Cô gái trẻ sống khỏe với nghề tay trái...

03/04/2022 06:01 GMT+7

Làm nhân viên văn phòng, mỗi buổi tối và cuối tuần Lê Bảo Ngọc (27 tuổi, ngụ tại TP.Kon Tum) đi xin quần áo cũ, vải vụn về may túi xách, ví cầm tay... và sống khỏe với nghề tay trái.

Chỉ từ nghề tay trái này, Ngọc có nguồn thu sống thoải mái hằng tháng mà không cần dùng đến tiền lương.

Làm linh tinh đăng khoe Facebook, ai ngờ kiếm được tiền

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Ngọc về quê ở Kon Tum làm việc. Công việc văn phòng khá nhẹ nhàng, chỉ làm giờ hành chính và không có việc phát sinh ngoài giờ nên mỗi tối và cuối tuần đều rảnh, Ngọc bắt đầu may vá.

“Mình có đứa bạn chuyên về thêu, ngỏ ý muốn học nên bạn đó thêm mình vào một nhóm học hỏi thêu thùa may vá trên Facebook. Lúc đầu, mình thêu vài hình nhỏ xinh trên áo thun tặng bạn, rồi thêu khung tranh linh tinh đăng khoe Facebook thì được bạn học chung lớp đại học để ý 1 bức tranh và muốn đặt 50 tranh thêu để tặng khách hàng. Nhưng lúc đó vì không đủ khả năng nên mình chỉ nhận làm 13 khung. Bắt đầu từ đó, mình mới kiếm thu nhập từ công việc này chứ thực ra lúc đầu chỉ muốn làm để giết thời gian”, Ngọc chia sẻ.

Từ ý định “giết” thời gian buổi tối và ngày cuối tuần, Bảo Ngọc giờ có nguồn thu ổn định với may đồ tái chế

NVCC

Hỏi Ngọc về năng khiếu may vá, Ngọc thừa nhận là do “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Cô gái trẻ kể: “Mẹ mình là thợ may từ năm 1994 tới giờ. Lúc nhỏ, mình có hẳn 1 bộ sưu tập quần áo búp bê tự may đủ thể loại. Mình nhớ hồi đó đi thi hoa hậu búp bê trong xóm mà búp bê của mình lúc nào cũng được giải nhất nhờ trang phục do mình tự may. Hồi đó mình mơ ước làm nhà thiết kế thời trang, mà càng lớn vẽ càng xấu nên đam mê cũng dần biến mất (cười)”.

Sau đơn hàng đầu tiên từ việc may vá thêu thùa linh tinh, Ngọc bắt đầu nhận thêu lên áo thun, áo sơ mi, mũ, túi xách và làm thêm vài chiếc kẹp tóc theo yêu cầu của khách.

Nhưng vì có niềm đam mê rất lớn đối với các vấn đề về môi trường nên khi đọc được một bài viết về các sản phẩm tái chế, Ngọc như tìm thấy đúng con đường mình cần đi. Thế là cô nàng bén duyên và chuyển hướng sang may các món đồ tái chế từ đồ jean cũ và vải vụn.

“Mình đã có ý thức về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng bao bì từ khi còn học đại học. Lúc đó mỗi lần đi mua quần áo, mình sẽ cho luôn vào ba lô hoặc cốp xe, mua nước thì mình có sẵn túi vải cộng với ly bột tre mang theo… Cũng nhờ vậy mà mình rất ấn tượng và luôn bị thu hút với các bài viết về sản phẩm tái chế”, Ngọc kể và chia sẻ thêm: “Sau khi có ý định theo sản phẩm tái chế, mình bắt đầu lục tung YouTube và Google để tìm đọc và xem các clip hướng dẫn may ba lô, túi xách, ví vải. Thời gian đầu cũng nhiều khó khăn, phải vừa may vừa xem hướng dẫn vì không biết ráp sao cho hợp lý, nhưng nhờ kiên trì, làm một thời gian thành quen. Mình cố gắng để tận dụng nguồn nguyên liệu thừa trong may mặc, may thành những sản phẩm nhỏ xinh mà hữu dụng”.

