Xin đừng làm giáo dục ở trên mây!

17/07/2015 10:38 GMT+7

Thành lập Hội đồng tự quản học sinh, có các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký hội đồng…? Chỉ có thánh may ra mới có thể nói cho các em 6 - 7 tuổi hiểu những điều mà cả thầy cô cũng chưa dễ gì hiểu và làm được.

Thành lập Hội đồng tự quản học sinh, có các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký hội đồng…? Chỉ có thánh may ra mới có thể nói cho các em 6 - 7 tuổi hiểu những điều mà cả thầy cô cũng chưa dễ gì hiểu và làm được. 

Xin đừng làm giáo dục ở trên mây!Đây là hình ảnh mà dân mạng hình dung ra một khi dự thảo biến lớp trưởng thành chủ tịch hồi đồng tự quản học sinh được thông qua - Ảnh chụp màn hình Facebook
Lâu lâu, chúng tôi lại tổ chức bàn tròn cà phê thế sự với mấy người bạn nước ngoài biết tiếng Việt và cả Việt kiều. Lần nào cũng vậy, nói chuyện gì thì cuối cùng và rôm rả nhất vẫn là giáo dục.
Các bạn Việt Nam thì than thở về những nỗi khổ của con cái. Từ chương trình học, sách giáo khoa cho đến gíao viên. Con cái phải học quá nhiều thứ, đứa nào cũng cận thị và lệch vai. Có bạn còn đùa là trẻ con bây giờ đi học như khổ sai. Biết vậy nhưng hiếm ai đủ dũng cảm làm khác để con cái bớt khổ.
Các bạn nước ngoài cho rằng nếu chỉ xét về chương trình và nội dung thì học sinh Việt Nam giỏi nhất thế giới, không thần đồng thì cũng bác học. Bạn dẫn chứng “Chẳng nước nào mà học sinh lớp 1, mới 6 tuổi đầu, đã được học vẹt các thuật ngữ lãnh đạo”. Nghe bạn nói, giật mình, thấy nhiều khi mình cũng có lỗi. Trẻ con có ngôn ngữ riêng theo lứa tuổi. Thay vì được học những việc cụ thể, gần gũi thì bay bổng với những thuật ngữ trừu tượng như tổ quốc, đồng bào, lao động, phấn đấu, giai cấp, bình bầu, phát biểu… Đến ba mẹ các em, nhiều người là lãnh đạo mà hỏi về các thuật ngữ này cũng ấm ớ. Hiểu nhưng diễn đạt thì khó.
Các em trở thành những ông, bà cụ non, từ cách nói năng, đi đứng, hát hò đến suy nghĩ. Các em thường bị mắng “Đồ con nít”, “Con nít biết gì!” nhưng lại được ngành giáo dục và cả phụ huynh buộc phải học và hành xử như lãnh tụ. Chỉ một chiều áp đặt chủ quan và phi lý, không thèm đếm xỉa gì tới nhu cầu, nguyện vọng và cả tâm lý các em. Tuổi thơ của trẻ em Việt Nam bị đánh cắp, không bao giờ được là mình, càng không thể dám là mình. Dạy Văn mà có bài mẫu thuộc lòng, thang điểm chi li như toán lý, cứ “đồng phục” cả trong suy nghĩ thì đừng mơ sáng tạo.
Gần đây, dự thảo điều lệ trường Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại dậy sóng với những qui định trong… mơ. Kinh ngạc nhất là việc thành lập Hội đồng tự quản học sinh, có các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký hội đồng… nhằm “đề cao trách nhiệm, sự chủ động và tính dân chủ trong học tập của học sinh”. Còn hơn chuyện như đùa của Aziz Nesin. Chỉ riêng tên gọi đã phát hoảng, là biết ngay những người soạn dự thảo hoặc không phải trong nghề, hoặc “sư phạm ba rọi” và đang ở trên mây. Chỉ có thánh may ra mới có thể nói cho các em 6 - 7 tuổi hiểu những điều mà cả thầy cô cũng chưa dễ gì hiểu và làm được. 
Chưa cải tiến được thì xin giữ nguyên chứ đừng cải lùi dù xã hội ngày càng bức xúc về giáo dục. Tôi không tin những con người như vậy có thể lãnh đạo và cả tham mưu để thay đổi thực trạng giáo dục nước nhà. Không thể đổi mới tư duy bởi cách nghĩ mơ màng trên mây như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.