, gỏi chay, khô bò chay, salad…
Khi sử dụng bếp điện để xào, cô bé chia sẻ lời khuyên: "Các bạn xài đồ điện phải có bố mẹ chứ không là nguy hiểm đấy". 3 năm vào bếp, Ngọc đã cùng mẹ thực hiện rất nhiều món chay và món mặn. Riêng em có thể chế biến được khoảng 50 món. Khi thấy mẹ làm qua 1 lần, bé đều có thể nhớ cách làm. Tuy không hoàn hảo nhưng cô bé có thể làm món ăn đúng vị, đúng cách chế biến.
"Một số loại thảo mộc trị ho, giải cảm như lá bạc hà, tần dày lá, trái tắc đem chưng chung với mật ong giúp trị ho. Nước gừng ấm thì chỉ nên uống buổi sáng là tốt nhất…", cô bé 5 tuổi liệt kê.
Ngọc cá tính, khá độc lập nên thường không trông chờ vào việc món mình làm ra có được khen ngon hay không. Gia đình chị Dung cũng khá thẳng thắn, nếu món có khuyết điểm là chia sẻ với con một cách công tâm. "Hôm nào bé vui thì sẽ cười lớn đáp lời ba mẹ. Hôm nào tâm trạng không tốt thì bé sẽ nói: "Con thấy cũng ổn mà!", người mẹ cười, chia sẻ.
Vợ chồng chị Dung tâm niệm một đứa trẻ không cần quá nhiều vật chất mà khoảng thời gian tuổi thơ bên ba mẹ là điều quan trọng hơn cả. Thông qua hoạt động nấu ăn, chị thấy con được rèn tính kiên trì và siêng năng. Khi chia sẻ video hướng dẫn nấu nướng, con cũng trở nên tự tin, nhanh nhẹn.
"Để có được điều đó, con phải trải qua một quá trình dài học hỏi và thực hành. Vì thế, nếu ba mẹ sắp xếp thời gian, cùng con tham gia nhiều hoạt động sẽ giúp con có thêm kiến thức và kỹ năng sống, tuổi thơ của con sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp", chị Dung cho biết.
Bình luận (0)