Cô gái F0 khỏi bệnh hốt hoảng vì tóc rụng từng mảng: Làm sao để tóc đẹp?

01/11/2021 18:52 GMT+7

Chị H.V hoảng hốt nhìn vào gương mỗi sáng, tóc của chị bị rụng từng mảng, nhiều chỗ trơ da đầu muốn hói. Vì sao F0 khỏi bệnh thường bị rụng tóc, tóc có mọc lại không? Làm sao để mái tóc đẹp lại như trước?

Có mái tóc đẹp là ước mơ của không riêng cô gái nào. Nhiều F0 đã khỏi bệnh rất lo lắng khi tóc của họ bị rụng nhiều

Ảnh minh họa bảo vy

Chị H.V, 29 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM, F0 khỏi bệnh và rời khu cách ly tập trung về nhà được hơn 1 tháng nay. Dù đã hoàn toàn âm tính và đi làm trở lại, nhưng chị H.V đối mặt với vấn đề rụng tóc, chỉ chải tóc nhẹ là tóc cũng rụng. Lúc chị ngủ dậy, tóc cũng rụng đầy trên gối. Chị rất băn khoăn vì sao có hiện tượng này và trong tương lai, tóc có mọc lại không? “Cái răng cái tóc, là góc con người, tóc xơ xác đi khiến tôi càng âu lo”, chị H.V nói.

Tóc rụng, mất ngủ, mỏi mệt

Cùng tâm tư với chị H.V, chị N.T, 28 tuổi, trú đường Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM, F0 đã khỏi bệnh cũng gặp vấn đề tóc rụng rất nhiều. "Tóc tôi rụng nhiều muốn hói luôn. Mỗi lúc gội đầu là thấy rất xót ruột khi nắm trong tay cả nắm tóc. Bên cạnh đó, tôi cũng hay bị đau đầu. Thi thoảng có những cơn đau đầu kéo tới, khiến mình khó tập trung làm việc, năng suất làm việc bị giảm đi nhiều", chị N.T kể.

Anh Trần Hữu Tài, 36 tuổi, trú Q.10, TP.HCM, người sáng lập hệ thống spa và dịch vụ y tế chăm sóc mẹ bầu và em bé Care With Love, thành viên trong gia đình có 9 F0, cả 9 người tự cách ly tại nhà và khỏi bệnh cho biết bị rụng tóc sau khi vượt qua Covid-19 là tình trạng anh gặp ở rất nhiều người thân, bạn bè và những F0 mà anh đã tham gia tư vấn, hỗ trợ cho họ.

“Rụng tóc sau khi F0 khỏi bệnh rất dễ thấy ở các bạn nữ. Vợ tôi, một F0 khỏi bệnh cũng hốt hoảng vì một ngày phát hiện ra mái tóc mình thưa đi rất nhiều. Nhiều bạn than thở là tại sao tóc rụng nhiều đến muốn hói luôn”, anh Tài nói.

Anh Trần Hữu Tài (trái) - F0 tình nguyện đi chở rau củ quả hỗ trợ cộng đồng sau khi khỏi bệnh

nvcc

Anh Hồ Nhật Hà, 32 tuổi, trú Q.12, TP.HCM, F0 khỏi bệnh không gặp tình trạng rụng tóc nhưng anh cho biết, có nhiều bạn gặp tình trạng này. Với riêng anh, vấn đề anh gặp là mất ngủ triền miên sau khi đã hoàn toàn âm tính trở lại. Anh phải thay đổi một số thói quen và dần dần tình trạng mất ngủ đã được cải thiện.

“Ý chí và tinh thần của mỗi người rất quan trọng. Tôi suy nghĩ đơn giản là nếu mình mất ngủ, cơ thể đang muốn nói với mình một điều gì đó. Tôi thức ngắm trăng sao, rồi nghe nhạc không lời, rồi ngồi thiền, đọc sách. Dần dần nằm xuống tôi ngủ được một ít, những ngày sau sẽ ngủ được sâu hơn”, anh Hà kể.

