Theo thạc sĩ Lê Trung Thu Hằng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), tổng thể về nội dung và cấu trúc đề thi môn hóa học (mã đề 206) bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và nội dung định hướng tinh giản của Bộ GD-ĐT, bám sát với đề minh họa được công bố trước đó.
Đề thi có 40 câu, trong đó nội dung chủ yếu vẫn là lớp 12 (chiếm 95% trải đều các chương), lớp 11 có khoảng 2 câu (chiếm 5%, chương sự điện li và bài toán cracking butan tạo hỗn hợp hidrocacbon).
Đặc biệt đề thi tốt nghiệp có 1 câu hỏi lạ rơi vào phần làm lạnh dung dịch tạo tinh thể kết tinh Al(NO3)3.9H2O (đây là dạng toán hóa thực nghiệm). Để giải quyết câu này không khó nhưng lạ nên sẽ làm khó và chặn điểm được thí sinh ở mức độ phân hóa.
|
Còn thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM) nhận xét đề thi thể hiện 2 mức độ rõ rệt để phục vụ tốt nghiệp và phân loại cao đối với thí sinh xét vào các trường ĐH.
Nội dung cơ bản vẫn là lý thuyết và bài tập dễ (mức độ vận dụng). Thí sinh có học lực trung bình, khá chỉ để thi tốt nghiệp cũng có thể giải quyết khoảng 30-32 câu đầu chiếm từ 6,5 - 8,0 điểm.
Từ câu thứ 33 đến câu 40, mức độ phân hóa mạnh rõ rệt cho thí sinh thi khối KHTN với môn hóa học làm chủ đạo, học sinh có học lực giỏi mới có khả năng giải quyết các câu trong nhóm câu này và điểm dao động từ 8,0 -10 điểm.
Những câu hỏi vận dụng cao năm nay đa số là các dạng bài tập này không mới, đã được tập dợt và luyện đề rất nhiều nên các em giỏi và xuất sắc, nếu ôn luyện kĩ càng sẽ có lợi thế chiếm điểm cao hơn.
Thầy Phạm Lê Thanh dự đoán, năm nay phổ điểm môn hóa học sẽ cao hơn năm ngoái vì đề thi đã giảm nhẹ theo hướng tinh giản và phù hợp thực tế các em học sinh phải trải qua 2 năm học chịu tác động của dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp.
Bình luận (0)