Tại một góc nhỏ trên con đường Mậu Thân (Q. Ninh Kiều) đông đúc, suốt mấy ngày nay một quầy bắp nướng nhỏ xíu luôn tấp nập khách mua. Chỉ vỏn vẹn một bếp than, trên vỉ là vài trái bắp, khoai đang nướng nhưng thực khách đứng chờ thì rất đông và chờ đợi rất lâu.
Lân la hỏi người mua tôi mới biết, hóa ra họ không đến ủng hộ vì bắp nướng ở đây đặc biệt thơm ngon hay quầy bắp gia truyền lâu đời. Điều thu hút đông thực khách đến thế nằm ở cô chủ quầy đặc biệt. Một cô gái 20 tuổi, bán bắp nướng để chạy thận.
Cô gái ấy tên Nguyễn Thị Hồng Sen ngụ huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Bi kịch ập đến cuộc đời Sen vào năm 18 tuổi em phát hiện bản thân bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Bao ước mơ, bao hoài bão của Sen đều dập tắt chỉ vì căn bệnh hiểm nghèo, khiến em suy sụp, thậm chí em từng nghĩ tới cái chết.
|
|
|
|
Hỏi về xuất thân của mình Sen nghẹn ngào nước mắt nói, “Em sinh ra trong gia đình không trọn vẹn, cha và mẹ em li hôn đều đã có gia đình riêng. Em đang sống cùng cha và mẹ kế. Lúc phát hiện bệnh, em hoang mang vô cùng vì không biết lấy tiền đâu mà chạy chữa bây giờ vì nhà em nghèo lắm chị ơi. Cha em làm thuê cuốc mướn mà chỉ đủ đắp đổi qua ngày…”.
Để có tiền chữa bệnh và lọc thận Sen nhận làm thuê như lặt hạt điều, phụ quán cơm nhưng vẫn không đủ chữa bệnh. May thay được hàng xóm vận động xin được bảo hiểm hỗ trợ chi phí lọc thận. Nhưng vẫn không đủ xoay sở trong thời gian dài. Gần 2 năm trước Sen bắt đầu qua Cần Thơ tìm việc làm, một phần kiếm thêm thu nhập, phần khác gần nơi lọc thận hơn.
“Lúc đầu em đi đi về về giữa Vĩnh Long và Cần Thơ, đoạn đường từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ lọc thận hơn 1 tiếng. Một tuần em phải đi lọc thận 3 ngày vào thứ 3,5,7. Mỗi lần lọc mất 3,5 tiếng mới xong. Lúc đầu em cha em chở em đi lọc thận. Từ ngày có bạn trai em, mỗi tuần anh ấy đều chở em đi”-Sen vừa nướng bắp vừa chia sẻ.
|
Vóc người nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 30kg, trên tay Sen đầy những vết sẹo do lọc thận để lại. Em kể ngày trước em vô cùng mặc cảm, em nghĩ cuộc đời mình có lẽ chỉ đến thế chẳng có ai dám yêu và muốn yêu một người con gái xấu xí như mình.
May mắn mỉm cười khi Sen vừa qua Cần Thơ sinh sống một thời gian thì trong lúc làm việc ở quán cà phê Sen gặp Huỳnh Ngoc Thịnh (24 tuổi), một chàng trai Cần Thơ có ngoại hình ưa hình, cao ráo. Phần thì thương cô gái nhỏ phải tự mình bương chải kiếm sống, phần khác vì cha của Thịnh cũng mắc phải bệnh thận mà ra đi nên chàng trai này vô cùng đồng cảm.
Sau một thời gian dài nói chuyện, nhắn tin với nhau qua điện thoại, hai người đều cảm thấy tâm đầu ý hợp. Mặc dù biết được hoàn cảnh của Sen nhưng Thịnh vẫn quyết tâm gặp Sen và ngỏ lời yêu. Thịnh bộc bạch: “Thật sự ngày ấy em không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản thấy thương, thấy yêu bởi tuy có khiếm khuyết về cơ thể nhưng Sen có một tấm lòng, một tâm hồn và nghị lực sống rất đáng trân trọng. Kỷ niệm tình yêu của tụi em cũng đơn giản lắm. Không quà, không hoa, không những chuyến du lịch đó đây, Dù Sen đi lọc thận, hay về quê nhà lấy bắp lên bán em cũng đi cùng Sen là người đưa đón và chăm sóc Sen mỗi ngày”.
Những ngày không đi lọc thận, cứ 8h sáng Thịnh đều chở Sen về quê lấy bắp, chuẩn bị nguyên liệu bán, tới khoảng 1h chiều dọn hàng ra bán rồi 9h tối dọn về.
Vừa nhanh tay trở trái bắp, miệng Sen vẫn không ngớt lời “Cô ơi chờ con xíu nha, nảy giờ khách mua đông quá con nướng không kịp…Dạ con cảm ơn cô chú đã ủng hộ…”, kèm theo đó là cái cúi người cảm ơn vô cùng lễ phép.
“Hồi lúc trước em bán bắp gần nhà trọ chỗ cảng Cái Cui nhưng bán ế lắm chị ơi, cả ngày trời mà em bán được có 10 trái hà. Vậy mà còn bị trả giá nữa. Trái bắp mĩ em mua vốn hết 6000 đồng rồi vậy mà có người mua 2 trái 10000 đồng em cũng bán luôn để hết hàng sớm. May mắn có mấy anh, chị mạnh thường quân cho em mượn chỗ bán tạm nên giờ em mới bán được đắt như thế này”-Sen tâm sự.
Không giấu nổi sự cảm kích và vui mừng Sen nói, ngày đầu tiên khi dọn qua chỗ mới bán có người mua mở hàng hết 70 trái bắp. Rồi cả tuần nay trung bình em bán gần 100 trái bắp/ngày.
|
Anh Cao Hoàng Khang chủ tiệm sữa bắp Suba là người hỗ trợ cho Sen chỗ bán bắp và xe súp cua để em kiếm thêm thu nhập.
“Đồng cảm trước hoàn cảnh của Sen nên ngoài chỗ buôn bán, tôi cùng bạn bè hỗ trợ cho Sen thêm xe súp cua để em có thêm thu nhập trị bệnh. Em bán tại đây đã được 1 tuần nay và được mọi người ủng hộ rất nhiều. Tôi rất trân trọng nghị lực của em ấy và cả chuyện tình của Sen và Thịnh. Phải thật yêu nhau và đồng cảm rất nhiều thì Thịnh mới có thể chăm lo và yêu thương Sen suốt 2 năm qua. Nhiều lần tôi thấy Thịnh chở Sen đến bán xong rồi chạy đến xưởng tole làm, xong việc chạy về rước Sen. Rồi khi đói hai đứa nhường nhau phần cơm, ly nước…ai mà chẳng xúc động trước cảnh ấy”- anh Khang cho biết.
Ngày đôi trẻ công khai mối quan hệ của mình, có người mừng nhưng có người phản đối. Gia đình Thịnh cũng không bằng lòng cho cả hai quen nhau, có người khuyên Thịnh từ bỏ ý định yêu một người mắc bệnh thận bởi nó như một cái “án tử” được báo trước sẽ đến bất kỳ lúc nào. Nhưng Thịnh vẫn chấp nhận tất cả!
Mối tình đẹp tựa chuyện cổ tích của Thịnh và Sen làm cho họ sáng lên hy vọng về tương lai. Một người bệnh tật hiểm nghèo được một người bình thường chấp nhận yêu thương, cùng đi suốt cuộc đời này.
Bình luận (0)