Làm sao để tóc đẹp trở lại?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Hồ Thanh Phong, công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM cho biết một số người thấy tóc bị rụng nhiều hậu Covid-19, có thể là do cơ thể căng thẳng, suy nhược, dinh dưỡng thiếu hụt chất, nhưng điều này không đáng lo ngại. Tình trạng này chỉ là tạm thời, khi dinh dưỡng được hồi phục, tinh thần thoải mái trở lại, tóc cũng sẽ mọc trở lại.

Tập thể thao giúp cơ thể được tiết ra "hormone hạnh phúc"

dạ thảo

Còn anh Trần Hữu Tài cho hay, bên cạnh rụng tóc, lo âu, trầm cảm, nhiều F0 đã khỏi bệnh mà anh vẫn tư vấn cho biết họ cảm thấy sức khỏe yếu đi, ví dụ một số người bạn của anh vốn đang chơi thể thao rất giỏi vẫn chưa thể trở về phong độ tốt như ban đầu.

Anh Tài cho rằng các F0 trải qua những căng thẳng, cam go, cuộc chiến “thập tử nhất sinh” để khỏi bệnh trở về cuộc sống bình thường thì gặp những biến chứng sức khỏe thể chất, tâm lý, dẫn tới lo âu, rụng tóc cũng là điều dễ hiểu.

Giải pháp của gia đình anh Tài, cũng là lời khuyên anh dành cho các bạn trẻ khác, đó là không dùng các loại dầu gội thông thường có nhiều hóa chất, mà quay về với tự nhiên, chăm sóc tóc bằng bồ kết, sả, vỏ bưởi… như trước đây thời “ông bà anh” vẫn thường dùng. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ khoa học, tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Theo anh Tài, để vực dậy tinh thần cho F0 khỏi bệnh, từ đó vui vẻ, bớt căng thẳng hơn, quan trọng nhất là chính mỗi người trẻ cần có những sự kết nối với mọi người, có thể tham gia những nhóm trên mạng xã hội như “F0 không cô đơn”, kết bạn với hàng xóm láng giềng, tham gia các câu lạc bộ cờ vua, yoga… để thấy mình không cô độc. Đặc biệt, các bạn trẻ F0 khỏi bệnh nên chơi thể thao và đừng bao giờ bỏ cuộc, dù bất kể là môn gì, để cơ thể tiết ra "hormone hạnh phúc", từ đó bạn sẽ cảm thấy cuộc sống vui vẻ, có ý nghĩa hơn!

Một số biến chứng khác ở F0 khỏi bệnh

Bác sĩ Hồ Thanh Phong cho hay, bệnh nhân F0 khỏi bệnh có thể gặp một số biến chứng ở phổi, tim, gan, biến chứng xuất hiện các cục máu đông. Nhiều người thấy bị hụt hơi, do phổi bị tổn thương, chưa phục hồi hoàn toàn; tổn thương ở gan, viêm cơ tim (khiến cơ thể cảm thấy mệt, hồi hộp, khó thở)…

Nhiều F0 khỏi bệnh được xuất viện nhưng cơ thể vẫn rất yếu, chưa thể tự đi lại được ngay, phải tập dần dần. Sau khi khỏi Covid-19, người bệnh vẫn cần nhiều tháng để cơ thể hồi phục dần. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 là cần thiết ở các bệnh nhân là F0 sau khi khỏi bệnh, để lắng nghe những lời khuyên từ các bác sĩ.

Đáng chú ý, không chỉ là mệt mỏi, rụng tóc, theo bác sĩ Phong, nhiều F0 khỏi bệnh cũng dễ gặp các biến chứng về tâm lý, cảm thấy lo âu, sợ hãi vì trải qua thời gian căng thẳng trong bệnh viện, khu cách ly, chứng kiến nhiều người bệnh nặng, có người qua đời. Do đó, việc tăng cường kết nối với người thân, cộng đồng, xã hội rất quan trọng để mọi người vượt qua được khoảng thời gian này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.