(TNO) Đó là một câu hỏi mà tôi mong mọi người sẽ cùng tôi trả lời sau khi nghe tôi kể về trải nghiệm của tôi trong hai môi trường giáo dục khác nhau ở Việt Nam và New Zealand.
Tới New Zealand học, tôi thực sự bất ngờ khi thấy trường học hoàn toàn không có lớp trưởng, cũng không được chia tổ - Ảnh: Shutterstock
|
Tôi từng học tại một trường dân lập ở Hà Nội. Lớp tôi có 30 bạn được chia ra làm 4 tổ. Trong lớp có một lớp trưởng, một lớp phó, một quản ca; mỗi tổ có một tổ trưởng, một tổ phó, mỗi bàn còn có một bàn trưởng (gọi là cán bộ lớp). Viết đến đây tự nhiên tôi nghĩ sao lớp của tôi hồi đó giống như một trại lính với nhiều cấp bậc sỹ quan thế chứ. Ở trong lớp cô giáo đặt ra rất nhiều quy tắc và các bạn “cán bộ lớp” nói trên là những người được phân công giữ gìn nền nếp trong mọi việc như học tập, văn nghệ, thể thao, vệ sinh, xếp hàng, giữ trật tự… Các bạn được giao làm cán bộ oai lắm, họ như những người gác ngục còn những học sinh bình thường như tôi là tù nhân, họ luôn bảo cho chúng tôi làm việc này, cấm làm việc kia nếu không sẽ bị mách cô và bị trừng phạt.
|
Tuy nhiều cán bộ như thế nhưng lớp chúng tôi thực giống tổ ong, nhộn nhạo ồn ào bất cứ khi nào có thể. Chẳng mấy bạn có ý thức tự giác làm những việc mình cần làm, cứ như thể chúng tôi chẳng phải chịu trách nhiệm gì về hành vi của mình vậy. Lớp tôi giống như giao thông trên đường phố Hà Nội, nếu có cảnh sát giao thông thì mọi người dừng lại trước đèn đỏ, nếu không có cảnh sát thì lại mạnh ai nấy đi.
Khi chuyển sang New Zealand học, tôi thực sự bất ngờ khi thấy trường học hoàn toàn không có lớp trưởng, cũng không được chia tổ, chia bàn. Tất cả học sinh trong trường đều bình đẳng như nhau. Chúng tôi không ai phải chịu trách nhiệm về hành vi của bất kỳ ai ngoài chính mình. Điều này làm tôi ngạc nhiên lắm. Ở lớp các thầy cô là người chịu trách nhiệm duy nhất về việc học và các hoạt động khác của chúng tôi ở trường. Họ hiếm khi nói to và tôi chưa từng nghe thầy cô nào lớn giọng quát nạt học trò. Các thầy cô thường dành thời gian nói chuyện riêng với chúng tôi nếu ai đó mắc lỗi, đặc biệt là khi chúng tôi có mâu thuẫn với nhau. Họ thường phân tích, giảng giải để chúng tôi tự nhận ra đúng sai và tự mình điều chỉnh, tự làm lành với nhau. Các thầy cô không bao giờ đóng vai trọng tài cũng không phán xử bất kỳ ai trước mặt các bạn khác.
Khi vào giờ học, hầu như không ai nói chuyện riêng hay làm gì đó ảnh hưởng tới người khác. Chúng tôi được dạy cách nói đủ để người khác nghe và lắng nghe khi người khác nói nên ngay cả những giờ học cần phải tranh luận trong lớp vẫn không ồn ào. Dù không ai cần nhắc nhở ai nhưng cứ sau giờ học là chúng tôi lại cùng nhau thu dọn bàn ghế, dụng cụ học tập, giúp thầy cô tắt máy tính và sắp xếp mọi thứ ngăn nắp trước khi ra khỏi lớp để về nhà.
Dù không ai nhắc nhở nhưng chúng tôi luôn có ý thức cao trong việc học tập và sinh hoạt - Ảnh: Shutterstock
|
Chắc các bạn sẽ tò mò muốn biết vậy chúng tôi không biết cách tự quản sao? Thực ra là có, chẳng hạn tôi là người đam mê hip hop, tôi muốn lập đội nhảy để luyện tập cùng các bạn có chung sở thích. Tôi đã nói với thầy giáo rằng tôi muốn làm việc đó và trình bày ý tưởng của mình như: bao nhiêu bạn sẽ tham gia, tập vào những giờ nào, ở đâu, chọn nhạc gì, sử dụng loa đài ra sao… Thầy giáo đồng ý và tôi trở thành người phụ trách nhóm nhảy của trường.
Một nhóm khác tự nguyện tham gia điều khiển giao thông hằng ngày vào trước và sau giờ học ở đoạn đường trước cổng trường để học sinh đi bộ sang đường an toàn. Các bạn này thường phải đến sớm và về muộn hơn những học sinh khác, họ tự phân công công việc với nhau sao cho nhịp nhàng. Thầy cô và nhà trường hầu như không phải tham gia vào việc điều phối này. Tương tự như vậy, các bạn khác có thể đề xuất ý tưởng họ thích và phụ trách việc thực hiện nó. Chúng tôi thường tự tìm cách giải quyết những vấn đề của nhóm mình và khi nào thực sự cần giúp đỡ, người phụ trách nhóm sẽ gặp thầy cô để trao đổi. Đó là cách chúng tôi tự quản ở trường học.
Qua những gì tôi vừa kể ở trên, liệu các bạn có đang tự hỏi mình rằng vì sao lớp học cũ của tôi ở Việt Nam cần nhiều người giám sát kỷ luật vậy sao lớp học vẫn không có kỷ luật và vì sao trường học ở New Zealand không có lớp trưởng mà lớp học vẫn được tổ chức tốt? Theo các bạn thì CÓ LỚP TRƯỞNG ĐỂ LÀM GÌ?
Bình luận (0)