Cô gái Việt thoát chết trong bão tuyết ở Nepal đã về nước

03/12/2014 16:35 GMT+7

(TNO) Vừa từ Nepal về Việt Nam, Võ Thị Mỹ Linh - cô gái trẻ thoát chết trong cơn bão tuyết ở Nepal vừa qua - đã có cuộc trò chuyện với Thanh Niên Online về những ngày chống chọi với bão tuyết và bày tỏ mong muốn về việc thay đổi cách dạy, học ngoại ngữ hiện nay.

>> Cô gái Việt thoát chết trong cơn bão tử thần ở Nepal


Mỹ Linh kể về những ngày ở Nepal - Ảnh: Trung Hiếu

Linh nói: "Bản thân tôi không phải là người thích đi phượt. Tôi không bao giờ có khái niệm bỏ ra một đống tiền để đi leo núi. Lúc ở Ấn Độ, tôi đã nghĩ phải qua Nepal. Khi qua Nepal, tôi cũng xác định qua phải có mục đích chứ không phải qua để leo núi. Tôi được biết Nepal là đất nước của núi. Tôi muốn sang đây tìm hiểu để mở tour leo núi giá rẻ. Cách làm của tôi sẽ kết nối những dịch vụ giá rẻ cho người leo núi".

Du lịch để học tiếng Anh

* Chuyến đi vừa rồi có phải bắt nguồn từ việc bạn cảm thấy nhàm chán trong cuộc sống? Số tiền dành dụm để đi du lịch 6 tháng ở Ấn Độ và Nepal bao nhiêu?

- Tổng số tiền khoảng 3.000 USD, trong đó riêng tiền vé máy bay khoảng 1.000 USD. Còn 2.000 USD, tôi chia 1.000 USD để sống ở Ấn Độ, 1.000 USD sống ở Nepal. Đây là số tiền tôi dành dụm khi làm việc ở Việt Nam. Đi leo núi, ăn ở rất đắt đỏ nhưng mỗi ngày tôi chỉ dám xài 200.000 đồng vì nhiều hơn tôi không có đủ tiền. Thành phố tôi sống ở Ấn Độ chủ yếu dành cho sinh viên nên hầu như không có khách sạn. Muốn thuê nhà cũng khó vì không ai cho thuê nhà trong thời gian ngắn cả. Cho nên muốn ở phải tìm người ở chung.

Tuần đầu tiên ở Ấn Độ, tôi ở cùng với Huyền Chip. Đi Mumbai, do không rành tiếng Anh nên tôi giống như người câm vậy. Suốt hành trình, tôi gặp rất nhiều người giỏi nhưng do tiếng Anh không tốt nên không nói chuyện được nhiều. Tới Pune, Huyền Chip có người quen nên rủ tôi về ở cùng. Lúc này, tôi nói với Huyền Chip là nếu tao đi với mày thì cả đời tao không học được Anh văn. Mục đích tao bỏ tiền đi là để học tiếng Anh mà. Thế là tôi tự động tách khỏi Huyền Chip. Thậm chí, khi Huyền điện thoại tôi còn tắt máy.

* Ở Ấn Độ 3 tháng, Linh làm gì?

- Chủ yếu tôi học tiếng Anh.

* Nepal hình như không nằm trong lịch trình ban đầu của Linh?

- Đúng rồi. Ban đầu tôi chỉ định đi Ấn Độ. Lúc xin visa Ấn Độ, tôi tính xin 6 tháng nhưng không được.

Không nghĩ bão tuyết lớn như vậy

* Linh có thể kể lại về cơn bão tuyết ở Nepal mà bạn đã trải qua khi leo núi ở đó?

- Đây là cơn bão tuyết lớn nhất ở Nepal từ trước tới nay. Trong số những người thiệt mạng, có hơn một nửa là người Nepal. Cho nên ngay cả người Nepal cũng không lường trước được cơn bão tuyết dữ dội như thế. Ban đầu, tôi tính leo núi vào tháng 10 thì sẽ không dính bão tuyết nhưng rồi có sự thay đổi nên phải dời lại hành trình. Khi ở High Camp, tôi không nghĩ tuyết đến nhanh như vậy. Bởi lúc đó buổi chiều trời vẫn hửng nắng, thời tiết rất đẹp. Chỉ trong một đêm, sáng ra, tuyết đã ngập đến tận đầu gối.


Mỹ Linh lúc ở Nepal - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lý do tôi có thể sống sót là do hồi ở Ấn Độ, tôi có đi học thiền, Yoga và tiếng Anh. Mỗi ngày, tôi lội bộ tới 12 km. Có lẽ là trong thời gian ở Ấn Độ, do ngày nào tôi cũng phải đi bộ đoạn đường dài nên sau này có đủ độ dẻo dai để vượt qua bão tuyết ở Nepal.

* Nếu vậy Linh có thấy sợ hãi khi chứng kiến cơn bão tuyết lớn như vậy không?

- Tôi đã chuẩn bị mọi tình huống. Cộng với trước đó có học thiền, Yoga nên tôi luôn bình tĩnh trước mọi tình huống. Lúc tuyết lên cao, có xe ngựa đi qua, tôi cũng không thuê bởi luôn nghĩ là mình sẽ không chết. Với lại, lúc đó, tôi cũng không có tiền để thuê. Đi leo núi, anh cần phải tính toán leo được bao nhiêu mét. Leo vừa sức chứ không nên leo cao hơn. Phải tính toán quãng đường giữa hai làng để nhắm xem mình có thể vượt qua được không vì giữa hai làng không có nhà cửa để trú ngụ. Nếu có chuyện gì xảy ra coi như tiêu.

