Từ tấm hình cô bộ đội bế một bé gái vào tháng 2.1979, Báo Thanh Niên đã tìm gặp 2 nhân vật trên để khắc họa lại câu chuyện cổ tích thời chiến tranh. Ngày mai (28.2.2016), cả hai người sẽ gặp mặt nhau sau 37 năm.
Cô bộ đội và bé gái 37 năm trước sắp sửa được trùng phùng |
Tấm hình chụp vội
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (80 tuổi, hiện đang nghỉ hưu ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhớ lại: đầu tháng 2.1979 ông là cán bộ của Phòng Nhiếp ảnh, Nhà Xuất bản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) được cử đi tăng cường cho biên giới Cao Bằng làm nhiệm vụ chụp hình tư liệu.
Rạng sáng 17.2.1979, bộ binh và xe tăng Trung Quốc ào ạt tấn công vào cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa, Cao Bằng) đúng lúc ông Thường đang công tác tại đó và đến buổi trưa 17.2.1979, ông phải rút về tuyến sau cùng 2 chiến sĩ công an.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường kể câu chuyện về bức hình chụp tháng 2.1979
|
Sáng 24.2.1979, khi đang cùng những người dân tản cư chạy về phía sau, đến bên kia cầu Tài Hồ Sìn, ông Thường thấy 2 chiếc xe Gat69 đỗ bên đường, cạnh đó là tốp khoảng 3-4 anh bộ đội đang xúm quanh 1 người phụ nữ máu me bê bết đầy người, nằm bất tỉnh như đã chết và 1 cô bộ đội khoác súng AK đang ôm nựng em bé gái chừng 2-3 tuổi, khóc khản đặc.
Do đang chạy giặc, nên ông Thường chỉ có vài phút hỏi thông tin: 2 mẹ con bị đạn Trung Quốc bắn, được đơn vị trinh sát của bộ đội ta gặp trong rừng và đưa ra cầu Tài Hồ Sìn trong suốt 1 ngày đêm để chuyển về tuyến sau. Cô bộ đội là người đã bế em bé từ chỗ bị nạn ra và đang chờ đưa 2 mẹ con lên xe vận tải.
“Tôi chỉ kịp chụp tấm hình cô bộ đội bế đứa bé và nhanh chóng rời khỏi khu vực, không để thám báo Trung Quốc gọi pháo bắn tiêu diệt!” – Ông Trần Mạnh Thường nhớ lại vậy.
Tấm hình cô bộ đội bế đứa bé của tác giả Trần Mạnh Thường, ngay sau đó đã được đăng trên Báo Quân Đội Nhân Dân, thời điểm cuối tháng 2.1979, với lời chú thích ngắn gọn: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em!”…
Ký ức cô bé Cao Bằng
Cô bé 37 năm về trước đã 40 tuổi (bìa trái) đang cùng con gái và người nhà xem lại tấm hình chụp 37 năm trước do báo Quân đội nhân dân đăng và hình rửa của ông Trần Mạnh Thường
|
Tháng 2.2014, chúng tôi lên Cao Bằng tìm tung tích của cô bộ đội, em bé theo những ký ức lờ mờ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường và thông tin thời gian, địa điểm về các đơn vị có nữ quân nhân tham gia chiến đấu của các cựu binh biên giới.
Gần 1 tuần, chúng tôi có được thông tin về em bé năm xưa và tìm đến gia đình. Vừa nhìn thấy tấm hình, người phụ nữ đã giật mình: “Đó là tôi ngày xưa!” và mở tủ lật tìm mẩu báo cũ ố vàng, cũng in hình cô bộ đội bế em bé, đưa ra so với tấm hình chúng tôi lấy từ ông Thường.
“Hồi ấy tôi mới gần 3 tuổi, nghe bố mẹ kể lại là được cô bộ đội cứu và mẩu báo này, được gia đình cất giữ bao nhiêu năm qua, hòng mong gặp lại cô bộ đội!” – Cô bé năm xưa tên Hoàng Thị Thu Hiền, 40 tuổi, hiện đang là cán bộ của UBND xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng nghẹn ngào vậy.
Tấm hình cô bộ đội bế em bé, tháng 2.1979
|
Từ chị Hiền, chúng tôi tìm lại ký ức của 37 năm trước: năm 1979, bố mẹ chị là ông Hoàng Quang Thái và bà Hoàng Thị Phiến cùng công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), nên gửi 2 chị em Hiền cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (nay là xóm 3, Ngọc Quyến, Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) trông nom.
Giữa tháng 2.1979, bà Phiến nghỉ phép về thăm 2 con gái và ngày 16.2.1979, bà đạp xe chở Hiền về thăm quê ngoại ở xã Đức Long (Hòa An, Cao Bằng).
