Chồng vào nhà, vội quay ra vì mùi... nước mắm
Khi quyết định kết hôn, chắc ít ai nghĩ đến vấn đề hợp khẩu vị bao giờ, bởi ai cũng dễ dàng cho đó là chuyện nhỏ. Thường người ta sẽ nghĩ ngay đến những điều cao siêu hơn như tình yêu, sự hòa hợp, môn đăng hộ đối (bao gồm cả ý nghĩa tương đồng về văn hóa, học thức).
tin liên quan
300 khách bay 'chuyên cơ' riêng đến Phú Quốc dự lễ cưới của đại gia Ấn Độ
Chồng tôi người Ấn Độ. Nếu nước mắm luôn nằm trong hành trang của người Việt khắp năm châu, thì người Ấn Độ cũng không thể sống thiếu masala - hỗn hợp gia vị có mặt trong hầu hết các món ăn của họ. Đây là một hỗn hợp được tán mịn từ các loại hạt như ngò, thảo quả, thì là, mù tạc, đinh hương, tiêu, ớt… và còn nhiều nữa, tùy theo mức độ cầu kỳ của người nấu.
|
Trở ngại đầu tiên của chúng tôi chính là việc chấp nhận nhau mùi nước mắm và masala, điều không hề dễ dàng. Tôi nhớ có một bài báo nghiên cứu về khẩu vị cho biết lưỡi của người châu Âu ít “nhạy cảm” với vị nhất, nghĩa là họ sẵn sàng thử và dễ dàng chấp nhận những món ăn mới, còn nhóm châu Á, châu Phi và Nam Mỹ thì thuộc loại “nhạy cảm cao” nên họ có xu hướng gắn bó hơn với những vị quen thuộc và kém hơn trong việc chấp nhận những vị mới. Chúng tôi đều thuộc nhóm kém chấp nhận.
Những năm đầu sống cùng nhau khá khó khăn. Có những buổi chiều chồng tôi đi làm về, vừa đói vừa mệt, mở cửa bước vào nhà lúc tôi đang nấu ăn và nêm nước mắm, thế là chưa kịp bước vào đã vội quay trở ra và chỉ trở về nhà khi chắc chắn mùi nước mắm đã hết.
Đi tìm sự tương đồng để dung hòa
Tôi cũng khổ không kém, mỗi lần về thăm nhà chồng ở Ấn Độ là trong hành lý luôn mang theo một ít gạo và một chai xì dầu (nước tương). Món ăn để sống qua ngày của tôi những ngày ở Ấn là cơm chan xì dầu. Gạo thì người Ấn cũng ăn, nhưng có loại thì khô quá, có loại thì bở quá, tôi không quen miệng. Nhiều lúc gia đình chồng ái ngại thì mình cũng áy náy vô cùng, nhưng không cố được.
tin liên quan
Làm dâu Hàn Quốc, trải qua 3 cái tết xứ người vẫn 'thèm' tết Việt
Để ăn cùng các món cari này, người Ấn ngoài cơm ra còn có các loại bánh làm từ bột gạo, bột mì khá ngon miệng. Và đây chính là mấu chốt mà tôi có thể dung hòa để duy trì bữa ăn gia đình.
Bánh parota - làm từ bột mì, tôi chưa nghĩ ra vị của nó tương đương với loại bánh nào ở Việt Nam, nhưng ăn rất ngon, tôi thường kết hợp món này chấm với bò kho của Việt Nam.
|
Bánh dosa - làm từ bột gạo, giống như kiểu bánh xèo nhưng mỏng hơn và không có thêm màu, nhân hay gia vị, vì người Ấn sẽ ăn cùng các loại cà ri của họ. Tôi thích ăn bánh này chấm nước mắm, hoặc xì dầu.
Idly là loại bánh cũng làm bằng bột gạo, nhìn giống hệt bánh bò của Việt Nam, nhưng thỉnh thoảng người Ấn cũng trộn vào đó dừa khô xay hoặc một chút masala. Đối với tôi nó không ngon lắm, nhưng cũng là một trong những món “cứu tinh” của tôi những ngày ở Ấn.
Idiyappam là những lọn bún tươi thường người Ấn tự làm ở nhà và chỉ làm trước các bữa ăn. Món này nhìn thì rất giống bún tươi Việt Nam nhưng bở hơn, không dai như bún tươi Việt Nam và thường người Ấn cũng trộn một ít dừa khô vào bột trước khi xay ra thành bún.
Đó là những món chính ngoài cơm mà người Ấn ăn hằng ngày.
Kết hợp hai “tội đồ”: nước mắm và masala
Xin kể thêm một chút, người Ấn Độ có một truyền thống rất hay là sử dụng lá chuối để bày các món ăn này. Trong quá khứ, lá chuối được dùng bởi nó to và sẵn có rất nhiều ở miền nam Ấn Độ nên tiện dùng để thay chén dĩa, và vì người Ấn ăn bằng tay nên không gặp trở ngại gì.
tin liên quan
Tết và 1.001 nỗi khổ phụ nữ: Qua Mỹ làm dâu 'khỏe' hơn ở Việt Nam?
Ngoài các món kể trên, tôi cũng tìm thấy thêm một số tương đồng trong ẩm thực của hai nước và thường nấu các món này để thay đổi. Thứ nhất là món cá kho của Việt Nam, nếu khi kho cá tôi cho vào thêm nhiều bột nghệ và bột ớt thì ăn khá giống món cà ri cá của người Ấn. Canh lagim cũng là một lựa chọn tốt, chỉ cần thêm một ít bột nếp hoặc bột sắn để tạo sệt là thành món ăn được yêu thích của cả nhà.
Ngoài ra, chúng tôi còn một món rất đặc biệt, kết hợp cả hai “tội đồ” nước mắm và masala nhưng lại tạo ra một món rất ngon miệng. Đó là món cá chiên kiểu riêng chúng tôi, ướp bằng nước mắm, nhiều bột nghệ, một ít bột ớt, một ít đường và để cho cá ngấm lâu, sau đó chiên giòn lên. Nó trở thành món khoái khẩu của con gái tôi.
Đó là cách chúng tôi giải quyết những “xung đột” về ăn uống. Có vẻ ổn, nhưng dù sao đi nữa cũng chỉ là “chữa cháy” mà thôi. Có những buổi sáng tôi ngồi mơ tưởng đến từng món ăn đặc trưng mà chỉ có thể thưởng thức ở Việt Nam, món bún ốc, bún mắm nêm ăn kèm nem, mì quảng, bánh đúc….
Còn chồng tôi dù luôn tỏ ra "giỏi giang" mỗi khi ăn những món “khó” của Việt Nam và thường vừa ngấu nghiến vừa nói “khẩu vị chỉ là thói quen thôi chứ gì”. Thế nhưng thỉnh thoảng cuối tuần chúng tôi ra ngoài ăn thì anh ấy lại bước thẳng, bước nhanh như ma đuổi đến các quầy đồ ăn Ấn Độ.
Biết làm sao được! Có một câu slogan tôi đọc được trong một nhà hàng của người Philippines rằng “your food and your root are destined to be twins”, nghĩa nôm na món ăn không thể tách rời nguồn cội. Quá hay và quá đúng. Dù sao chúng tôi cũng đến từ những cội nguồn khác nhau.
Bình luận (0)