Mạo danh quyên tiền khắp các hội, nhóm
Mấy ngày trước, chị Minh Thùy (quê ở H.Ea Súp, Đắk Lắk) nhận được thông tin từ một người bạn hỏi rằng có hợp tác với ai kêu gọi quyên tiền không và gửi hình ảnh bài viết cho chị. Lúc này, chị mới biết mình bị người khác mạo danh.
“Trước giờ, tôi chưa bao giờ kêu gọi. Tôi có được ủng hộ tiền thật nhưng là từ người quen biết nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp, đề nghị tôi nhận. Số tiền đó, tôi dùng để trả tiền taxi đợt phát khẩu trang và sau đó là mua đồ làm mặt nạn chống giọt bắn. Có bao nhiêu làm bấy nhiêu chứ không kêu gọi quyên góp tiền”, chị Minh Thùy chia sẻ.
Tài khoản mạo danh có tên Nguyễn Hoàng Nam sử dụng hình ảnh phát khẩu trang của chị Thùy làm ảnh đại diện. Tài khoản này đăng tải các bài viết với nội dung kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm quyên góp tiền cho hoạt động may và phát khẩu trang miễn phí của chị Minh Thùy và cộng đồng người Việt tại Nga.
|
|
Cuối mỗi bài viết, tài khoản này để lại số tài khoản Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhưng không để tên chủ tài khoản và chi nhánh. Bài viết đăng trên nhiều trang, hội nhóm người Việt không chỉ ở Nga mà còn Đức, Pháp và Mỹ với cùng một nội dung.
Một vài người bạn của chị Thùy biết được câu chuyện liên lạc với tài khoản này thì có được thông tin cá nhân. Theo đó, chủ tài khoản ngân hàng tên Nguyễn Tiền Tuyên, có địa chỉ thường trú tại TP. Buôn Ma Thuộc, Đắk Lắk. Khi nhiều người bình luận dưới bài viết là lừa đảo, chủ tài khoản gỡ bài ở một số trang và liên lạc với chị Thùy xin lỗi với lý do bị hack tài khoản.
Tuy nhiên, khi chị Thùy nói báo công an, người này lại thừa nhận bản thân đăng các tin trên chứ không phải bị hack. Người này nêu lý do là nợ nần nhiều quá; Nguyễn Hoàng Nam chỉ là tên giả. Người này cũng thừa nhận đã xóa lịch sử trang cá nhân, thay tên đổi họ để dễ dàng thực hiện hành vi của mình.
|
|
"Làm việc tốt cũng khó"
Chị Thùy nói: “Đầu tiên là tôi lo lắng vì không biết hình ảnh và tên đã bị sử dụng bao lâu và có ai bị lừa chưa. Sau đó, tôi rất bức xúc vì họ có thể làm điều thất đức như thế, không nghĩ rằng dịch bệnh cả thế giới đều khó khăn mà còn đi lừa gạt”.
“Rồi tôi thấy buồn và trăn trở. Nhiều người cũng nói muốn làm việc tốt cũng khó, muốn làm từ thiện nhưng cũng không dễ dàng gì. Họ cũng vì thế mà e dè hơn”, chị Thùy nói thêm.
Chị Thùy đã liên hệ với người thân đến trình báo tại Công an huyện Ea Súp (Đắk Lắk) kèm hình ảnh và clip làm bằng chứng.
Công an H.Ea Súp cũng xác nhận với Thanh Niên bạn chị Minh Thùy có đến trình báo vụ việc và hiện cơ quan này đang tiến hành làm rõ.
Tại Nga, cộng đồng người Việt cũng nhanh chóng chia sẻ các bài viết đính chính thông tin của chị và báo cáo tài khoản để các bài viết lừa đảo được xóa đi.
|
|
|
|
“Tôi biết tin là vào 10 giờ đêm hôm trước. Đêm đó thì gần như mất ngủ vì phải viết bài đính chính rồi chia sẻ rộng rãi đến mọi người. Sáng hôm sau, tôi phải dậy sớm xem mấy bài đó đã gỡ hay chưa. Tôi sợ rằng danh dự và uy tín của mình và mọi người bị ảnh hưởng. Và ai đọc bài viết mà chuyển tiền vào thì lòng tốt bị lợi dụng”, chị Thùy tâm sự.
Khi nhận tin nhắn xin lỗi từ tài khoản giả mạo, chị Thùy có chút mủi lòng. Nhưng các thành viên trong nhóm động viên, nói chị phải mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Không chỉ cứng rắn giải quyết vấn đề mà chị còn phải vững vàng tiếp tục các hoạt động tình nguyện.
“Tôi bỏ nhiều công sức nhưng nhận lại nhiều tình cảm. Nhất là tôi cảm thấy thoải mái khi đã cố gắng giúp đỡ mọi người. Vậy nên mấy việc này thì không sao, buồn và thất vọng chút rồi thôi. Vẫn còn nhiều người biết tin tưởng và động viên tôi”, chị bộc bạch.
Bình luận (0)