3 năm chuẩn bị cho hành trình 1 năm
Ra trường đi làm được 2 năm, tháng 9.2016, Huỳnh Kiên (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) quyết định xin nghỉ việc rồi một mình đi du lịch lên Đà Lạt để giải tỏa những mệt mỏi, căng thẳng. Sau chuyến đi đó, Kiên bắt đầu viết blog chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Đà Lạt cho bạn bè, từ đó cô gái quê Bến Tre bắt đầu đam mê công việc chia sẻ và dành nhiều thời gian để đi, đi hết tỉnh này qua tỉnh khác.
|
Mãi đến năm 2018, Kiên nhận thấy nếu cứ đi rồi về như vậy thì không biết bao giờ mới đi hết dải đất hình chữ S. Sau khi đã chia sẻ rất nhiều thông tin du lịch trên blog, cô nàng nung nấu ý định viết một cuốn sách du lịch về VN.
tin liên quan
Chàng sinh viên đạp xe xuyên Việt: “Nhiều người nói mình... 'khùng'“Bản thân mình sức khỏe hạn chế nên mình chọn cách sống chậm, đi từ từ để nghe, nhìn, cảm nhận, như vậy khi viết blog chia sẻ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn”, Kiên tâm sự. Hiện tại với chiếc xe máy, một mình Kiên đã đi được 3 tháng trong hành trình 1 năm xuyên Việt. Vừa qua do trúng đợt lũ lớn ở miền Trung gần cuối năm nên hành trình của Kiên bị gián đoạn ở khu vực này và phải di chuyển thẳng ra miền núi phía bắc trước khi quay lại khúc ruột miền Trung.
Mặc dù đã nhiều lần đi phượt, nhưng để bắt đầu cho chuyến đi xuyên suốt 1 năm, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn đã dành 2 tháng để chuẩn bị. Cụ thể là lên kế hoạch đi phượt 1 năm, bao gồm tìm hiểu thông tin về chỗ ở, ăn uống, địa điểm du lịch, khoảng cách giữa các địa điểm...
Trên suốt chặng đường, Kiên vừa đi vừa viết lách và bán đồ đi phượt online để kiếm tiền trang trải suốt hành trình. Để vừa đi vừa làm, Kiên cho biết đã chuẩn bị từ năm 2016. “Lúc đó mình tự lập blog, tự viết, tự chia sẻ. Lâu dần nó thành cái nghề. Từ sự uy tín mình có thể xin được ngủ nhờ. Vậy nên, chuyến đi này nói là chuẩn bị 2 tháng, chứ thật ra, cơ sở thì đã chuẩn bị từ cách đây 3 năm”, Kiên nói thêm.
Một cái tết đáng nhớ
Nhắc về những trải nghiệm tuyệt vời trong suốt 3 tháng qua, Kiên hạnh phúc nhất khi được gặp rất nhiều bạn mới và những người tốt đã giúp đỡ mình.
“Cứ qua 1 ngọn núi, lại nhìn thấy 1 điều mới mẻ. Vùng này giọng nói khác vùng kia, rồi tính cách của mỗi vùng cũng khác nhau. Vui nhất chính là nhìn thấy những phong tục tập quán, những nét văn hóa, những món ăn độc lạ nhất trên đời mà từ trước giờ, nếu không đi thì mình không thể tưởng tượng nổi trên đời lại có nó. Khi lên vùng Tây Bắc, có những con đường mà mình không thể tưởng tượng nổi sẽ phải bước qua. Dốc dựng đứng, đá lởm chởm, có những nơi lầy lội, heo hút, bị té xe mà chỉ muốn cho xe nó nằm yên luôn chứ không muốn dựng nó lên nữa vì bất lực...”, Kiên bồi hồi nhớ lại.
Điều đặc biệt nhất là ăn một cái tết xa nhà nhưng được bù lại được ăn một lần 3 cái tết của 3 dân tộc Mông, Mường và Thái. Kiên kể bữa cơm tất niên của người Mường rất đặc biệt, có những món ăn mà Kiên chưa hề biết như món lá sung cuốn chung với tôm và cá, sau đó chấm một thứ nước chấm lạ của người Mường. Rồi phong cách cúng tổ tiên có tiền thật và cây mía được đặt trên mâm cúng... Mùng 2 được trải nghiệm điệu múa xòe truyền thống của người Thái (ở Mộc Châu, Sơn La), được cầm tay những người xa lạ, nhảy trong vòng tròn, cảm giác này thật sự khó quên.
|
Nhưng Kiên nhớ nhất chính là lúc 8 giờ tối vẫn phải vào tận sâu trong núi chúc tết, đường đi cực khó, Kiên ngã mấy lần. “Nhà dân ở đó không có điện, tối thui. Đến lúc ra về, mình thấy phụ nữ Mông soi đèn trong từng góc đường, rồi trong cả chuồng heo, chuồng gà để kiếm chồng vì những ông chồng say quá chén”, Kiên kể.
“Qua mỗi vùng, lại học được nhiều điều mới mẻ, nó làm phong phú thế giới quan và lòng bao dung của mình. Mình cũng không còn chê đồ ăn chỗ này ngon hay dở, mà miễn có ăn là được rồi. Khi đi qua một vùng miền, thấy cảnh vật quê hương mình đẹp quá chừng, lòng yêu nước dâng trào. Con người ở vùng núi phía bắc đã dạy cho mình rất nhiều thứ, dù họ làm ra không nhiều tiền, nhưng khách miền xuôi lên là họ mở rộng vòng tay đón chào, yêu thương như người nhà. Điều đó giúp mình không còn sống ích kỷ...”, Kiên tâm sự.
Bình luận (0)