Cô chủ 'tí hon' với tiệm nail nghĩa tình giữa Sài Gòn

14/01/2018 10:16 GMT+7

Có một người phụ nữ khuyết tật dám từ bỏ công việc ổn định chỉ để thực hiện ước mơ là mở một tiệm nail dạy nghề và làm đẹp miễn phí cho người khuyết tật.

Người khuyết tật xin việc đã khó nhưng chị Đào Khánh Đăng Phương (36 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại bỏ ngang công việc với mức lương hấp dẫn để đi học nghề làm nail.
Video: Tiệm nail ý nghĩa của cô chủ tí hon
Không bỏ cuộc
Lúc Đăng Phương chào đời, chị vẫn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng mãi cho đến lúc chị lên 2 tuổi, gia đình vẫn không nhận thấy chị có dấu hiệu biết đi. Lúc ấy, gia đình mới đưa chị vào TP.HCM để điều trị. Các bác sĩ phát hiện chị bị yếu gân, bắt buộc phải mổ. Gia đình chị chuyển hẳn từ Gia Lai xuống TP.HCM để tiện cho việc chữa trị.
Đăng Phương (phải) vừa dạy học vừa làm móng cho khách để kiếm thêm tiền mua vật dụng cho các bạn khuyết tật thực hành Ảnh: Phan Định
 
