Cô Sharik Tovar (17 tuổi) sống ở thị trấn Acacías (Colombia). Cô bị chẩn đoán mắc hội chứng Kleine-Levin, còn có tên gọi khác là hội chứng "người đẹp ngủ trong rừng", theo LiveScience.
Hội chứng "người đẹp ngủ trong rừng" là căn bệnh thần kinh lạ lùng và hiếm gặp. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu hết về căn bệnh này. Ngoài những giấc ngủ kéo dài nhiều ngày, người mắc còn bị tình trạng suy giảm trí nhớ.
Cô Sharik mắc căn bệnh này khi mới 2 tuổi. Trong lúc Sharik ngủ, cứ vài giờ một lần, mẹ cô sẽ đưa thực phẩm đã xay nhuyễn vào dạ dày cô bằng một chiếc ống. Cách này sẽ giúp cô Sharik luôn có đủ dinh dưỡng để cung cấp cho cơ thể.
Giấc ngủ dài nhất của cô kéo dài suốt 70 ngày. Sau khi tỉnh dậy, Sharik đã quên mất khuôn mặt của mẹ mình. Tuy nhiên, cô sau đó đã sớm lấy lại trí nhớ.
Ngoài ra, căn bệnh còn khiến cô gái trẻ có thể bất tỉnh bất kỳ lúc nào. Tình trạng bất tỉnh thường xảy ra vài lần mỗi tuần.
Một số nghiên cứu khoa học phát hiện hội chứng "người đẹp ngủ trong rừng" có tỷ lệ mắc là từ 1 đến 5 người trên 1 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ mắc lại cao hơn ở người Do Thái Ashkenazi, theo LiveScience.
Trước khi rơi vào giấc ngủ, hầu hết những người mắc bệnh đều có sức khỏe tốt. Một nghiên cứu vào năm 2005 cho rằng bệnh thường xuất hiện sau khi người mắc một căn bệnh truyền nhiễm nào đó.
Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết rất có thể tình trạng viêm nhiễm bằng cách nào đó khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô não, dẫn đến kích hoạt hội chứng "người đẹp ngủ trong rừng", theo New York Post.
Bình luận (0)