Võ Thị Xuân Nhi, dược sĩ 24 tuổi tại TP.HCM, mới đây đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi chia sẻ trên mạng xã hội những dòng chữ ông nội gửi cô từ năm 2009. Bức thư gần như bị lãng quên hơn 12 năm qua và mãi cho tới ngày gần đây, Nhi, quê ở tỉnh Tiền Giang, soạn lại giấy tờ để chuyển chỗ ở mới tìm thấy.
Viết cho cháu gái khi mắc bệnh nặng
“Cẩm Sơn ngày 30/2/2009.
Ông nội khuyên con ráng học cho đến Đại học. Để nhờ tấm thân sau nầy. Sau nầy con lớn lên người con gái có chồng con với người ta. Con ráng nghe lời ông nói và ghi nhớ có nghề nghiệp trong tay họ mới coi trọng mình. Ông nội. Võ Thành Đô”.
|
Bức thư chỉ vài dòng nhưng khiến Nhi òa khóc. Dù trang giấy ố vàng qua thời gian nhưng nét chữ vẫn còn rõ ràng. Ông nội của cô đã mất chỉ vài tháng sau đó. Giờ đây, nhìn lại những nét chữ này, Nhi càng nhớ về ông da diết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Nhi cho biết ông nội cô tên Võ Thành Đô, sinh năm 1935 ở tỉnh Tiền Giang. Ông có 10 người con và gia đình ngày xưa thuộc dạng khá giả nên ông thông thạo tiếng Pháp, ông từng kể là được học ở trường dạy tiếng Pháp ở tỉnh Vĩnh Long. Sau này chiến tranh loạn lạc, tài sản ly tán, cuộc sống nghèo khổ hơn nên ông nội làm đủ nghề từ dạy học, cắt tóc, làm nông, đi ghe mua lúa, bán cá...
|
“Ông thường kể tôi nghe ngày đó nuôi 10 người con cực lắm, có hôm còn không có cơm ăn. Sau hòa bình thì gia đình khá giả lại. Tuy nhiên, ông mắc bệnh phổi từ trước, không có tiền điều trị sớm nên bệnh ngày trở nặng”, Nhi nói.
|
Hồi năm 2009, người bác dâu của Nhi là giáo viên được tặng nhiều quà nên mang tặng ông nội mấy quyển sổ đẹp. "Ông nội tặng tôi và bảo: ông nội cho cái nầy, con có cái gì quan trọng thì ghi vô, để dành. Mà khoan, để tao lấy cây viết ghi cho mầy mấy dòng, lấy dùm tao cái ghế để kê", Nhi kể lại.
Lúc đó, Nhi mới học lớp 7 nên những dòng chữ ông viết cũng tạm rơi vào quên lãng và đến tháng 10 âm lịch năm đó thì ông mất.
"Đến nay đã gần 12 năm, tôi soạn hồ sơ giấy tờ vì chuyển chỗ ở thì mới tìm thấy bức thư. Cuốn sổ ông tặng ngày xưa chắc do vẽ bậy nên đâu mất rồi, chỉ còn trang giấy có chữ của ông thì vẫn được xé ra làm kỷ niệm”, Nhi bồi hồi nói.
Nhiều người thắc mắc vì sao tháng 2.2009 có ngày 30, Nhi cho rằng ông bà của cô thường quen dùng ngày âm lịch hơn nên viết thư cho cháu gái, ông cũng để ngày 30.2 âm lịch.
Tờ 50.000 đồng ông cho để mua sách tiếng Anh
Nhi trải qua tuổi thơ thiếu thốn tình thương cha mẹ và được ông bà nội chăm sóc, ẵm bồng, nuôi nấng từ nhỏ tới lớn. Cha mẹ ly dị từ khi Nhi mới lọt lòng, rồi cha lấy vợ mới và có thêm một cô con gái. Khi Nhi hơn 1 tuổi, mẹ ruột của cô qua đời.