Sáng ngày 17.2, khi ông ngoại của Hiền đi mua thực phẩm thì pháo từ phía Trung Quốc ào ạt nã sang Cao Bằng, mở đường cho xe tăng và bộ binh tràn sang đánh chiếm, đốt phá, giết chóc người dân các bản làng dọc biên giới.
Không kịp ăn sáng, bà Phiến chở con gái hòa vào dòng người chạy giặc, dự định về nhà ông bà nội đón con gái lớn và đi sơ tán cùng gia đình bên nội. Chạy đến khu vực Cầu Khanh (xã Bế Triều, huyện Hòa An), thì nghe tin xe tăng Trung Quốc đã vào đến thị trấn Nước Hai (Hòa An), bà bế con chạy vào xóm Nà Sa (Bế Triều, Hòa An) lánh nạn.
Trước sự tấn công ào ạt của lính Trung Quốc, ngày hôm sau, mẹ con bà Phiến lại luồn rừng cùng một số hộ dân Nà Sa chạy xuống Cao Bình (xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng).
Bà Bùi Thị Mùi đang trò chuyện cùng PV Thanh Niên - Ảnh: Độc Lập
|
Tối ngày 21.2.1979, mẹ con bà Phiến cùng người dân Cao Bình di chuyển qua Hoàng Tung, hướng ra ngã ba Bản Tấn, hướng sang xã Bình Dương, dự định đi tắt qua rừng, tránh các điểm đã bị Trung Quốc chiếm đóng để về khu vực Tài Hồ Sìn, thoát về phía sau. Tuy nhiên, trên đường đi, đoàn sơ tán của bà bị lính Trung Quốc phát hiện xả súng bắn và bà bị thương vào đùi, 2 mẹ con ngã xuống rãnh nước ven đường mòn trong rừng, gần ngã ba Bản Tấn.
Suốt đêm đó, bà Phiến bất tỉnh và cô bé Hiền gào khóc bên mẹ đến khản đặc. Rạng sáng 22.2.1979, tình cờ 1 tổ trinh sát của bộ đội ta đi làm nhiệm vụ ngang qua, nghe thấy tiếng trẻ con khóc nên chia nhau kiếm tìm và phát hiện thấy. Trung đội trưởng trinh sát tên là Thành (quê Đoan Hùng, Phú Thọ) trực tiếp cõng bà Phiến về vị trí trú quân và Y tá Lê Văn Thích (quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là người sơ cứu vết thương cho bà Phiến, tạm thời chăm sóc cho em bé Hiền.
Sau 1 ngày chờ đợi không thấy tăng viện, Trung đội trưởng Thành đành huy động 1 số chiến sĩ (của các đơn vị chiến đấu tuyến trên, phải rút về phía sau) đưa 2 mẹ con bà Phiến về tuyến sau và cô bộ đội cũng được giao bế em bé, ngay khi vừa đặt chân đến khu vực Bản Tấn.
Cô bộ đội và 1 ngày đêm làm mẹ
Bà Bùi Thị Mùi kể lại câu chuyện 37 năm trước Ảnh: Độc Lập
|
Cô bộ đội trong ảnh tên Bùi Thị Mùi (58 tuổi, quê ở xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ), nhập ngũ tháng 11.1976, khi vừa tròn 18 tuổi. Tháng 2.1979, cô Mùi là chiến sĩ thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 19 vận tải, trực thuộc sư đoàn 346, Quân khu 1.
Rạng sáng 17.2.1979, lính Trung Quốc ào ạt tấn công sang Cao Bằng và chỉ trong vài ngày đã tấn công vào sư đoàn bộ đang đóng quân tại Nam Tuấn (Hòa An, Cao Bằng), khiến các cán bộ chiến sĩ, từ nuôi quân cho đến quân y, hậu cần đều phải cầm chừng chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược.
“Cuộc chiến đấu khốc liệt, dai dẳng và cả sư đoàn bộ bị bao vây nên sư đoàn trưởng lúc ấy là Hoàng Biền Sơn phải ra lệnh cho các đơn vị tùy nghi rút lui để bảo toàn lực lượng!” – bà Mùi kể vậy và lắc đầu: “Đơn vị hy sinh từ Tiểu đoàn phó, quân nhu, y tá, lái xe nên nghe lệnh vậy, mọi người chỉ kịp mang theo súng đạn, cắt đường rừng về phía sau không có tiếng súng. Tôi ném hết lựu đạn, ôm khẩu AK còn băng đạn cuối cùng rút cùng trung đội, nhưng đến rạng sáng thì lạc nhau hết. Lúc ấy cả dân và bộ đội cùng rút, nên hỗn loạn và nguy hiểm vô cùng!”…
Vợ chồng bà Mùi đang xem lại bức hình 37 năm trước - Ảnh: Độc Lập
|
Sáng 23.2.1979, khi đến đường mòn khu vực Bản Tấn, bà Mùi gặp một tốp 5 chiến sĩ đang loay hoay bên 2 mẹ con người dân bị thương rất nặng, máu đầm đìa khắp người. Thấy bà tới, người chỉ huy đưa ngay cô bé chừng 2-3 tuổi đang ngất lịm và yêu cầu bế đứa bé, đi cùng cả tốp đưa 2 mẹ con về trạm phẫu phía sau cầu Tài Hồ Sìn.
