Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương cùng bàn cờ vua dành cho người khiếm thị, Nguyễn Thị Hồng mạnh dạn giới thiệu về bản thân và niềm đam mê chơi cờ của mình. Gắn bó với cờ vua từ năm 2014, Hồng bật mí em thích nhất là quân tượng vì tuy nó đơn giản nhưng có giá trị riêng trong mỗi bước đi.
Đã quá quen thuộc với bàn cờ gắn bó với cả chục năm, nên Hồng chỉ mất 1 phút 22 giây để xếp các quân cờ lên đúng vị trí mà không cần nhìn: "Đối với em, chơi cờ cần thiết như việc hít thở hàng ngày vậy. Lúc nào em cũng nghĩ đến cờ vua, kể cả lúc đi ngủ".
Kể về tuổi thơ của mình, Hồng cho biết em là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. "Ngay từ nhỏ em đã biết mình khiếm thị do thoái hóa võng mạc sắc tố, thế nên em rất tự ti về bản thân, em thu mình và không dám chơi cùng ai". Dù không thể nhìn thấy nhưng Hồng rất thích học và khát khao được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Năm 7 tuổi, ước mơ giản dị ấy đã trở thành hiện thực. Mặc dù vậy, năm đầu tiên theo học tại trường ở xã mang lại kết quả không mong muốn, sau nhiều ngày bàn đi tính lại, bố mẹ Hồng quyết định xin cho cô theo học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội. Đối với một cô gái khiếm thị từ quê ra phố, Hồng đã phải nỗ lực hơn người thường để vượt qua những điều kém may mắn của cuộc đời mình.
Môn cờ vua tạo bước ngoặt cuộc đời cô gái 9X
Khi còn chưa biết đến cờ vua, cuộc sống của Hồng là những chuỗi ngày tự ti. Lên thành phố học nội trú một mình từ khi mới 8 tuổi, bố mẹ làm công việc tự do, nhà lại đông anh chị em nên Hồng sớm đã học được cách tự lập. Lúc đó Hồng thấy rất buồn và tủi thân, nhưng khi lớn lên cô nhận ra đây là một điều may mắn. Cô biết ơn vì những tháng ngày đi học xa nhà đã giúp tôi luyện nên một cô gái độc lập, tự tin và mạnh mẽ như Nguyễn Thị Hồng của ngày hôm nay.
Năm 10 tuổi, cơ duyên được tiếp xúc với cờ vua đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời cô gái 9X. Khi nhóm sinh viên tình nguyện của một trường ĐH ở Từ Sơn, Bắc Ninh đến mở lớp dạy cờ vua, Hồng đã đăng ký học và không kỳ vọng nhiều.
Khó khăn nhất đối với Hồng là ghi nhớ các quân cờ vì thị lực không biết đâu là hậu, đâu là xe, đâu là vua nên cô bé Hồng khi đó phải sờ chi tiết và cố gắng ghi nhớ để định hình sự khác biệt của từng quân cờ. Mất 2 tháng để làm quen với điều đó nhưng cô gái 9X chưa bao giờ thấy nản mà càng thấy hứng thú.
Trong một lần thử sức thi đấu cờ vua khi đang theo học văn hóa tại trường THPT, Hồng đã lọt vào mắt xanh của các chuyên gia bởi trình độ và tư duy tốt. Không lâu sau đó cô chính thức đứng trong đội tuyển thể thao người khuyết tật TP.Hà Nội và thường xuyên được đi thi đấu tại các đại hội thể thao thường niên của người khuyết tật.
Giải đấu nào cô gái nhỏ cũng đoạt từ 2 - 4 huy chương, nhưng ấn tượng nhất phải kể đến 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cá nhân và 3 huy chương vàng đồng đội ở ASEAN Para Games năm 2022 tại Indonesia. Đây cũng là lần đầu tiên Hồng được đi thi đấu ở nước ngoài.
Dù gặp nhiều khó khăn, cô gái trẻ chưa một lần cảm thấy nản lòng, ngược lại càng đam mê và quyết tâm để trở nên tốt hơn từng ngày. Càng tìm hiểu sâu, Hồng nhận ra cờ vua giúp mình hoàn thiện tính cách. Cờ vua dạy Hồng về sự kiên trì, tỉ mỉ, biết lập kế hoạch.
Cờ vua còn đưa cô đi nhiều nơi trong nước và quốc tế, đem lại cho cô sự tự hào khi nghe tiếng quốc ca Việt Nam được vang lên nơi đấu trường nước bạn. Và đặc biệt, hơn 10 năm gắn bó, ngôi nhà cờ vua còn giúp Hồng tìm được "một nửa" của cuộc đời mình.
Nhắc về người đồng đội, người bạn đời của mình, cô gái 9X không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Với em, Đạt là người bạn có thể cùng đồng cảm, là đối thủ trong những lần tập luyện, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em trong những giải đấu lớn. Giờ đây, Đạt còn trở thành người bạn đời cùng em đi qua mọi sóng gió". Cờ vua đã se duyên cho đôi bạn trẻ đến với nhau, trở thành điểm tựa cho nhau để đối mặt với nhiều thử thách phía trước.
Sự xuất hiện bất ngờ của huấn luyện viên Bùi Quang Vũ đã mở ra nhiều câu chuyện thú vị về hành trình nỗ lực không nghỉ của Hồng và Đạt. Anh là người thầy không chỉ giúp đỡ hai bạn trẻ về mặt chuyên môn trong quá trình thi đấu, mà còn là người chứng kiến sự cố gắng, sự trưởng thành trên chặng đường theo đuổi bộ môn cờ vua của mỗi người, đặc biệt là câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của cặp đôi này.
Ngoài thời gian tham gia đội tuyển, Hồng và Đạt còn kinh doanh để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện tại, cặp đôi mong muốn làm tốt nhiệm vụ của mình và hy vọng sẽ lan tỏa niềm đam mê cờ vua với nhiều bạn trẻ hơn, đặc biệt là những người khuyết tật.
Bí quyết nào giúp Nguyễn Thị Hồng gặt hái huy chương ở đấu trường quốc tế? Tất cả sẽ được bật mí trong Trạm yêu thương với chủ đề "Cờ vua - Thành tích thi đấu và tình yêu trong đời", phát sóng lúc 10 giờ ngày 15.6 trên kênh VTV1.
Bình luận (0)