Cha Nhi là con út nên gia đình sống chung với ông bà nội. Bất kể gặp nhiều khó khăn về vật chất, ông bà nội cũng cố gắng chăm lo cho Nhi tốt nhất.
“Tuổi thơ thiếu vắng bàn tay mẹ, tôi hay tủi thân và thường lủi thủi một mình. Dù được ông bà nội yêu thương hết mức nhưng nhiều khi chạnh lòng khi thấy người ta có mẹ, rồi bạn bè đi học về được mẹ đút cơm cho ăn, tắm rửa”, Nhi chia sẻ.
Cô còn nhớ như in những buổi chiều, ông nội hay lên cơn suyễn, nhưng nếu khỏe một chút là ông dạy tiếng Pháp cho cô.
"Ở vùng quê xa xôi, ông hay xem tivi, thấy trên đó người ta nói tiếng Anh thích quá liền cho tôi 50.000 đồng mua quyển sách Let’s go để học tiếng Anh. Tôi chỉ giận mình là ngày ấy còn con nít mê chơi nên không hiểu hết ý nghĩa ông muốn gửi gắm qua cuốn sách”, Nhi hồi tưởng.
|
|
Giờ đây, cầm bức thư ông viết cho mình ngày trước, Nhi xúc động lẫn ngỡ ngàng vì những điều ông răn dạy đều đúng. Ông luôn dặn cháu gái phải ráng học lên ĐH, có nghề nghiệp vì khi bà nội mất rồi, không ai lo cho cô nữa, đời đứa cháu gái mồ côi mẹ sẽ khổ.
Nhi học THPT ở trường điểm của huyện Cai Lậy sau đó thi đậu ngành Dược, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM. Được nội và các dì hỗ trợ tiền đóng học phí, Nhi cố gắng đi làm thêm để có tiền trang trải.
Cô nhớ lại ngày xưa, để có 25 triệu đồng cho cháu gái mua chiếc xe máy để đi học, bà nội phải trả góp. Về nhà, Nhi nghe mọi người kể lại “từ ngày Nhi học ĐH, bà nội toàn đi chợ mua khô về ăn”, nước mắt cô cứ trào ra.
Sau 5 năm ĐH, Nhi lấy bằng dược sĩ và mở một tiệm thuốc ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM, có thể tự lo cho bản thân mình. Cô thầm nghĩ ông nội không còn trên đời nữa nhưng chắc chắn là ông sẽ vui khi thấy cháu gái trưởng.
|
|
Ai còn ông bà, xin hãy biết trân trọng
Không ở quê nhà, nhưng bữa cơm nào ở TP.HCM, Nhi cũng để thêm một chén cơm bên cạnh, đón ông nội về ăn cùng cô. Chỉ còn bà nội, từ TP.HCM về thăm bà chỉ mất 2 tiếng chạy xe máy, nên lúc nào có thời gian rảnh là Nhi về thăm bà.
Bà nội năm nay đã 86 tuổi và lúc nào Nhi cũng lo sợ một ngày nào đó, bà cũng sẽ ra đi giống ông. “Do đó, ai còn ông bà, xin hãy trân trọng những tháng ngày được ở bên cạnh họ. Tôi luôn nghĩ tình cảm gia đình không thể mua lại được, đừng để nó thành dĩ vãng rồi mới nuối tiếc", Nhi nói.
"Nếu chưa về thăm ông bà được, hãy nhấc máy và gọi điện thoại, hỏi thăm ông bà đã ăn cơm chưa, đã xem phim chưa, đang làm gì đó... Các bạn trẻ đừng nên bảo ông bà, cha mẹ mình là "quá phiền", "nói nhiều"... khi họ dạy dỗ mình. Sau này ngẫm lại, hai chữ “giá như” cũng chẳng thể nào giúp bạn quay ngược về quá khứ”, cô gái vừa tìm thấy thư ông nội bộc bạch.
Bình luận (0)