‘Có chết cũng không về quê!’
28/02/2016 08:58 GMT+7
“Có chết cũng không về quê!”, N.V.T (15 tuổi, quê Bình Thuận), một trong 5 lao động vị thành niên được “giải cứu” khỏi quán phở Lý Quốc Sư (quận 2, TP.HCM) nói với tôi, rồi lặng lẽ nhìn xa xăm.
Tự động phát
Khi 3 trong số 5 em được chính quyền quận 2 gửi vào Trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên (gọi tắt là trung tâm) ,tôi mới được tiếp xúc. Cả 3 đều có những chuyện không vui từ gia đình trước khi bị dẫn dắt tới quán phở Lý Quốc Sư.
VIDEO: Mong ước của những lao động trẻ em vừa được "giải cứu" khỏi quán phở Lý Quốc Sư -
Thực hiện: Vũ Phượng |
Sáng 26.2, một lần nữa tôi quay lại trung tâm để tìm gặp các em. Khác với lần gặp đầu tiên hôm 24.2, lần này các em nhìn thấy tôi ngồi trong sân đã chủ động chạy tới bắt chuyện.
Tôi hỏi: “Những ngày qua ở trung tâm tụi em thấy sao?”, đứa nào đứa nấy cười toe toét “vui lắm chị ơi”. Tôi nhìn thẳng vào N.Đ.A. (15 tuổi, quê Nghệ An) - cậu bé nhanh nhẹn nhất trong cả 3 - rồi hỏi vặn: “Sao vui?”. Vẫn giữ nguyên điệu bộ cũ, A. cười tít mắt: “Không phải làm gì, cứ đến giờ được ăn em thấy vui à”, nói xong thằng bé cười hề hề.
A. là đứa nhỏ con nhất trong đám nhưng lại được học cao nhất nên luôn tự hào đánh đố bạn bè. A. kể: “Em được học đến lớp 8 luôn đó, nhưng giờ có về em cũng chẳng muốn đi học. Lãnh tới 7 triệu rưỡi tiền lương mà, em sẽ đi đánh liên minh cho đã luôn”. "Liên minh" mà A nói là một trò chơi trực tuyến.
A. là cậu bé lanh lợi và từng học đến lớp 8 - Ảnh: Vũ Phượng
|
Tôi há hốc mồm nhìn A., em N.V.T (15 tuổi, quê Bình Thuận) ngồi kế bên như nhìn rõ được sự bất ngờ của tôi nên hích nhẹ vào cánh tay tôi rồi nói: “Đêm ngủ nó mơ thấy nó đi đánh liên minh luôn mà chị”.
A. căng cổ cãi lại: “Mới mơ thấy vào quán net mở máy tính lên thì nghe thấy tiếng kẻng báo thức của trung tâm rồi nên phải dậy, đã kịp chơi gì đâu, không đã gì hết”, A. nói xong cả đám chúng tôi cười vang cả một góc sân.
Sẵn chuyện giấc mơ, B.C.N. (16 tuổi, quê Tây Ninh) mới tâm sự: “Em thì mơ thấy ba mẹ cầm tờ giấy khai sinh của em lên cổng trung tâm rồi đón em về, mà sao tờ giấy không có thấy tên em, thấy mấy số gì không à. Đó có phải điềm xấu không chị?”, nói rồi N. nhìn thẳng vào mắt tôi như cần lắm một câu trả lời.
Tôi hiểu, điềm xấu mà N. nhắc đến là gì. Một cậu bé khuôn mặt “già” nhất đám nhưng luôn lặng người mỗi khi nghĩ về gia đình. Tôi hiểu, trong chính N. cũng đang có cuộc chiến đấu nội tâm. Em đã xa gia đình quá lâu, em nhớ cha, nhớ mẹ, em muốn về quê. Nhưng em cũng muốn được ở lại Sài Gòn, học lấy cái nghề để bươn chải cuộc sống. Hơn hết, nếu về quê em sẽ ở với ai? Người cha không nhà làm thuê rồi ở trên rẫy của người ta, còn về với mẹ thì liệu em có thoát được những đòn roi của người cha ghẻ cay nghiệt em ngày nào? Chính vì vậy mà ngay từ lần đầu gặp cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc về gia đình mắt N. lại rưng rưng, làm lòng tôi cũng nghẹn ngào.
Rồi N. thỏ thẻ: “Lương em chắc được 32 triệu rưỡi, mẹ mà đón em về em sẽ xây nhà cho mẹ, nhà của mẹ bằng gỗ, mối ăn mục hết rồi, nằm nghiêng nghiêng vẹo vẹo nữa, xung quanh phải căng bạt cho mối khỏi ăn”. Càng nghe tôi càng thương cậu bé, khẽ cười xoa đầu em, như một sự chia sẻ.
Khi tôi hỏi dự định sau khi nhận được lương trở về, N.V.T hỏi ngược lại tôi: “Về đâu chị? Có chết cũng không về quê!”. T. cho biết sẽ ở lại thành phố, về sống với người dì rồi đi học sửa xe, “còn quê em chẳng có gì để mà về”.
T. không bao giờ muốn quay trở về quê - Ảnh: Vũ Phượng
|
Câu chuyện về T. có lẽ khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, vì cuộc đời em là một chuỗi những bi kịch. Ngay từ khi em sinh ra, người mẹ đứt ruột đẻ ra em còn có ý định bán em đi, thì ai có thể yêu thương em hơn nữa. Thiếu sự chăm sóc của mẹ, cha lại bỏ bê, vậy nên việc T. không bao giờ muốn quay trở về có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Tôi càng nhói lòng hơn nữa khi nghe được những câu chuyện bên lề, chuyện về người nhà của T., họ không muốn đón em về mà muốn gửi gắm em cho trung tâm để em được học nghề rồi em ra đời.
Tôi nghĩ nếu gia đình của A., N. và T. mà hiểu được những đắng cay, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần mà những ngày tháng qua các em đã phải chịu đựng; cho đến cả hiện tại các em tha thiết mong ngày trở về thế nào, chắc hẳn họ sẽ chạy ngay trung tâm để giang rộng vòng tay, đón các em trở lại với cuộc sống gia đình.
Bình luận (0)