Là thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên, Sahra Nguyen tốt nghiệp Đại học
California tại Los Angeles với tấm bằng kép, Nghệ thuật - Văn hóa thế
giới và Nghiên cứu người Mỹ gốc Á.
Cô chia sẻ mình có một sự liên kết nào đó với Việt Nam, vì lớn lên và trưởng thành trong bối cảnh luôn đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Và ý tưởng mang cà phê Việt tới Mỹ đã được nhen nhóm trong một lần cô tham gia loạt phim tài liệu gồm 5 phần vào năm 2016 tại Campuchia. Khi đó, cô quyết định ghé VN để thăm gia đình và tình cờ phát hiện cơ hội khởi nghiệp liên quan đến cà phê, theo tạp chí Fortune.
Trăn trở của cô gái trẻ
“Khi cà phê Việt Nam đến Mỹ, nó đã không còn là cà phê Việt Nam”, cô gái 33 tuổi từng nghe ai đó nói trong một dịp quay về nước, và cô cũng nhận thấy điều đó. Mỗi lần trở lại quê hương, cô thật sự ấn tượng khi tận mắt chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường cà phê tại nước nhà, nhất là trong thời gian gần đây. Thế nhưng, tại Mỹ, văn hóa cà phê vô cùng đặc sắc của Việt Nam lại chủ yếu nằm trong những gói cà phê hòa tan. Danh tính của nó bị phớt lờ và bị đánh đồng như những gói cà phê công nghiệp có mùi vị không khác gì nhau.
Nguyen lớn lên ở TP.Dorchester, bang Massachusetts, gần phía nam Boston là nơi tập trung đông đảo người gốc Việt, nhưng cô lại không hề biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. “Tôi không hề biết điều đó. Trước đây, tôi chưa nghe ai nói như thế cả”, tạp chí Vice dẫn lời Nguyen. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, Nguyen cho hay nhiều người uống cà phê tại Mỹ không hề biết rằng họ đang nhấm nháp thức uống được nhập khẩu từ Việt Nam. Cô nói rằng đa số người nước ngoài hình dung cà phê Việt Nam có màu đen, pha với sữa đặc, giống như một dạng nước uống bình dân chứ không phải là dòng “cà phê đặc sản” cao cấp hơn.
Đưa cà phê hạt sang Mỹ
“Về cảm xúc cá nhân lẫn khía cạnh văn hóa, tôi cảm thấy được nỗi buồn của cà phê Việt Nam khi bị đối xử không công bằng”, cô nhớ lại cảm giác của mình khi đó. Nguyen thấy mình có nhiệm vụ phải lấy lại niềm kiêu hãnh cho một sản phẩm đã bị những nhãn hiệu cà phê chính thống tại Mỹ gạt sang một bên. Năm 2018, cô chính thức mở Công ty Nguyen Coffee Supply (NCS), nhập khẩu hạt cà phê “xanh” hữu cơ trực tiếp từ một nhà nông ở Việt Nam trước khi rang xay tại Brooklyn, TP.New York. Đến tháng 4.2019, Cafe Phin do cô làm chủ đã được khai trương tại một nhà hàng VN ở Lower East Side.
Như Nguyen nói, “tôi muốn cho mọi người ở đây thấy Việt Nam có thể mang đến nhiều hơn là cà phê hòa tan”. NCS cung cấp hai dạng cà phê nguyên hạt: courage, làm từ 100% hạt arabica, và loyalty, 50 - 50 arabica và robusta. Theo nữ doanh nhân trẻ, một phần quan trọng trong nỗ lực nâng cấp tên tuổi cho cà phê VN trên đất Mỹ là phải biết cách xử lý cà phê robusta. Cô chọn những hạt cà phê màu xanh từ thành phố cao nguyên Đà Lạt, và khi rang xay sẽ biến thành màu nâu sẫm, thơm nức mũi. Cà phê được trồng tại hai nông trại khác nhau, nhưng đều là sản nghiệp của ông Ton. Ông là thế hệ thứ 4 trong gia đình chuyên trồng cà phê, nhưng lại là lần đầu hạt cà phê tươi ở vườn ông được xuất ngoại.
Sự hợp tác giữa Nguyen và ông Ton mang đến cơ hội học hỏi cho cả hai người nhưng cũng không hề ít thách thức. “Đây là một ngành công nghiệp rất lâu đời nếu không muốn nói là cổ xưa. Bên cạnh đó, có nhiều trở ngại liên quan đến rào cản ngôn ngữ, thủ tục hành chính rườm rà và cả rào cản văn hóa”, cô cho biết. Đưa hạt cà phê vào Mỹ không chỉ dừng lại ở chi phí và công tác hậu cần, mà còn phải làm việc với Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như tìm môi giới hải quan. Giờ đây mọi thứ đã được khai thông, và Nguyen hy vọng sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Bình luận (0)