Sau ca mổ, chị Phương trở về và bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên, nhưng vẫn rất yếu ớt. Tình trạng này kéo dài suốt hơn 2 năm sau đó, khiến chị phải một lần nữa lên bàn mổ. Không may ca mổ lần này thất bại khiến từ đó chị không còn phát triển chiều cao được nữa.
Chị tâm sự: “Năm 5 tuổi, tôi được ba mẹ đưa vào TP.HCM để mổ chỉnh lại gân. Sau đó tôi đi được, chạy được trên những chiếc xe nhỏ nhỏ, nhưng vẫn rất chậm chạp và yếu hơn so với các bạn cùng trang lứa. Sau ca mổ thứ 2, tôi bị đau chân dữ dội, khi đến tái khám thì bác sĩ nói do biến chứng từ ca mổ mà tôi không thể cao thêm được nữa”.
Tuy mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng Đăng Phương lại học rất giỏi. Chị tốt nghiệp ĐH Khoa Học Tự Nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhưng đến khi xin việc thì không nơi nào nhận vì lý do ngoại hình. Sau đó, chị quyết định bỏ hết và bắt đầu lại với ngành kiểm toán quốc tế, vì chị nghĩ nghề này không đòi hỏi phải đi đứng nhiều. Nhưng kết quả bằng không, chị vẫn không thể xin được việc chỉ vì đôi chân không giống như bao người.
“Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, từbạn bè đến thầy cô đều rất đồng cảm với tôi. Họ không bao giờ làm tôi buồn nên tôi không có chút nào gọi là mặc cảm. Cho đến khi đi xin việc thì tôi thật sự bị áp lực, vì đi đến đâu cũng bị từ chối”, chị Phương bộc bạch.
Sau nhiều lần thất bại, chị vẫn quyết tâm học tiếp một số chứng chỉ quốc tế với mong ước tìm được công việc phù hợp hơn. Học xong, chị lại tiếp tục hành trình xin việc ở nhiều nơi. Lần này, may mắn đã mỉm cười với chị khi được nhận vào làm việc tại Công ty Sách thiết bị trường học TP.HCM.
Làm được 2 tháng, một niềm vui khác lại đến với chị khi chị được mời phỏng vấn làm việc tại một công ty thiết kế nữ trang, một môi trường làm việc mà chị hằng mơ ước với lương 500 USD/tháng.
“Sau khi làm được 5 năm thì công ty chuyển đi nơi khác, vì không tiện đi lại nên tôi xin nghỉ và chuyển sang làm việc tại công ty IT. Tôi chỉ mới nghỉ việc tại đó để mở tiệm nail này”, chị Phương chia sẻ.
Nghỉ kế toán, học làm nail
“Đó cũng là cái duyên mà cách đây 2 năm tôi được mời dự thi tại một show thời trang dành cho người khuyết tật. Khi tham gia chương trình tôi đã gặp gỡ được rất nhiều chị em khuyết tật giống như tôi. Họ cũng được đi học và làm việc như người bình thường, nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi thấy hầu như ai cũng đều tỏ ra tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình”, chị Phương nhớ lại.
Phụ nữ ai mà chẳng thích mình đẹp, vậy tại sao những người khuyết tật lại không thể làm điều đó. Suy nghĩ đó đã thôi thúc Đăng Phương từ bỏ công việc hiện tại với mức lương tốt, chỉ để học làm nail với ước muốn chắp cánh ước mơ cho những người khuyết tật.
Chị Phương nói: “Mặc dù tôi có công việc tốt, thu nhập cao nhưng khi đến những nơi làm đẹp thì bản thân tôi lại thấy có một khoảng cách nào đó, không thoải mái. Những ánh mắt kì thị, chê bai khiến bản thân tôi vẫn phần nào mặc cảm”.
Không thể đợi thêm được nữa, ngay khi kết thúc khóa học nghề, chị mở một tiệm nail nhỏ tại chính căn nhà của mình. Tất cả đồ dùng trong tiệm đều được chị thiết kế phù hợp cho cả người khuyết tật. Từ chiếc ghế, chiếc bàn cho đến chiếc gường để khách nằm gội đầu cũng đều được chị vẽ mẫu theo phong cách “nhỏ xinh”, nhằm tạo một không gian gần gũi cho những vị khách tới làm đẹp lẫn học trò khuyết tật trong tương lai của chị.
“Ở những chỗ khác, thay vì những người khách khiếm khuyết về cơ thể phải đứng để làm móng, gội đầu vì ghế quá cao không thể ngồi được, thì tại đây họ sẽ được ngồi để làm vì tất cả đồ dùng đều được tôi thiết kế phù hợp cho họ. Từ đó, họ sẽ thấy gần gũi hơn”, chị Phương chia sẻ.
Vì tiệm nail của chị nằm khuất sâu trong hẻm, ít ai biết đến nên chị đã nhờ chính quyền địa phương, hội chữ thập đỏ, thậm chí chị còn đến các trung dạy nghề cho trẻ em khuyết tật để động viên các bạn đến học nghề tại tiệm của chị.
“Dạy nghề cho các bạn khuyết tật rất khó khăn, đòi hỏi bản thân người thầy phải kiên nhẫn, mềm mỏng tránh làm các bạn tổn thương”, chị nói về một quy tắc tâm lý mà bản thân luôn luôn phải nhớ.
Trước tiên chị sẽ soạn kỹ một quyển giáo án chi tiết từng công đoạn làm nail, gội đầu, massage mặt… Sau đó chị sẽ in ra phát cho các bạn tham khảo. Các bạn sẽ được học lý thuyết đi đôi với thực hành để khỏi bị nhàm chán. Ngoài ra, các bạn khuyết tật đến tiệm học nghề đều được chị tài trợ toàn bộ chi phí mua vật dụng để thực hành như: móng tay giả, nước sơn, kìm…
Hiện tại, Đăng Phương đang dạy nghề cho một bạn câm điếc và nhận làm đẹp miễn phí cho các cặp đôi khuyết tật cưới nhau. Chị Phương cười nói: “Tôi mong muốn được giúp nhiều bạn khuyết tật hơn, vì tôi mở tiệm này là để dành cho họ mà”.
Đăng Phương hướng dẫn học trò thực hành cắt da vỏ chanh trước khi cắt trên da thật Ảnh: Phan Định
Việc dạy cho các bạn câm điếc rất khó khăn vì tất cả phải trao đổi qua giấy viết Ảnh: Phan Định
Các vật dụng đều được chị thiết kế theo phong cách “nhỏ xinh”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.