'Có biểu hiện' lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

21/08/2024 17:12 GMT+7

Chiều 21.8, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn đại biểu TP.HCM) gửi câu hỏi chất vấn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: 'Có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật hay không?'.

Bà Hạnh đề cập tới Quy định số 178 ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; và cho rằng xây dựng pháp luật là công tác liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

"Với trách nhiệm của bộ quản lý ngành trong xây dựng thể chế, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá thời gian qua có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật hay không. Bộ Tư pháp dự kiến tham mưu thế nào để triển khai Quy định số 178 có hiệu quả?", nữ đại biểu đặt vấn đề.

'Có biểu hiện' lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

ẢNH: GIA HÂN

"Có biểu hiện, nhưng mức độ đến đâu thì không dám khẳng định"

Hồi đáp đại biểu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói "không đủ cơ sở để khẳng định có hay không" tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế cũng như kết luận về các vụ việc vi phạm do cơ quan thanh tra, kiểm tra ban hành, và thông tin do bản thân tiếp cận được, Phó thủ tướng thấy rằng "có biểu hiện đó", nhưng mức độ đến đâu thì "không dám khẳng định".

Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Bộ Chính trị ban hành các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án, xây dựng pháp luật…

Trong số trên, quy định về kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật là khó hơn cả, bởi đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ bộ, ngành đến Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi Quốc hội…

Cũng vì là công trình tập thể, muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, phải gắn với quan hệ nhân quả, chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng. "Cái này không thể bằng mắt thường hay hành chính mà có thể phát hiện được", ông nói.

Sau khi có Quy định số 178 của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ "quán triệt kỹ, chứ không phải nghe qua qua". Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, đồng thời hiện thực hóa các giải pháp trong dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

'Có biểu hiện' lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật - Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

ẢNH: GIA HÂN

Khoảng trống pháp lý do nợ văn bản

Cùng tham gia chất vấn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết Nghị quyết số 853/2023 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến 5.5.2024 còn nợ 12 văn bản, chiếm 25%. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương…

Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết tổng số văn bản Chính phủ và các bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết.

Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đến thời điểm này ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản; so với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn.

Phó thủ tướng Lê Thành Long cũng nêu nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tết, có những văn bản nội dung khó, mặc dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp.

Một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.