Cô giáo tiểu học: 'Muốn trẻ lâu xin hãy dạy lớp 1'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/04/2023 11:05 GMT+7

Đồng nghiệp đi qua nhiều lớp 1 Trường tiểu học Đạo Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đều ngạc nhiên vì 'Lớp học vui quá'. Các cô giáo tiểu học nơi này nói vui: 'Muốn trẻ lâu xin hãy cứ dạy lớp 1'.

Cô giáo tiểu học: 'Muốn trẻ lâu xin hãy dạy lớp 1' - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1 Trường tiểu học Đạo Đức

VVOB

Học hỏi, trải nghiệm và đã thành công trong mô hình "Học thông qua chơi", lớp học vùng cao của các cô giáo nơi đây luôn có không khí thoải mái, cô hạnh phúc, trò tự tin, ham học.

Từng ngộ nhận

Cô Hoàng Thị Hương, 54 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cho biết ban đầu khá e dè với mô hình "Học thông qua chơi". Cô từng cho rằng "học cho ra học, chơi cho ra chơi", bây giờ lo cho trẻ em chơi thì lấy đâu thời gian để học? Chưa kể cô đã có tuổi, liệu mô hình này có khiến giáo viên phải thay đổi quá nhiều kế hoạch dạy học vốn đã nghiên cứu nhiều năm qua?

"Tôi từng nghĩ là áp dụng mô hình này mình sẽ vất vả hơn rất nhiều. Như là thay đổi cấu trúc bài dạy, thay đổi mục tiêu, thay đổi cách thức dạy học và phải chuẩn bị nhiều học cụ. Tôi cũng nghĩ sẽ phải tổ chức nhiều trò chơi cho các em, nhưng biết lựa trò chơi nào để học sinh chơi vui. Ngộ nhận như thế nên tôi ngại thay đổi. Nhưng khi được tập huấn, nghiên cứu, tôi đã "vỡ" ra nhiều điều. Thậm chí tôi còn nói với đồng nghiệp, muốn trẻ lâu, cứ dạy lớp 1", cô Hương chia sẻ.

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của trường chia sẻ: "Đã có sự thay đổi ở các em học sinh khi tôi ý thức hơn trong việc áp dụng hướng tiếp cận giáo dục mới. Qua các hoạt động học thông qua chơi, học sinh đã mạnh dạn tự tin hơn, chủ động trao đổi, gần gũi với cô giáo hơn. Khi các em mở lòng chia sẻ với cô giáo, tôi cũng có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan tâm và giúp đỡ các ở mức độ sâu sắc hơn".

Cô giáo tiểu học: 'Muốn trẻ lâu xin hãy dạy lớp 1' - Ảnh 2.

Lớp 1 Trường tiểu học Đạo Đức, Hà Giang trong một giờ học

VVOB

Học vần từ trò chơi mô phỏng

Cô Hoàng Thị Hương từng áp dụng trò chơi "mèo và voi" vào tiết học vần khiến học trò thích mê. Tới phần vận dụng sáng tạo, áp dụng vào thực tế và tìm những từ ngữ ngoài bài, cô đã đưa ra hoạt động mô phỏng để học sinh lấy những hình ảnh cụ thể từ cuộc sống hằng ngày để tìm ra được những tính từ có vần vừa học.

Để học trò phân biệt vần "oan" hay vần "oăn", cô Hương mô phỏng hành động khoanh tay và cúi chào, học sinh nhìn thấy vào hành động đấy sẽ bảo rằng đây là một bạn rất ngoan ngoãn, lễ phép vì khi nhìn thấy một người lớn tuổi hơn thì bạn đã khoanh tay chào rất lịch sự. Vậy là học trò sẽ nhớ vần "oan" hơn.

Hoặc tới vần "ăt", cô giáo lớp 1 mô phỏng bằng hành động đi ra chỗ công tắc và tắt điện thì học sinh biết được rằng cô tắt điện, trong từ "tắt điện" có vần "ăt". Từ những hoạt động cô làm mẫu, cô đã chia lớp làm ba tổ và yêu cầu mỗi tổ mô phỏng lại một hành động nào đó để cô giáo và các tổ khác đoán, nếu đoán không đúng sẽ phạt nhảy lò cò hoặc vừa đánh đàn vừa hát.

Cô giáo tiểu học: 'Muốn trẻ lâu xin hãy dạy lớp 1' - Ảnh 3.

Cô Hoàng Thị Hương trong một tiết dạy học

VVOB

"Hôm đó học vần "ong", có một tổ có hơn 10 người, các con đã choàng tay vào nhau và cùng đưa chân ra đá một vật vô hình trong không gian. Cô giáo và các bạn khác trong lớp đã đoán là từ "đá bóng" và trong từ này có vần "ong". Hoặc là vần "oai" trong từ điện thoại, tôi mô phỏng hành động đưa tay lên tai, từ những hành động đó học sinh hiểu rõ và nhớ bài lâu hơn", cô Hương kể về những ví dụ trong cách thực hiện mô hình học thông qua chơi ở lớp mình.

