Mai Ril khởi nghiệp từ nghề trồng nấm |
NVCC |
Phiêu bạt muôn nơi
Trần Mai Ril (27 tuổi) cô gái nông dân sinh ra và lớn lên ở ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, Huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Năm 2013, Mai Ril rời miền quê sông nước lên TP.HCM học đại học. Ngành mà Mai Ril chọn học là du lịch, nhà hàng khách sạn.
Năm 2017 cô gái quê Cà Mau bắt đầu ra trường. Ril chọn một khách sạn lớn ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) làm nơi thực tập. Thực tập xong, Ril ở lại chính nơi này để làm việc. Từ việc phục vụ phòng, nhà hàng, lễ tân Ril đều đảm nhiệm qua. Tuy nhiên, vì cảm thấy quá nhàm chán với công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày nên Ril nghỉ việc rồi ra Hà Nội du lịch. Không ngờ hơn, Ril lại chọn Hà Nội làm nơi làm việc tiếp theo.
Lại tiếp tục thay đổi, sau 1 năm Ril quay lại TP.HCM cũng làm việc trong ngành du lịch. Tuy vậy, công việc chưa ổn định bao lâu, đại dịch Covid-19 ập đến khiến ngành du lịch “chết cứng”, Ril rơi vào trạng thái mất phương hướng với công việc.
“Lương thì bị cắt giảm, có khi phải nghỉ việc dài hạn. Nhà trọ thì mỗi tháng phải đóng tiền. Đến nỗi đứa em ở chung đang đi học mình cũng không có tiền cho nó. Nhiều lúc nhìn mà buồn lắm”, Ril kể lại.
Ở phòng trọ tránh dịch, Ril không biết làm gì ngoài việc tìm tòi trồng trọt cải thiện bữa ăn. Cô bắt đầu tìm hiểu cách trồng nấm. Tự mua phôi về trồng tại phòng trọ để ăn qua ngày. Từ một hai phôi nấm, Ril lại trồng được hơn hàng chục phôi nấm trong phòng trọ.
Hết giãn cách xã hội cũng là lúc Ril trở nên túng quẫn. Cô luôn suy nghĩ, đắn đo về quê hay bám trụ lại thành phố. Được ba mẹ ủng hộ, Ril khăn gói về quê với những nỗi niềm khó tả.
Nấm linh chi mà Ril trồng được |
“Ở thành phố tôi học được nhiều thứ, tuy có mệt mỏi, bức bối nhưng nó là nơi để rèn luyện mình. Nếu tôi không học ở xa, đi làm xa thì đâu biết được cuộc sống khó khăn để phấn đấu. Đi xa rồi mới biết trân trọng quê hương, cảm nhận được hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, lúc về đó tôi để nung nấu ý định trồng nấm để khởi nghiệp sau khi về quê”, Ril nói.
Bắt đầu từ tay trắng
Ngày rời quê Ril ra đi với hai bàn tay trắng thì ngày trở về Ril cũng trắng tay. Cô luôn nghĩ mình phải làm gì đó để không trở thành người thất bại khi trở về. Thế là Ril bắt đầu bằng nghề trồng nấm.
Khoảng 200 phôi nấm bào ngư được Ril nhập về. Sử dụng khoảng không trống ở nhà sau, Ril bắt đầu trồng thử nghiệm loại nấm bào ngư mà người dân quê không biết nó là gì. Trồng thành công, nhưng chưa có thị trường Ril chỉ mang tặng hàng xóm với giá 0 đồng để quảng cáo. Rồi Ril huy động vốn từ gia đình, ấp, xã nhập thêm hàng ngàn phôi nấm bào ngư khác xây dựng thêm trại trồng nấm phía sau vườn.
Đồng thời lúc này, đã bán được nấm ra thị trường người thân, bạn bè, ở chợ. Lấy công làm lời, Ril tiếp tục phát triển thêm trại trồng nấm phía sau nhà. Ril tiếp cận được nguồn vốn từ hội phụ nữ, ngân hàng chính sách của ấp, xã vài chục triệu.
“Trại đầu tiên của tôi nhập được 3.000 phôi. Trại được làm bằng tre, mái lợp bằng lá dừa, kệ cũng lấy từ cây chặt sau vườn. Những gì tận dụng được ở vườn tôi đều sử dụng”, Ril kể về kỷ niệm ban đầu khi khởi nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ từ, Ril cùng ba xây dựng tiếp những trại nấm tiếp theo. Ril mạnh dạn nhập thêm nấm hồng ngọc, hoàng kim, xoài trắng, xoài xám và linh chi. Trồng nấm cực mà ít lời, mất thời gian, bị “âm” vốn, Ril quyết định bán thêm phôi giống cho bà con nông dân xung quanh. Đồng vốn cứ thế xoay vòng đến khi hàng ngàn phôi nấm của 5 trại nấm được thành hình.
Những sản phẩm nấm của Ril |
Tôi hỏi: "Làm cách nào để bán được nấm và phôi?". Ril cho biết: "Bắt đầu bằng việc bán hàng trực tuyến. Cô đi học thêm các khóa học để tiếp thị sản phẩm và bản thân. Tận dụng những kinh nghiệm học được khi làm việc ở thành phố. Ril biến mình thành cô nông dân 4.0 và nhanh chóng bắt nhịp xu thế".
Ril nói: “Làm nông dân bây giờ phải thay đổi. Không phải nông dân trồng ra sản phẩm rồi chờ người đến mua, như vậy đã tuột hậu với thời đại. Phải tự mình tìm cách cho sản phẩm ra thị trường, và hiện nay công nghệ đã giúp người nông dân mình nhiều hơn”.
Nhờ những thay đổi lớn đó, nấm của Ril đã tiếp cận được với rất nhiều người. Cô chủ động được nguồn nguyên liệu, đầu ra sản phẩm và bắt đầu có nguồn thu lớn từ đó. Hễ ai có nhu cầu, Ril sẽ đóng gói, bán sản phẩm từ nhà vườn đến bàn ăn một cách trực tiếp cho khách hàng mà không cần qua trung gian. Cô nhẩm tính mỗi tháng doanh thu từ nấm đạt từ 50 đến 60 triệu đồng.
Doanh thu cao nhưng rủi ro của nghề trồng nấm cũng không kém. Nếu chăm không kỹ, hái không đúng lúc thì dễ mất trắng như chơi. Đặc biệt phải trồng và cải tạo trại cho phù hợp. “Có lần tôi bị thiệt hại lớn vì là trại không đúng cách, trồng không đúng kỹ thuật”, Ril nói.
Ngoài ra, người trồng nấm rất cực, phải thức khuya, dậy sớm, trông coi và hái từng phôi nấm để giữ độ tươi. Nhưng lúc thời tiết không ổn định, nấm không đâm chồi coi như lỗ vốn.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm bỏ phố về quê lập nghiệp, Ril phần nào thành công với mô hình nhỏ của mình. Tạo được nguồn thu nhập khá cao so với mức sống ở quê cũng như từ trước đến nay.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi mình được về nhà, tạo công ăn việc làm chính quê hương của mình. mang được một khởi nghiệp mới lạ ở quê. Nhất là chia sẻ được những giá trị với các bạn trẻ khác muốn khởi nghiệp với loại hình trồng nấm này”, Ril bày tỏ.
Bình luận (0)