Món quà quý giá của cô giáo tiểu học
Cô Hoàng Thụy Minh Thư, năm nay 47 tuổi, đang là giáo viên Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3. Cô tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (bây giờ là Trường ĐH Sài Gòn, Q.5) năm 1999. Ngay sau đó, cô được phân công về Trường tiểu học Phước Kiển 5 (bây giờ là Trường tiểu học Lê Quang Định), H.Nhà Bè công tác. Khi đó, Nhà Bè còn được coi là vùng sâu vùng xa của TP.HCM với nhiều khó khăn, thiếu thốn.
"Nhà tôi ở Q.3, mỗi ngày đi làm, tôi phải chạy xe máy 40 km cả đi lẫn về. Tôi còn nhớ Nhà Bè có những chiếc cầu gỗ vắt vẻo bắc ngang sông, ván gỗ lâu này bị hở những miếng lớn, cảm giác chỉ cần trượt chân một cái là rớt xuống sông. Hay những con đường dẫn vào trường là đường đất đỏ nhỏ xíu, vừa đúng một chiếc xe máy chạy qua, ngày nắng bụi bay mù mịt còn ngày mưa thì thường xuyên ngập nước", cô Thư kể.
Nhưng là cô giáo tiểu học nhiệt huyết với năng lực giỏi, nhiều khát vọng, cô Thư không ngại khó khăn. Cô giáo trẻ xinh đẹp luôn tâm huyết làm sao phải mang những bài giảng với phương pháp giáo dục hiện đại, mới mẻ, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Trong thời gian này, cô liên tục đạt danh hiệu chủ tịch Công đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trẻ em ở Nhà Bè những năm tháng ấy vất vả. Trong trí nhớ của cô Thư, phụ huynh đa số làm nông, trẻ con ban ngày đi lượm trứng vịt chạy đồng, làm nông phụ cha mẹ rồi tự đi bộ đến trường, có khi lội nước, lội đất đỏ mới tới được lớp thì chiếc áo trắng đã hóa màu bùn. Nhưng nhiều em học lực rất giỏi.
"Khi tôi về công tác, Trường tiểu học Phước Kiển 5 mới có lớp bán trú nhưng không phải học trò nào cũng có điều kiện để ăn, nghỉ ở trường. Nhiều em tội lắm, đi học là xách một cái cà mèn theo, trong đó chỉ có cơm trắng và chút cá khô hay mắm. Nghỉ trưa là các em mở cơm ra, ngồi ở sân trường ăn. Nhiều học sinh vì gia cảnh khó khăn quá thì ngại luôn việc đi học. Tôi và đồng nghiệp phải tới nhà thuyết phục các em trở lại trường", cô Thư hồi tưởng.
Gắn bó ở mái trường nhỏ ấy trong suốt 7 năm, với cô Thư nơi này như một gia đình. Các cô giáo xem nhau như chị em trong một mái nhà. Còn bà con Nhà Bè đôn hậu dễ thương, ai cũng quý mến giáo viên nên nhà có đám giỗ, đám cưới đều mời thầy cô đến như người trong nhà. Những ngày lễ, tết, 8.3 hay 20.11, học sinh mang những món gì quý nhất trong nhà để tặng các cô. Trò thì mang gạo, trò mang trứng vịt, có em ôm cả con gà còn sống tới tặng cô.
"Tôi chở con gà trên xe máy về Q.3, trong lòng xúc động khôn nguôi trước tấm lòng của các em. Sau này về trường mới, những ngày đầu tôi vừa giảng bài, vừa nhớ những người chị em đồng nghiệp và các em học trò cũ tới rơi nước mắt", cô Thư bộc bạch.
Tình yêu thương dẫn lối
Năm 2006, cô Thư chuyển về Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3 và công tác cho đến ngày hôm nay. Với năng lực chuyên môn xuất sắc, năng nổ trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng chuyên môn, cô Thư còn là chi ủy viên, chủ tịch Công đoàn giáo viên khối 2.
Nhiều năm liên tiếp, cô Thư là chiến sĩ thi đua, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Cô cũng vinh dự nhận bằng khen của UBND TP.HCM về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học 2021-2022 và nhiều thành tích khác.
"Trẻ em ngày càng thông minh, hiếu động và nghịch ngợm. Giáo viên tiểu học phải thấu hiểu, nắm bắt tâm lý của học sinh, điều chỉnh uốn nắn các em dần dần. Tôi quan niệm rằng những năm tháng tiểu học rất quan trọng trong giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, tính cách con người. Do đó, dù ở bất kỳ bài học nào, chúng tôi đều lồng ghép những bài học để rèn giũa nhân cách, phẩm chất cho các em", cô Thư chia sẻ.
Trong suốt 24 năm công tác, cô Thư không thể quên những học trò ngỗ nghịch sau các năm tháng học cùng cô đã trở nên ngoan hơn, thấu hiểu cha mẹ, thầy cô hơn và trở thành những người rất thành công. Có những em đã trưởng thành, lập gia đình rồi có con, vẫn đưa con tới thăm cô và ôn lại những kỷ niệm xúc động ngày xưa.
Ngày ấy, trong 3 năm liên tiếp, học trò của cô Thư đều có mẹ bị ung thư. Cô Thư biết chuyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho các bé, tan học là chở bé về nhà giúp gia đình, kèm cặp các con ôn bài. Khi mẹ các bé qua đời, cô Thư như một người mẹ thứ hai động viên các con vượt qua nỗi đau quá lớn.
Tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng với nghề giáo của cô Thư truyền sang người em họ và người cháu ruột của mình-người gọi cô Thư là mẹ từ tấm bé. Hiện tại, cả hai cũng đều đang là giáo viên tiểu học tại các trường ở Q.3, TP.HCM.
"Giáo viên tiểu học có những vất vả, gian lao nhưng cũng có những niềm vui và sự hạnh phúc trong nghề không thể nào sánh được. Mỗi năm chúng tôi lại gặp những lứa học trò khác nhau với những tính cách, năng lực, hoàn cảnh khác nhau. Chỉ có tình yêu thương mới dẫn lối để chúng tôi trở thành người cô, người bạn, người mẹ của các học trò-không chỉ 5 năm ở mái trường tiểu học mà còn mãi sau này, khi các trò đã khôn lớn, trưởng thành", cô Thư bộc bạch.
Bình luận (0)