Đường leo núi có lúc rất đẹp nhưng có lúc cũng rất nguy hiểm. Tôi không đi nhanh, cứ mệt là nghỉ, không thở gấp vì lên cao không khí loãng, thở gấp rất dễ sốc và nguy hiểm đến tính mạng. Tôi đi chậm nên có lúc bị đoàn bỏ lại, lạc vào thung lũng một mình nhưng tôi không mệt. Tôi cứ đi bộ lang thang, tung tăng cứ như đi chơi vậy.

* Cơn bão tuyết đó như bước ngoặt trong cuộc đời Linh?

- Khi vào Tea House, tôi cũng không nghĩ cơn bão tuyết đó lớn nhất trong lịch sử Nepal. Nhưng khi đi xuống thấy có quá nhiều người chết nằm dọc đường, cứ cách vài bước là một xác chết, tôi mới thấy quả là nguy hiểm.

Dạy tiếng Anh: Việt Nam đang làm ngược

* Trở lại bức thư Linh gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình dạy học tiếng Anh ở Việt Nam. Điều đó có phải xuất phát từ bức xúc do trước đó bản thân mình chưa giỏi tiếng Anh phải đi du lịch ở Ấn Độ, Nepal để rèn tiếng Anh không?

- Tôi thấy mình yếu cái gì thì cải thiện cái đó. Tại sao người Nepal có thể giỏi tiếng Anh như vậy? Có người nói do đất nước này là thuộc địa của Anh nên tiếng Anh họ giỏi. Thực ra không phải như vậy vì giờ có người Anh nào ở Nepal đâu. Có người nói Nepal chủ yếu làm du lịch nên tiếng Anh giỏi, nhưng ở làng tôi làm tình nguyện viên, không có khách du lịch nào hết mà người dân họ vẫn giỏi tiếng Anh. Thậm chí, ở đấy, họ nghèo đến nỗi không có cả điện thoại.

 

Sau khi về nước, ưu tiên hàng đầu của Mỹ Linh là tìm việc làm thích hợp. Cô cho biết sẽ kết hợp với một nhà xuất bản để cho ra đời một cuốn sách mà cô đã viết lúc đang ở Ấn Độ và một cuốn khác viết khi ở Nepal.

Ngoài ra, cô cũng sẽ ưu tiên dành thời gian cho việc tìm kiếm học bổng du học.

Tôi còn nhớ một cuộc thi tiếng Anh tổ chức ở Nepal. Thầy giáo đại diện trường chiến thắng lên nhận phần thưởng là một cuốn từ điển tiếng Anh rất cũ. Anh biết không, người thầy giáo này lên nhận cuốn từ điển một cách rất hân hoan, nâng niu vô cùng. Cảm giác lúc đó rất là xúc động. Tôi nghĩ, ở Việt Nam không có ai dùng cuốn từ điển cũ vậy cả nhưng ở Nepal, thầy giáo đã rất hân hoan, hạnh phúc. Tôi đoán là ông thầy sau đó sẽ truyền cuốn từ điển đó cho cả trường học tập.

Theo tôi nghĩ, người dân Nepal giỏi tiếng Anh không phải vì trước đó là thuộc địa của Anh mà họ có nhu cầu học hỏi để hiểu biết. Trong khi trẻ ở Nepal rất vui sướng đến trường thì lạ lùng là ở Việt Nam mình, một số trẻ em, cha mẹ phải ra điều kiện mua quà, mua iPhone, iPad mới chịu đi học.

* Bức thư của Linh được chia sẻ rất nhiều từ báo chí, cộng đồng mạng. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo có phản hồi gì không?

- Khi tôi gửi, tôi không mong có sự phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Buồn cười nhất là khi báo chí đăng tải bức thư, một số người viết sách giáo khoa lại lên tiếng giải thích. Tại sao người Việt Nam coi tiếng Anh là ngôn ngữ phụ, ngược lại tự hào về tiếng Việt nên cần phải học. Chúng ta đang làm ngược với một số nước. Ở Nepal, người dân tự hào về Nepal nên phải học tiếng Anh để đưa văn hóa đất nước ra cộng đồng thế giới. Họ học không phải để trở thành người Anh hay Mỹ mà để kể về đất nước họ với người nước ngoài.

Tôi viết thư là vì vậy. Chúng ta nên tiếp thu những điểm tốt của sách giáo khoa Nepal. Tôi không cần sự giải thích mà cần hành động, cần sự thay đổi.

Trung Hiếu

>> Về 3 người Việt nghi gặp nạn trong bão tuyết ở Nepal: Anh Thúy đã an toàn
>> Chưa xác định được tung tích người Việt thiệt mạng vì bão tuyết ở Nepal
>> Phát hiện thêm 2 thi thể nạn nhân bão tuyết ở Nepal
>> Còn 3 người Việt kẹt trong bão tuyết ở Nepal
>> Lần cuối tìm người sống sót trong bão tuyết ở Nepal
>> Cô gái Việt kể chuyện sống sót thần kỳ trong bão tuyết
>> Một người Việt thiệt mạng vì bão tuyết ở Nepal
>> Hầu hết sinh viên mất căn bản tiếng Anh
>> Trao giải cuộc thi ‘Hùng biện tiếng Anh’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.