Muốn nghe tiếng nói của cha, mẹ
Một buổi chiều trong con hẻm trên đường Nguyễn Tiểu La, P.8, Q.10, TP.HCM, Vương Bữu Anh (21 tuổi) đang hì hục cùng các bạn đoàn viên trong khu phố vẽ tranh tường để chào mừng đại hội tại địa phương. Gác lại những nét tô còn dang dở, Bữu Anh mời chúng tôi vào ngôi nhà cách đó tầm 50 m để bắt đầu cuộc trò chuyện.
Căn nhà nhỏ, chỉ cần 3 sải chân ngắn là đo được chiều rộng, đồng thời phải khom người mới đi qua được cánh cửa chính. Vừa ngồi xuống ghế, người phụ nữ mặc bộ đồ thun cũ đưa chúng tôi chai nước với động tác ra dấu kèm theo những âm thanh “ú ớ” trong cổ họng. “Mẹ em mời anh uống nước đó”, Bữu Anh mở lời.
Không chỉ mẹ, cả cha và em gái của Bữu Anh đều bị khiếm thính, câm bẩm sinh. Từ khi lọt lòng cho đến lớn, cô gái 21 tuổi này được dạy dỗ từ bà ngoại. Bữu Anh tâm sự: “Bản thân em cảm thấy may mắn vì được sinh ra với thể trạng bình thường, và cả gia đình ai cũng còn sức lao động, hằng ngày ba mẹ đi làm như mọi người để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ những năm mẫu giáo đến hết cấp 1 em còn được bà ngoại dạy học, nhưng lên cấp 2 thì phải 'tự bơi' và luôn cố gắng hiểu bài tại lớp”.
Câu chuyện của chúng tôi bỗng chùng xuống vì Bữu Anh trải lòng: “Nhiều lúc em rất muốn nghe tiếng nói của cha, mẹ. Mong một lần nghe những lời âu yếm 'mẹ yêu con', 'nay con học sao rồi'. Nhớ lúc còn nhỏ, nhiều lúc em không dám nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ ký hiệu khi đi ra ngoài. Nhìn người khác có cha mẹ giao tiếp bình thường, đôi khi em bị mủi lòng. Nhưng sau này em hiểu ra rằng mỗi con người đều có số phận khác nhau, quan trọng là người đó chấp nhận và đương đầu với số phận của mình như thế nào thôi”.
|
Để tiện cho việc giao tiếp hằng ngày, gia đình Bữu Anh đã sáng tạo một những ký hiệu riêng. “Lúc còn nhỏ ba mẹ làm sao thì em làm vậy riết lớn quen thủ ngữ của ba mẹ luôn. Mà những thủ ngữ đó chỉ là thường nhật chứ không phải trên tivi hay làm. Nói chung em vẫn hiểu, sau này đến lúc em gái của em đi học trên trường xong rồi về chỉ lại cho em và ba mẹ nữa”, Bữu Anh chia sẻ.
Khi được hỏi về người em gái, Bữu Anh nói: “Em ấy đang học ở một trường chuyên biệt tại Q.11, TP.HCM. Vào năm 2008, lúc mẹ mang bầu, cả gia đình ai cũng mong chờ có một đứa con bình thường để cùng nói chuyện với em, nhưng rốt cuộc thì…. Đến năm em ấy được 5 tuổi thì không thấy nói năng gì hết. Đi khám thì mới biết em bị khiếm thính, bị câm. Em cũng lo cho em mình lắm, tuy là cơ thể, trí óc phát triển bình thường nhưng em nghĩ sau này cũng gặp không ít khó khăn trong công việc, cuộc sống…”.
|
Khổ tí nhưng phải ráng
Vào năm 2016, lúc Bữu Anh học lớp 11, một biến cố ập xuống, bà ngoại của Bữu Anh, người duy nhất nói chuyện được với em trong gia đình đã đột ngột qua đời vì căn bệnh phổi quái ác.
Gạt đi những nỗi lo phiền, Bữu Anh tâm sự: “Những ngày kế tiếp em cảm thấy lạc lõng, và cô đơn, em nhớ đến những lời tâm sự của ngoại mà cố gắng từng ngày. Ngoại hay nói với em rằng 'sau này nhớ lo cho ba mẹ vì ngoại cũng già rồi không thể ở bên con mãi… khổ tí nhưng phải ráng, ông trời cho mình chướng ngại như thế thì con phải vượt qua'”.
|
Nghe lời bà ngoại, không để nỗi buồn hay những cảm xúc tiêu cực lấn át trong đầu. Ngoài những buổi đến trường, Vương Bữu Anh còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Bữu Anh chia sẻ: “Lúc còn sống, bà ngoại cũng muốn em có nhiều bạn, ra ngoài giao tiếp xã hội cho biết đó biết đây”.
Bữu Anh khiêm tốn nói: “Khoảng thời gian mới tham gia em nhát lắm vì khả năng giao tiếp kém, rụt rè. Mấy anh chị cũng dạy em nhiều, rèn luyện từ từ… thì em mới dạn dĩ như bây giờ”.
|
Với các thành tích hoạt động tích cực. Vào năm 2017, Vương Bữu Anh chính thức được bầu làm Bí thư KP.3, P.8, Q.10, TP.HCM.
Mong sớm ra trườngHiện tại Bữu Anh là sinh viên năm cuối Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, chuyên ngành giáo dục đặc biệt (gồm dạy trẻ khiếm thính và trẻ chậm phát triển trí tuệ). “Nhìn từ gia đình của mình, em thấy trẻ khiếm thính có thể phát triển bình thường, cười đùa vui vẻ, trẻ bị chậm phát triển trí tuệ thì khổ hơn. Các em không tự phục vụ được, không thể chăm sóc cho bản thân, mà cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn”, Bữu Anh cho biết. “Nhớ những ngày đầu đi thực hành... nhiều trẻ chậm phát triển 'đánh' mình nhưng thật ra chúng đang thể hiện cảm xúc..., đôi khi về bị bầm người luôn. Hiện em mong khi ra trường có được công việc đúng chuyên ngành để giúp đỡ các trẻ kém may mắn, cũng như những bạn giống như các thành viên trong gia đình của mình”, Bữu Anh bảy tỏ. |
Bình luận (0)