Từ chối thì sợ mất lòng đồng nghiệp, mua hàng nhiều thì lại eo hẹp kinh tế, nhiều người cảm thấy khá khó xử khi rơi vào tình huống này. Trong một số trường hợp, hành động mời mua hàng liên tục mặc dù đối phương đã từ chối còn được cho là bất lịch sự, thiếu tôn trọng với người khác.
Đưa ra giới hạn rõ ràng
Chị Anh Thư (23 tuổi, ở TP.HCM) cho biết ở công ty chị đang làm, một số đồng nghiệp có "nghề tay trái" là kinh doanh. Người thì bán đặc sản quê hương như tinh bột nghệ, bột sắn dây, mật ong rừng, người thì bán mỹ phẩm, đồ gia dụng, người bán trái cây, sữa tự nấu… Những lần đầu được mời mua ủng hộ, chị cũng sẵn sàng mua một phần cho có tinh thần gắn kết. Nhưng càng về sau, số lần mời mua hàng ngày càng tăng, nhiều lúc khiến chị Thư khó chịu ra mặt.
"Đồng nghiệp với nhau, tôi cũng định bụng mua hàng để động viên và thân thiết hơn. Vì mới ra trường đi làm, tôi nghĩ mình nên tập trung xây dựng các mối quan hệ ở chốn công sở. Nhưng cái gì cũng cần có giới hạn của nó, việc mua hàng là dựa trên tinh thần tự nguyện, không phải là nhiệm vụ của ai. Mời mọc, chèo kéo nhiều lần, đâm ra đôi bên đều khó xử, nhiều khi còn rạn nứt tình đồng nghiệp", chị Thư nói.
Chị cũng cho biết thêm, việc mua hàng là để thể hiện tình cảm chị em đồng nghiệp với nhau. Nhưng người bán cũng nên hiểu, nên biết đâu là điểm dừng chứ đừng chèo kéo quá mức khiến đôi bên đều khó xử.
Ủng hộ đồng nghiệp bằng nhiều cách khác
Anh Ngọc Long (28 tuổi, ở Quảng Nam) cho hay, nếu không có nhu cầu mua hàng, anh sẽ ủng hộ đồng nghiệp bằng một số cách khác. Chẳng hạn như giới thiệu thêm cho bạn bè, người thân, người quen ở phòng ban, bộ phận khác…
"Tôi nghĩ nếu không có điều kiện mua trực tiếp, chúng ta có thể dùng sức để giúp, giới thiệu thêm khách cho đồng nghiệp mình. Nhiều khi đó chính là một lời động viên, an ủi tinh thần rất lớn. Thời buổi khó khăn, ai cũng mong có thêm chút thu nhập để thoải mái hơn", anh Long chia sẻ.
Anh Long có quan điểm, nếu đồng nghiệp mời mua hàng nhiều lần mà mình không có nhu cầu và cảm thấy khó chịu với điều đó, hãy mạnh dạn nói ra. Có thể chia sẻ thật lòng là bản thân không dư giả kinh tế hay chưa cần dùng tới món đồ này. Không nên để khó chịu trong lòng, lâu ngày sẽ sinh ra khoảng cách và rạn nứt tình đồng nghiệp.
Chị Trần Thúy Vân (28 tuổi, TP.HCM) cũng có nói, chị thường hay hỗ trợ đồng nghiệp bằng cách chia sẻ, tương tác với bài quảng cáo của họ trên mạng xã hội của họ. Không có kinh tế thì mình ủng hộ về tinh thần, đều đáng quý như nhau. Chị tin đồng nghiệp cũng sẽ hiểu và thông cảm, vì đi làm thì lương bổng ai cũng như nhau, còn nhiều thứ phải chi tiêu nên không thể mua sắm lung tung.
Chị Nguyễn Ngọc Mai Xuân (34 tuổi, ở TP.HCM) là một giáo viên mầm non, để tăng thu nhập, chị có bán thêm một số loại trà thảo mộc, dầu gội thiên nhiên... Chị chia sẻ, bản thân mình cũng được đồng nghiệp ủng hộ rất nhiều từ những ngày đầu bán hàng. Chị thấy vui và biết ơn vì được mọi người yêu thương nhưng tuyệt đối không vì thế mà lợi dụng, thôi thúc họ mua hàng cho mình nhiều lần.
"Được đồng nghiệp mua hàng ủng hộ là điều mà ai cũng mong muốn. Nhưng bản thân tôi cũng hiểu rõ đó không phải là nhiệm vụ của ai cả, đơn giản chỉ là tình cảm đồng nghiệp dành nhau. Muốn được làm việc trong một môi trường công sở lành mạnh, bản thân mỗi người chúng ta phải cư xử lành mạnh trước đã. Trăm người bán, vạn người mua, chúng ta không nên thúc ép, chèo kèo người khác mua hàng quá lố, kể cả khi họ là người quen, người thân", chị Xuân bộc bạch.
Bình luận