“6 anh em chúng tôi luồn rừng qua xã Bình Dương (Hòa An), theo đội hình chiến đấu, mỗi người cách nhau 5 mét và không được ho hắng, nói to bởi phải luồn qua các điểm chốt giữ của lính Trung Quốc!” – Bà Mùi trầm giọng, rồi rơm rớm nước mắt: “Các anh ấy thay nhau người cõng bà mẹ, người chong súng bảo vệ, còn tôi thì bế đứa bé. Bé ngoan lắm, hình như cũng biết đang ở nơi nguy hiểm nên không dám khóc. Mỗi khi bé cựa quậy, tôi lại phải ủ vào ngực để bé nín. Lúc ấy chạy giặc nên chẳng có gì ăn, dọc đường cả tốp nhặt được mấy phong lương khô của bọn Trung Quốc đánh rơi, tôi đói lắm nhưng không dám ăn, cứ bóp mềm trong tay và đút cho bé, cùng với nước dưới suối để nó đỡ đói!”…
Sáng ngày 24.2.1979, cả tốp chiến sĩ đưa mẹ con đến cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng), đúng lúc có 2 chiếc xe Gat69 đang chờ nhận thương binh chuyển về bệnh xá tiền phương cách đó khoảng 30km. Ngay lập tức, bà Phiến được đưa lên chiếc Gat có mui chở thương binh nặng, cô Mùi bế bé Hiền ngồi lên xe chở thương binh nhẹ về tuyến sau.
“Khoảng 4 giờ chiều tới trạm phẫu. Tôi nhảy xuống xe, trao em bé cho các y tá đang chờ sẵn để quay lên biên giới tìm về đơn vị. Đứa bé rời khỏi tay tôi, tự dung khóc thét và cứ vươn cả 2 tay đòi theo. Tôi cũng muốn ở lại với bé một đêm lắm, nhưng tôi là bộ đội và vẫn đang khoác súng, phải quay lại để chiến đấu!” – bà Mùi bật khóc và lẩn mẩn: “Ngồi trên xe, gió lạnh quá tôi lấy mũ mềm đội cho bé nhưng bay mất. Khi trao đứa bé, tôi lấy mảnh vải dù quấn cổ nó cho đỡ bị lạnh. Chẳng biết giờ nó còn giữ không?”…
Bà Bùi Thị Mùi rất vui mừng khi được xem hình cô bé mình đã bế 37 năm trước - Ảnh: Độc Lập
|
Tháng 12.1979 bà Mùi xuất ngũ về địa phương làm công tác kế toán tại UBND xã Đồng Xuân (Thanh Ba, Phú Thọ) và năm 1981 cưới ông Nguyễn Thanh Long (sinh năm 1954). Tròn 35 năm là vợ chồng nhưng ông bà vẫn không có con.
Tháng 3.2015 vừa qua, trong lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người gây đa chấn thương, phải xuống Việt Trì (Phú Thọ) và Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) chữa trị, mới qua khỏi. Hiện bà phải nằm liệt ở nhà và mọi việ sinh hoạt cá nhân, đều 1 tay ông Long lo toan.
“Tôi năm nay 58 tuổi, không có con. Nhưng ít nhất tôi cũng được làm mẹ suốt 1 ngày đêm, trong những ngày lửa đạn tháng 2.1979. Không biết đứa con tôi nuôi 1 ngày đêm hồi ấy, giờ khôn lớn thế nào!” – bà Mùi ứa nước mắt, trong chiều trung du, cuối tháng 2.2016…
Mong ước gặp nhau của cô bộ đội Bùi Thị Mùi và em bé Hoàng Thị Thu Hiền trong tấm hình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường cách đây 37 năm, sẽ được Báo Thanh Niên tổ chức tại nơi bà Mùi đang sống ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ).
Dự kiến sáng mai (28.2.2016), chị Hiền sẽ có mặt tại Hà Nội và được Báo Thanh Niên đưa về gia đình bà Mùi gặp gỡ - thăm hỏi. Cũng dịp này, bạn đọc Báo Thanh Niên đã ủng hộ, giúp đỡ bà Mùi một số tiền để giúp chữa trị bệnh tật. Thông tin về cuộc gặp gỡ sau 37 năm, sẽ được đăng tải trên số báo ngày thứ hai (29.2.2016).
|
Bình luận (0)