Còn với cô Nguyễn Thị Hằng, trước khi vào tiết học, cô ưu tiên phần khởi động để học sinh vừa vui vẻ vừa hứng thú, tự tin bước vào tiết học đầu tiên trong ngày. Đây cũng là cách cô kiểm tra được những kiến thức bài học trò đã học hôm qua và dẫn dắt được bài hôm nay. Trong mọi môn học, cô giáo lớp 1 ưu tiên phần vận dụng sáng tạo và liên hệ thực tế.

Cha mẹ cùng vận dụng để học cùng con

Không chỉ nhận được sự ủng hộ của học sinh, các cô giáo ở Trường tiểu học Đạo Đức, Hà Giang cũng nhận được sự quan tâm về mô hình Học thông qua chơi. Học sinh về kể với cha mẹ về những tiết học thú vị trên lớp. Cha mẹ các em cũng tò mò và hỏi thêm cô giáo về mô hình này. Tại Trường tiểu học Đạo Đức còn có những ngày cha mẹ đến dự giờ cùng con, cùng chơi với các con ở lớp.

"Tôi nói với phụ huynh có thể ứng dụng học thông qua chơi với các con của mình ở ngay trong gia đình. Ví dụ như khi chở con từ trường về nhà, cha mẹ có thể đặt cho con những câu hỏi thú vị. Khi bé đố mẹ kể được số lẻ từ 1 tới 10, mẹ cũng có thể hỏi bé vậy số chẵn từ 1 đến 10 gồm những số gì? Hay khi cùng mẹ nấu cơm, nhặt rau, với những câu hỏi "đố con mẹ sẽ làm món gì? Đây là loại rau gì?" cũng là một cách áp dụng học thông qua chơi vào đời sống", cô Hoàng Thị Hương chia sẻ.

Cô giáo tiểu học: 'Muốn trẻ lâu xin hãy dạy lớp 1' - Ảnh 4.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đạo Đức trong giờ học tiếng Việt

VVOB

Dự án "Lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam" (iPLAY) thực hiện từ năm 2020-2023 do Tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục VVOB của Bỉ tại Việt Nam hợp tác cùng Bộ GD-ĐT với sự tài trợ từ Quỹ LEGO.

Theo VVOB, chơi và học cần là hai hoạt động song hành với nhau. Hoạt động "chơi" của trẻ nên được nhìn nhận dưới góc nhìn rộng hơn. Khi vào lớp học, hoạt động "chơi" bao gồm đa dạng các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm tòi, có mục đích học tập và có liên kết với mục tiêu của từng tiết học.

Các hoạt động này khi được tổ chức và phát triển phù hợp theo chương trình học sẽ thúc đẩy các em học sinh chủ động tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Hướng tiếp cận này còn trao quyền cho các em được quan sát, tư duy một vấn đề cụ thể, giúp các em rèn luyện tinh thần làm việc nhóm và tự tin hơn vào bản thân.

Đây cũng là 5 đặc điểm chính của hướng tiếp cận học thông qua chơi: vui vẻ, ý nghĩa, tham gia tích cực, tương tác xã hội, nhiều cơ hội thử nghiệm.

Quan trọng nhất là thầy cô thay đổi năng lượng của mình

Khi lắng nghe ý kiến của phụ huynh được con em kể lại về những giờ học thông qua chơi, tôi vui khi mô hình này được áp dụng đúng thời điểm và đúng lúc để các em thay đổi được cách học và suy nghĩ trong quá trình học, đó là học và chơi.

Nói đúng thời điểm và đúng lúc, bởi sau đợt dịch kéo dài, học sinh bị hạn chế nhiều trong giao tiếp với mọi người, ảnh hưởng tới tâm lý các em. Khi quay lại trường học, học thông qua chơi giúp các em lấy lại được tinh thần học tập của mình. Mô hình này cũng phù hợp ở thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp các em hiểu được ý nghĩa của tiết học, trải nghiệm và phát huy năng lực bản thân.

Học thông qua chơi không yêu cầu thầy cô phải đầu tư quá nhiều, điều quan trọng nhất là thầy cô thay đổi cách dạy của mình, thay đổi năng lượng của mình truyền đến cho các em một cách tích cực nhất để đảm bảo học sinh cảm thấy tiết học vui vẻ, có ý nghĩa, liên hệ được với cuộc sống và được thể hiện bản thân nhiều nhất.

(Thầy Huỳnh Thế Nhã, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, Q.5, TP.HCM).

Học sinh, giáo viên thấy hứng thú hơn

Những ích lợi mà học thông qua chơi mang lại là giáo viên có hứng thú hơn trong công tác giảng dạy. Lớp học sôi động hơn bởi sự tương tác tích cực giữa giáo viên, học sinh, học sinh cảm thấy tiết học thu hút hơn. Khi đưa về các tổ chuyên môn, bản thân các giáo viên có sự thay đổi lớn. Họ cảm thấy việc dạy học mới mẻ, hiệu quả hơn.

Khó khăn nhất với tôi là làm sao để mỗi em đều được tiếp cận học thông qua chơi hiệu quả, phát huy năng lực, phẩm chất của mình, để tương tác của giáo viên và học sinh được trở nên rõ ràng, đậm nét hơn.

(Thầy Trần Quốc Long Xuyên, giáo viên lớp 5, tổ trưởng chuyên môn khối 5 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.