Sản phẩm tái chế đầu tiên của Ngọc là ba lô, nhưng may ba lô là khó nhất, đến bây giờ Ngọc vẫn chưa thể hoàn thiện được. “Sau đó, mình suy nghĩ sao không làm từ cái dễ đến cái khó, thế là quay ngược lại bắt đầu từ may những thứ dễ hơn như ví. Những chiếc ví đầu tiên mình may từ đồ jean cũ của bản thân, sau đó mình may thêm bằng vải canvas vụn”, Ngọc nhớ lại hành trình khởi điểm.

Các mẫu ví, túi xách từ đồ jean cũ và vải vụn của Ngọc

Sản phẩm không đụng hàng

Cứ thế, mỗi ngày khi đi làm về, tranh thủ buổi tối và ngày cuối tuần, Ngọc lân la đi xin đồ jean cũ từ bạn bè và người thân để về may. Đợt vừa rồi vì vải jean không đủ may ví trả đơn cho khách nên Ngọc cũng mua thêm vải vụn từ các nhà may theo ký để về may đồ tái chế.

Cô gái trẻ cho biết sau khi đi xin và thu gom quần áo cũ về thì sẽ giặt sạch trước khi may, sau đó tận dụng hết tất cả các phần của đồ cũ có thể sử dụng mà không bị quá cũ, mòn rách. Còn đối với vải vụn, có những mẩu vải chỉ vừa được 1 chiếc ví hoặc không đủ để may thì Ngọc cũng không vứt bỏ mà gom lại để may lót ly.

Ngọc thích tái chế vì các sản phẩm tạo thành không đụng hàng và không phải kiểu sản phẩm được sản xuất hàng loạt, nên mỗi sản phẩm tái chế luôn cho khách hàng cảm nhận rất hài lòng và ưng ý. Cũng nhờ thế mà lượng khách tìm đến các sản phẩm của Ngọc ngày càng nhiều.

Hiện tại, các kênh bán hàng của Ngọc là qua Facebook và trên sàn thương mại điện tử. Mặc dù không chạy quảng cáo, nhưng trên sàn thương mại điện tử Ngọc vẫn có được lượng khách hàng nhất định mà theo Ngọc là do nhu cầu và sở thích nên mọi người tự tìm đến với các sản phẩm handmade dễ thương của mình.

“Hiện mình có fanpage trên Facebook là “Nhà của Ran - Handmade&Embroidery”, hầu hết các sản phẩm mình cập nhật và bán trên đó. Mình cũng hoạt động tích cực bằng trang cá nhân, mình hay bình luận với đăng bài trong các nhóm thêu thùa may hay các cộng đồng xanh, và nhận được sự ủng hộ của khách hàng rất nhiều. Từ đó, mình có được nguồn thu ổn định với nghề tay trái này”, cô gái trẻ chia sẻ cách thức tiếp cận khách hàng.

Ngọc cho biết cô nàng khá tin tưởng vào công việc này vì theo Ngọc hiện nay lượng khách có nhu cầu và kiến thức về đồ handmade là rất lớn. “Mình cứ làm bằng hết tâm huyết của mình rồi đưa sản phẩm lên, mọi người cảm thấy ưng ý và phù hợp sẽ rước liền thôi”, Ngọc hài hước nói và “bật mí” thêm: “Hiện khách biết đến các sản phẩm của mình đã nhiều hơn, có khách quay lại ủng hộ thêm, mua tặng bạn bè, rồi cũng có khách giới thiệu bạn bè mua. Hiện tại, mình đang làm vì sở thích, làm giàu thì cũng chưa nghĩ đến nhưng doanh thu từ nghề tay trái đủ để mình trang trải cuộc sống mà không dùng đến nguồn lương chính từ công việc văn phòng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.